chính sách nổi bật về lao động có hiệu lực từ tháng 7/2016
Hướng dẫn về mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động; Tăng thu nhập cho công chức trong Tổng cục Thuế, Hải quan; Mức hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; Hỗ trợ lãi suất để bảo vệ và phát triển rừng là những chính sách nổi bật về lao động có hiệu lực từ tháng 7/2016.

Hướng dẫn về mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động

 
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 37/2016/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015. 
 
Theo đó, người sử dụng lao động hằng tháng đóng mức 1% trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng. Không bao gồm người lao động là người giúp việc gia đình.
 
Trường hợp người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm hoặc khoán được thực hiện hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần.
 
Người sử dụng lao động hằng tháng đóng mức 1% trên mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động là hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.
 
Nghị định số 37/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 01/7/2016.
 
Tăng thu nhập cho công chức trong Tổng cục Thuế, Hải quan
 
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 76/2016/TT-BTC  quy định  việc  thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016-2020.
 
Cụ thể, Tổng cục Thuế (TCT), Tổng cục Hải quan (TCHQ) được sử dụng kinh phí tiết kiệm để chi cho các nội dung quan trọng, như :
 
- Bổ sung thêm thu nhập cho công chức, viên chức và người lao động bình quân của TCT, TCHQ tối đa 0,2 lần mức lương đối với cán bộ, công chức viên chức do Nhà nước quy định.
 
Mức chi này do Thủ trưởng cơ quan quyết định dựa trên hiệu quả công việc, công bằng, hợp lý, đồng thời phải thống nhất với tổ chức công đoàn cơ quan và được công khai trong toàn cơ quan.
 
- Trợ cấp ngoài chính sách cho những người tự nguyện nghỉ chế độ trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại lao động; hỗ trợ công chức, viên chức và người lao động gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo…
 
Thông tư 76/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 17/7/2016, được áp dụng cho năm ngân sách 2016 - 2020.
 
Mức hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
 
Theo Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ,  từ  ngày 01/7/2016,  mức hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động tối đa bằng 30% mức giá dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định.
 
Cụ thể, đối tượng được ưu tiên hỗ trợ chi phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng làm việc không theo hợp đồng lao động khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
 
Mỗi đối tượng được hỗ trợ chi phí huấn luyện 1 lần đối với một công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; đối tượng được hỗ trợ khi tham gia đầy đủ chương trình, thời gian huấn luyện, được kiểm tra, sát hạch đạt yêu cầu và được cấp thẻ an toàn; việc hỗ trợ được thực hiện trực tiếp cho người lao động hoặc hỗ trợ thông qua Tổ chức huấn luyện.
 
Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế của khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nhưng không quá 50% mức lương cơ sở/người/khóa huấn luyện theo quy định của Chính phủ tại thời điểm huấn luyện.
 
Hỗ trợ lãi suất để bảo vệ và phát triển rừng
 
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 81/2016/TT-BTC hướng dẫn cơ chế hỗ trợ lãi suất do thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020.
 
Theo Thông tư số 81/2016/TT-BTC , điều kiện để được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất là đã ký hợp đồng và đã được giải ngân tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam từ ngày 02/11/2015 đến hết ngày 31/12/2020 theo đúng quy định tại Điều 8 Nghị định số 75 và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
 
Nếu các khoản vay (gồm cả gốc và lãi) bị quá hạn trả nợ hoặc được gia hạn nợ thì không được hỗ trợ lãi suất đối với khoảng thời gian khoản vay bị quá hạn trả nợ hoặc được gia hạn nợ, trừ các trường hợp khoản cho vay bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được gia hạn nợ theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
 
Trường hợp khách hàng đã thanh toán nợ quá hạn và trả nợ đúng hạn từ kỳ trả nợ tiếp theo thì khách hàng tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất.
 
Thông tư cũng quy định mức chênh lệch lãi suất hỗ trợ được tính bằng mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn trong cùng thời kỳ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trừ đi mức lãi suất 1,2%/năm.
 
Thông tư số 81/2016/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 29/7/2016.
 
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác