Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2018
Đăng ngày 09-10-2018 07:59, Lượt xem: 150

Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn; Giáo sư có ít nhất 3 bài báo trên tạp chí quốc tế; Tăng mức vay không cần tài sản đảm bảo cho nông dân; Bổ sung trường hợp tinh giản biên chế; Cấm cán bộ, công chức dùng xe công đi lễ hội.. là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2018.

Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn

Nội dung trên được quy định tại  Nghị định số 111/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương.

Theo Nghị định số 111/2018/NĐ-CP, ngày thành lập là ngày có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu sự ra đời bằng văn bản thành lập của cơ quan có thẩm quyền. Ngày truyền thống là ngày đánh dấu một sự kiện đáng ghi nhớ, quá trình hình thành hoặc phát triển được ghi nhận, có tính kế thừa, liên tục.

Nghị định số 111/2018/NĐ-CP  quy định rõ nguyên tắc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống. Theo đó, các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức; chỉ tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền; chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn. Trường hợp bộ, ngành, cấp tỉnh đồng thời có ngày thành lập, ngày tái lập, ngày truyền thống thì chỉ được lựa chọn một trong các ngày trên để tổ chức kỷ niệm; không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm.

Để được công nhận ngày truyền thống, các bộ, ngành, địa phương phải có tài liệu lịch sử thể hiện ngày cụ thể đánh dấu bằng sự kiện đáng ghi nhớ;  Ngày diễn ra sự kiện đáng ghi nhớ phải cách thời điểm đề nghị công nhận ít nhất là 10 năm; Có tính giáo dục truyền thống lịch sử và ý nghĩa đối với bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận ngày truyền thống của bộ, ngành, cấp tỉnh. Bộ trưởng, người đứng đầu ngành cơ quan trung ương phê duyệt kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm của bộ, ngành. Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm của cấp tỉnh và tại địa phương.Người đứng đầu bộ, ngành, cấp tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống theo kế hoạch đã được phê duyệt và chịu trách nhiệm về việc tổ chức lễ kỷ niệm bảo đảm trang trọng, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.

Nghị định số 111/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 15/10/2018.

Giáo sư có ít nhất 3 bài báo trên tạp chí quốc tế

Đây là nội dung nổi bật quy định tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ. Theo đó, từ ngày 15/10/2018, quy định các tiêu chuẩn với chức danh giáo sư, phó giáo sư theo hướng chặt chẽ hơn.

Cụ thể, để được công nhận là giáo sư, ứng viên phải đáp ứng một số tiêu chí như: đã được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư từ đủ ba năm trở lên; là tác giả chính đã công bố ít nhất ba bài báo khoa trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín và số lượng này nâng lên 5 bài từ năm 2020. Ứng viên cũng phải chủ trì biên soạn giáo trình đại học phù hợp với chuyên ngành xét công nhận chức danh giáo sư; chủ trì thực hiện ít nhất hai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ hoặc một nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã nghiệm thu kết quả từ đạt yêu cầu trở lên; hướng dẫn chính ít nhất hai nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ...

Tăng mức vay không cần tài sản đảm bảo cho nông dân

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó tăng mức cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại khi không có tài sản bảo đảm.

Theo đó, tổ chức tín dụng sẽ xem xét cho vay tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (quy định cũ tối đa 50 triệu đồng) và tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn (quy định cũ tối đa 100 triệu đồng).

Về chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án.

Tổ chức tín dụng được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và các tài sản khác làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 25/10/2018.

Bổ sung trường hợp tinh giản biên chế

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 113/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.

Theo đó, từ ngày 15/10/2018, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP bổ sung đối tượng tinh giản biên chế là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo thôi giữ chức vụ do sắp xếp, tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Như vậy, các trường hợp tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức gồm:

- Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự;

- Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác;

- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn dôi dư do sắp xếp lại tổ chức;

- Viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn dôi dư do sắp xếp lại tổ chức;

- Chủ tịch công ty, thành viên hội đồng thành viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu dôi dư do thực hiện cổ phần hóa, giao, bán, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng của các nông, lâm trường quốc doanh dôi dư do sắp xếp lại theo quy định của Nghị định số 170/2004/NĐ-CP và Nghị định số 200/2004/NĐ-CP;

- Những người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho các hội thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền...

Các đối tượng tinh giản biên chế trên nếu đủ 55 tuổi đến đủ 58 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đủ 20 năm trở lên, được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH và chế độ, đồng thời được trợ cấp ba tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 54 Luật BHXH.

Đáng chú ý, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP cũng quy định: Khi thực hiện tinh giản biên chế không đúng đối tượng, người đã hưởng chính sách tinh giản biên chế phải hoàn trả số tiền đã thực nhận. Nếu người đó đã mất thì số kinh phí này sẽ do cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp người đó sử dụng kinh phí thường xuyên để thanh toán, ngân sách Nhà nước không bổ sung kinh phí.

Cấm cán bộ, công chức dùng xe công đi lễ hội

Đây là nội dung đáng chú ý quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội của Chính phủ.

Theo đó, từ ngày 15/10/2018, Chính phủ quán triệt cán bộ, công chức, viên chức không được đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công và các phương tiện công để tham gia lễ hội. Với người dân nói chung, khi tham gia lễ hội phải mặc trang phục, phù hợp với thuần phong mỹ tục, không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh gây ảnh hướng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội.

Ngoài ra, việc thắp hương, đốt vàng mã phải đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường…

Nhằm duy trì các giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân Nhà nước sẽ hỗ trợ hoạt động phục dựng, bảo vệ lễ hội truyền thống. Đồng thời cũng sẽ mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động lễ hội; ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức lễ hội văn hóa, ngành nghề.

 

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác