Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2017
Đăng ngày 02-08-2017 15:54, Lượt xem: 1589

Các trường hợp được miễn lệ phí quốc tịch, hộ tịch, đăng ký cư trú; Quy định mới về công khai Ngân sách Nhà nước; Mức thu phí xin xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu; Mức thu phí xin xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu; Quy định mới về phí thẩm định cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại...là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2017.

Các trường hợp được miễn lệ phí quốc tịch, hộ tịch, đăng ký cư trú

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 64/2017/TT-BTC hướng dẫn miễn lệ phí quốc tịch, lệ phí hộ tịch, đăng ký cư trú cho người được phép cư trú theo quy định của Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước khi làm các thủ tục về quốc tịch, đăng ký hộ tịch, đăng ký cư trú và các giấy tờ khác liên quan đến nhân thân.

Theo đó, đối tượng được miễn lệ phí là người được cơ quan chức năng Việt Nam cho phép cư trú gồm: Người di cư tự do trong vùng biên giới Việt Nam hoặc Lào từ năm 1985 trở về trước; người di cư tự do trong vùng biên giới Việt Nam hoặc Lào từ năm 1986 đến ngày 8/7/2013 tôn trọng luật pháp của nước cư trú, không vi phạm luật hình sự, có cơ sở cuộc sống ổn định, có nhà cửa tài sản cố định, có đất canh tác ở nước cư trú, không đang bị truy nã hoặc đang phải thi hành án theo quy định của pháp luật nước gốc; người kết hôn không giá thú sau khi đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật mỗi nước có nguyện vọng xin phép cư trú trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Những người di cư tự do trong vùng biên giới hai nước từ năm 1986 đến ngày 8/7/2013 không đủ điều kiện trên do phía Lào trả lại và đã được phía Việt Nam đồng ý tiếp nhận cũng được miễn lệ phí.

Người di cư tự do trong vùng biên giới Việt Nam hoặc Lào sau ngày 8/7/2013 không thuộc đối tượng áp dụng.

Thông tư số 64/2017/TT-BTC có hiệu lực từ 15/8/2017 và sẽ hết hiệu lực khi Thỏa thuận chấm dứt hiệu lực.

Quy định mới về công khai Ngân sách Nhà nước

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 61/2017/TT-BTC quy định việc công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được NSNN hỗ trợ.

Theo đó, việc công khai dự trên nguyên tắc đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin ngân sách. Bên cạnh đó, bảo đảm các yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định hiện hành. Phạm vi công khai không bao gồm số liệu và báo cáo thuyết minh thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và dự trữ quốc gia.

Báo cáo dự toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) phải được công khai chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày được đơn vị dự toán cấp trên hoặc cấp có thẩm quyền giao đầu năm và điều chỉnh giảm hoặc bổ sung trong năm (nếu có).

Báo cáo tình hình thực hiện dự toán NSNN hằng quý, 6 tháng phải được công khai chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc quý và 6 tháng. Báo cáo tình hình thực hiện NSNN hàng năm được công khai chậm nhất là 5 ngày làm việc , kể từ ngày đơn vị báo cáo đơn vị dự toán cấp trên trực tiếp.

Thông tư số 61/2017/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017.

Mức thu phí xin xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu

Bộ Tài chính vừa ban hành tại Thông tư số 62/2017/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Theo đó, tổ chức, cá nhân nhận uỷ thác nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, mức thu phí cấp, cấp lại giấy xác nhận là 20 triệu đồng/hồ sơ đối với tổ chức, cá nhân nhận uỷ thác có kho, bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu; 12 triệu đồng/hồ sơ đối với tổ chức, cá nhân nhận uỷ thác không có kho, bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu.

Mức thu phí cấp, cấp lại giấy xác nhận đối với trường hợp tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất dao động từ 48 nghìn đồng đến 80 nghìn đồng đối với Giấy xác nhận do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp lần đầu và 26,4 nghìn đồng đến 80 nghìn đồng nếu xin cấp lại.

Với Giấy xác nhận do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp, mức phí từ 22 nghìn đồng đến 32 nghìn đồng không phân biệt cấp mới hay cấp lại. Chậm nhất là ngày 5 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước.

Thông tư số 62/2017/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ 5/8/2017.

Quy định mới về phí thẩm định cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại

Từ ngày 1/8/2017, mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại được thực hiện theo quy định tại Thông tư 59/2017/TT-BTCdo Bộ Tài chính mới ban hành. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2017.

Theo quy định tại thông tư, người nộp phí thực hiện nộp phí thẩm định trong thời gian 10 ngày làm việc tính từ thời điểm nhận được văn bản chấp thuận vận hành thử nghiệm của cơ quan cấp phép. Mức thu phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép xử lý chất thải nguy hại được quy định theo giấy phép hoạt động (cấp mới, cấp lại hoặc điều chỉnh giấy phép) và khu vực địa lý. Khu vực địa lý là nơi đặt cơ sở (hoặc nhà máy) xử lý chất thải nguy hại của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép được quy định: Khu vực 1 gồm 11 tỉnh, thành phố; Khu vực 2 gồm 20 tỉnh, thành phố; Khu vực 3 gồm 8 tỉnh, thành phố; Khu vực 4 gồm 25 tỉnh, thành phố. Cụ thể về mức thu phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép xử lý chất thải nguy hại được quy định tại Thông tư 59/2017/TT-BTC.

Quản lý kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 63/2017/TT-BTC quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

Theo đó, đối tượng áp dụng gồm: Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Ban Thanh tra nhân dân cấp xã); Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước; Ban Thanh tra nhân dân ở đơn vị sự nghiệp công lập; Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước.

Mức hỗ trợ kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và nguồn kinh phí bảo đảm như sau: Đối với Ban Thanh tra nhân dân cấp xã: Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định mức hỗ trợ cụ thể, bảo đảm mức tối thiểu 5 triệu đồng/Ban/năm và cân đối cho ngân sách cấp xã để Ủy ban nhân dân xã cấp cho Ban Thanh tra nhân dân hoạt động. Đối với Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước: Kinh phí hoạt động do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định, bố trí trong phạm vi nguồn tài chính của đơn vị.

Về mức chi bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân: Chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị; chi công tác phí theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị. Thông tư này hướng dẫn cụ thể thêm một số mức chi cho bồi dưỡng báo cáo viên trong hội họp, chi thù lao trách nhiệm cho các thành viên Ban Thanh tra nhân dân trực tiếp thực hiện công tác thanh tra, mức chi: 100.000 đồng/người/ngày.

Đối với các khoản chi mua sắm văn phòng phẩm, cước điện thoại, cước bưu phẩm, các khoản chi khác, mức chi theo hóa đơn thực tế.

Thông tư số 63/2017/TT-BTC  có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác