Chính sách nổi bật về lao động, tiền lương có hiệu lực từ tháng 10/2017
Đăng ngày 09-10-2017 08:07, Lượt xem: 633

Hướng dẫn về xếp lương công chức; Điều kiện cử đi đào tạo sau đại học; Hỗ trợ tối đa 300 USD/người/tháng học sau tiến sỹ ở nước ngoài; Quy định mới về thời điểm xét nâng bậc lương đối với sĩ quan; Giảng viên Y phải có chứng chỉ khám chữa bệnh; Chế độ, phụ cấp cho người tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ; Quy định mới về thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên là những chính sách nổi bật về lao động, tiền lương có hiệu lực từ tháng 10/2017.

 

Hướng dẫn về xếp lương công chức

Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư số 05/2017/TT-BNV sửa đổi, bổ sung về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn, bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính quy định công chức được bổ nhiệm vào các ngạch công chức chuyên ngành hành chính được áp dụng bảng lương tương ứng tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.

Theo đó, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước đối với các ngạch công chức như sau:

Ngạch chuyên viên cao cấp áp dụng công chức loại A3 (nhóm I), có hệ số lương từ 6.20 - 8.00.

Ngạch chuyên viên chính áp dụng công chức loại A2 (nhóm I), có hệ số lương từ 4.40 - 6.78

Ngạch chuyên viên áp dụng công chức loại A1, có hệ số lương từ 2.34 - 4.98;

Ngạch cán sự áp dụng công chức loại A0, có hệ số lượng từ 2.10 - 4.89 và

Ngạch nhân viên áp dụng công chức loại B, có hệ số lương từ 1.86 - 4.06.

Áp dụng Bảng 4 (Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp của nhà nước) đối với ngạch nhân viên lái xe cơ quan.

Thông tư số 05/2017/TT-BNV  có hiệu lực từ ngày 1/10/2017 

Điều kiện cử đi đào tạo sau đại học

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, từ ngày 21/10/2017, cán bộ, công chức được cử đi đào tạo sau đại học phải đáp ứng 4 điều kiện, gồm: Có thời gian công tác từ đủ 3 năm trở lên và 2 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ; Không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu; Có cam kết làm việc sau đào tạo ít nhất việc gấp 2 lần thời gian đào tạo; Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

Viên chức được cử đi đào tạo phải đáp ứng 3 điều kiện, gồm: Đã kết thúc thời gian tập sự (nếu có); Có cam kết làm việc sau đào tạo ít nhất việc gấp 2 lần thời gian đào tạo; Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

Trường hợp tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo; Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp; Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp nhưng bỏ việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết nêu trên phải đền bù chi phí đào tạo.

Hỗ trợ tối đa 300 USD/người/tháng học sau tiến sỹ ở nước ngoài

Nội dung trên được quy định tại Thông tư số 88/2017/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng NSNN.

Theo đó, từ ngày 07/10/2017, các đối tượng được cử đi bồi dưỡng nhân lực khoa học công nghệ (KHCN) ở nước ngoài sẽ được đảm bảo các quyền lợi BHYT bằng việc Nhà nước tài trợ đầy đủ các khoản chi phí đóng BHYT, cụ thể:

- Nhà nước sẽ thanh toán khoản phí BHYT bằng mức BHYT bắt buộc theo quy định của nước sở tại (cấp bằng đồng đôla Mỹ hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại) và tối đa không vượt quá 1.000 USD/người/năm.

- Đối với những nước có mức mua BHYT bắt buộc cao hơn định mức tối đa quy định nêu trên thì Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định cụ thể trên cơ sở lấy ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính.

- Trường hợp người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng có nguyện vọng mua BHYT ở mức cao hơn mức quy định tại Thông tư số 88/2017/TT-BTC thì phải tự bù phần chênh lệch.

Quy định mới về thời điểm xét nâng bậc lương đối với sĩ quan

Có hiệu lực từ ngày 10/10/2017, Thông tư số 208/2017/TT-BQP hướng dẫn chuyển xếp lương đối với sĩ quan, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ được tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp (QNCN).

Theo đó, thay đổi quy định về thời điểm xét nâng bậc lương lần sau của QNCN đối với sĩ quan so với quy định hiện hành tại Thông tư 152/2007/TT-BQP ngày 25/9/2007, cụ thể:

- Thời điểm xét nâng bậc lương lần sau của QNCN được tính từ tháng, năm ký Quyết định thăng cấp bậc quân hàm sĩ quan hoặc nâng lương sĩ quan (Thời điểm xét nâng lương hiện tại theo Thông tư 152/2007/TT-BQP được xác định dựa vào chênh lệch giữa hệ số lương QNCN so với hệ số lương sĩ quan)

– Đối với sĩ quan cấp tá và cấp Đại úy có thời gian từ đủ 3 năm trở lên ở một bậc quân hàm hoặc lần nâng lương thứ nhất hoặc lần thứ hai, đủ tiêu chuẩn nâng bậc lương thì được xét nâng lương QNCN.

Thời điểm xét nâng bậc lương QNCN lần sau được tính từ khi kết thúc thời gian 3 năm ở một bậc quân hàm hoặc lần nâng lương thứ nhất hoặc lần nâng lương thứ hai.

Giảng viên Y phải có chứng chỉ khám chữa bệnh

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học.

Theo đó, từ ngày 23/10/2017, giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo nhóm ngành sức khoẻ theo quy định.

Với mỗi môn học thuộc kiến thức cơ sở ngành hoặc chuyên ngành của chương trình đào tạo phải có ít nhất 1 giảng viên cơ hữu có văn bằng, luận văn, luận án tốt nghiệp phù hợp với môn học chịu trách nhiệm giảng dạy.

Trong đó, ngành Y khoa có tối thiểu 2 tiến sĩ thuộc lĩnh vực khoa học y sinh, 6 tiến sĩ thuộc lĩnh vực y học lâm sàng và 1tiến sĩ thuộc lĩnh vực y học dự phòng hoặc y tế công cộng.

Ngành Y học cổ truyền có tối thiểu 2 tiến sĩ thuộc lĩnh vực khoa học y sinh, 3 tiến sĩ thuộc lĩnh vực y học cổ truyền và 1tiến sĩ thuộc lĩnh vực y học dự phòng hoặc y tế công cộng.

Ngành Răng - Hàm – Mặt có tối thiểu 2 tiến sĩ thuộc lĩnh vực khoa học y sinh, 2 tiến sĩ lĩnh vực y học lâm sàng và 3 tiến sĩ lĩnh vực Răng – Hàm – Mặt.

Ngành Y học dự phòng có tối thiểu 2 tiến sĩ  thuộc lĩnh vực khoa học y sinh, 1 tiến sĩ  lĩnh vực y học lâm sàng và 4 tiến sĩ thuộc lĩnh vực y học dự phòng hoặc y tế công cộng.

Với ngành Dược học có tối thiểu 2 tiến sĩ  ở các lĩnh vực thuộc về các môn học cơ sở ngành Dược và 3 tiến sĩ  lĩnh vực thuộc về các môn học chuyên ngành Dược.

Về cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình phải đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu, học tập theo quy định đáp của ngành đăng ký đào tạo trình độ ĐH. Một số ngành thuộc nhóm sức khoẻ, đáp ứng điều kiện về cơ sở thực hành ngoài cơ sở đào tạo thực hiện theo các quy định hiện hành. Đồng thời phải có thư viện, thư viện điện tử đảm bảo đủ tài liệu hỗ trợ giảng dạy, ngiên cứu, học tập của giảng viên và sinh viên.

Chế độ, phụ cấp cho người tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 83/2017/NĐ-CP quy định các chế độ đối với người tham gia cứu nạn, cứu hộ; cán bộ, đội viên đội dân phòng; đội PCCC cơ sở và chuyên ngành tham gia cứu nạn, cứu hộ khi tham gia chữa cháy.

Cụ thể, nếu tham gia chữa cháy dưới 2 giờ: Được bồi dưỡng một khoản tiền bằng 0,5 ngày lương cơ sở. Nếu thời gian chữa cháy từ 2 giờ đến dưới 4 giờ: Được bồi dưỡng một khoản tiền bằng 0,75 ngày lương cơ sở. Nếu thời gian chữa cháy từ 4 giờ trở lên hoặc chữa cháy nhiều ngày thì cứ 4 giờ được bồi dưỡng một khoản tiền bằng 1 ngày lương cơ sở. Nếu tham gia chữa cháy vào ban đêm từ 22 giờ - 6 giờ sáng thì được tính gấp 2 lần.

Đối với trường hợp bị tai nạn, bị thương, sẽ được thanh toán tiền khám bệnh, chữa bệnh;Bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động: Được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động;trường hợp bị chết thì được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí. Đối với người làm nhiệm vụ trực cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ trực ban đêm (bắt đầu từ 22 giờ) theo các mức: Mức 1: Trực có thời gian từ 4 giờ/1 ngày trở lên được hưởng mức tiền ăn thêm/1 ngày bằng 4% nhân với lương cơ sở theo quy định hiện hành; Mức 2: Trực có thời gian từ 2 giờ đến dưới 4 giờ được hưởng mức tiền ăn thêm bằng 2% nhân với lương cơ sở theo quy định hiện hành.

Trường hợp người chưa tham gia đóng BHXH bị suy giảm khả năng lao động 5% thì được hưởng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;Người bị tai nạn bị mất một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng, biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho việc lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với người tàn tật; Trường hợp bị chết, kể cả chết trong thời gian điều trị lần đầu, nếu người bị chết chưa tham gia đóng BHXH, thì người trực tiếp mai táng được nhận tiền mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở và gia đình của người đó được trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.

Nghị định 83/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 04/10/2017, thay thế Quyết định 44/2012/ QĐ-TTg ngày 15/10/2012.

Quy định mới về thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên

Bộ Giáo dục Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 20/2017/TT-BGDĐT quy định các tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện bao gồm:

- Cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí làm việc của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi và được cấp có thẩm quyền cử đi dự thi.

- Được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 3 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thi..

- Có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi.

Giáo viên tham dự kỳ thi thăng hạng đều phải tham dự 4 môn thi: kiến thức chung, chuyên môn, nghiệp vụ, tin học và ngoại ngữ (trừ những trường hợp được miễn thi ngoại ngữ và tin học).

Việc thi chuyên môn, nghiệp vụ đối với kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng II lên I được thực hiện theo hình thức thuyết trình và phỏng vấn trực tiếp. Giáo viên dự thi chuẩn bị báo cáo theo hướng dẫn về nội dung thi, thuyết trình (tối đa 15 phút) và tham gia phỏng vấn trực tiếp (tối đa 15 phút). Những nội dung còn lại sẽ có các hình thức thi khác nhau (tự luận/trắc nghiệm/kết luận giữa tự luận và trắc nghiêm/thực hành…).

Thông tư số 20/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 3/10/2017 và thay thế Thông tư số 34/2010/TT-BGDĐT ngày 8/12/2010.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác