Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 8/2016
Quy định hệ số lương của người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Tăng thêm nhóm công việc phải nghiêm ngặt an toàn vệ sinh, lao động; Quản lý tuyển dụng tại công ty TNHH Một thành viên Nhà nước; Hướng dẫn doanh nghiệp nộp thuế điện tử là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 8/2016.

Quy định hệ số lương của người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2016/NĐ-CP quy định về tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
 
Theo đó, đối với quản lý chuyên trách: căn cứ vào số người quản lý và mức tiền lương bình quân kế hoạch gắn với mức độ thực hiện chỉ tiêu theo Điều 5 Nghị định này, trong đó:Nếu lợi nhuận vượt kế hoạch thì cứ 1% lợi nhuận, quản lý được tính thêm tối đa 1% tiền lương; và không vượt quá 20% mức tiền lương bình quân kế hoạch.
 
Đối với những người quản lý công ty Nhà nước không chuyên trách, thù lao được tính theo công việc và thời gian làm việc, nhưng không vượt quá 20% tiền lương của người quản lý công ty chuyên trách; đối với người quản lý công ty được cử đại diện vốn góp ở nhiều công ty, doanh nghiệp khác thì khoản thù lao do công ty, doanh nghiệp khác trả được nộp về công ty để chi trả theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ, nhưng tối đa không vượt quá 50% mức tiền lương thực tế được hưởng tại công ty.
 
Đối với tập đoàn kinh tế, hệ số lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách từ 8,8 - 9,1; Tổng giám đốc hoặc Giám đốc là 8,5 - 8,8; Kế toán trưởng là 7,76 - 7,90….
 
Với Tổng công ty đặc biệt, hệ số lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách là 8,2 - 8,5; Tổng giám đốc hoặc Giám đốc là 7,85 -8,2; Kế toán trưởng là 7,0 - 7,33.
 
Với Tổng công ty và tương đương, hệ số lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách là 7,78 - 81,12; Tổng giám đốc hoặc Giám đốc là 7,45 - 7,78; Kế toán trưởng là 6,64 - 6,79…
 
Nghị định số 52/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8; các chế độ được áp dụng từ ngày 01/1/2016.
 
Tăng thêm nhóm công việc phải nghiêm ngặt an toàn vệ sinh, lao động
 
Theo Thông tư số 13/2016/TT-BLĐTBXH ngày 16/6/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ngoài việc bổ sung thêm công việc vào nhóm cũ trong danh mục tại Thông tư số 27/2013/TT-BLĐTBXH (13 nhóm), Thông tư số 13/2016/TT-BLĐTBXH còn thêm mới một số nhóm công việc như: các công việc làm việc trên cao cách mặt bằng làm việc từ 2 mét trở lên; các công việc làm việc có tiếp xúc bức xạ ion hóa; các công việc có tiếp xúc điện từ trường tần số cao ở dải tần số từ 30 GHz tới 300 GHz;  Chế tạo, sử dụng, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình, thiết bị, hóa chất, dung dịch dùng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, khai thác dầu khí, các sản phẩm của dầu khí trên biển và trên đất liền…
 
Quản lý tuyển dụng tại công ty TNHH Một thành viên Nhà nước 
 
Theo Nghị định số 51/2016/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty TNHH Một thành viên Nhà nước phải đảm bảo tổng số lao động theo kế hoạch trong điều kiện sản xuất, kinh doanh bình thường không được vượt quá 5% so với số lao động thực tế đã sử dụng bình quân của năm trước liền kề.
 
Trường hợp tuyển dụng vượt quá kế hoạch hoặc không đúng kế hoạch dẫn đến người lao động không có việc làm, phải chấm dứt hợp đồng lao động thì tổng giám đốc, giám đốc hoặc chủ tịch công ty, hội đồng thành viên phải chịu trách nhiệm và không được thưởng, không được tăng lương, kéo dài thời gian nâng lương, giảm mức tiền lương. Đây cũng là nội dung để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý.
 
Nghị định số 51/2016/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2016

Hướng dẫn doanh nghiệp nộp thuế điện tử
 
Thông tư số 84/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định người nộp thuế có thể nộp thuế điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc qua dịch vụ nộp thuế điện tử do ngân hàng cung cấp.
 
Để nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử (CTTĐT) của Tổng cục Thuế, người nộp thuế phải đăng nhập hệ thống nộp thuế điện tử bằng tài khoản giao dịch thuế điện tử đã được cấp và thực hiện theo các bước sau:
 
Bước 1: Người nộp thuế (NNT) lập chứng từ nộp thuế.
Người nộp thuế (NNT) lập chứng từ nộp thuế theo mẫu số C1-02/NS (ban hành kèm theo Thông tư này) bằng tài khoản đăng nhập được cơ quan thuế cấp theo quy định.
 
Bước 2: CTTĐT Tổng cục Thuế tiếp nhận, xử lý.
 
- CTTĐT tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của thông tin, xác nhận chữ ký số của NNT và gửi thông báo xác nhận là đã nhận/lý do không nhận cho NNT;
 
- Đối với chứng từ hợp lệ, CTTĐT Tổng cục Thuế ký chữ ký điện tử của mình lên chứng từ và gửi đến ngân hàng mà NNT lựa chọn khi lập chứng từ.
 
Bước 3: Ngân hàng nơi NNT mở tài khoản trích nợ TK của NNT.
 
- Trường hợp chứng từ không hợp lệ hoặc không đủ điều kiện trích nợ thì gửi thông báo nộp thuế chưa thành công cho NNT qua CTTĐT;
 
- Trường hợp chứng từ hợp lệ và đủ điều kiện thì thực hiện trích nợ và gửi thông báo nộp thuế thành công kèm theo Giấy nộp tiền vào ngân sách cho NNT.
 
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/8/2016.
 
KHÁNH VÂN
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác