Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2018
Đăng ngày 26-11-2018 08:03, Lượt xem: 123

Đẩy mạnh sử dụng và rút ngắn dịch vụ chứng thực chữ ký số; Điều kiện thành lập và hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; Tăng mức tín dụng cho công trình nước sạch nông thôn; Quy định mới trong thủ tục cấp phép vận tải biển nội địa cho tàu nước ngoài; Quy định về thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam; Cấm và hạn chế sử dụng hình ảnh thuốc lá trong điện ảnh, sân khấu... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2018.

Đẩy mạnh sử dụng chữ ký số, rút ngắn dịch vụ chứng thực chữ ký số

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. 

Theo đó, từ ngày 15/11/2018, tất cả các cơ quan, tổ chức và chức danh nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu đều có quyền được cấp chứng thư số có giá trị như quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này.

Chữ ký số được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số đó; chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số; khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký.

Ngoài ra, Nghị định số 130/2018/NĐ-CP cũng quy định rõ, chữ ký số và chứng thư số nước ngoài được cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam có giá trị pháp lý và hiệu lực như chữ ký số và chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Việt Nam cấp.

Thời gian thẩm tra hồ sơ và cấp phép chứng thực chữ ký số được rút ngắn còn 50 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ cấp phép hợp lệ thay vì 60 ngày như trước đây. Đồng thời, Chính phủ thống nhất giữ nguyên thời hạn giấy phép cấp cho tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng có thời hạn 10 năm. Chứng thư số cấp cho các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng có thời hạn 5 năm.

Điều kiện thành lập và hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập 

Từ ngày 20/11/2018, điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục,và hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập  được quy định tại Nghị định số 135/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, điều kiện thành lập và hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập gồm: Có giáo viên đạt trình độ chuẩn theo quy định; có phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em an toàn; diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em bảo đảm ít nhất 1,5 m2 cho một trẻ em; có chỗ chơi, có hàng rào và cổng bảo vệ an toàn cho trẻ em; những nơi có tổ chức ăn cho trẻ em phải có bếp riêng, an toàn; bảo đảm phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm; có đủ nước sạch dùng cho sinh hoạt và đủ nước uống hàng ngày cho trẻ em.

Trang thiết bị đối với một nhóm trẻ độc lập, thiết bị tối thiểu cho trẻ em gồm: Chiếu hoặc thảm ngồi chơi, giường nằm, chăn, gối, màn để ngủ, dụng cụ đựng nước uống, đồ dùng, đồ chơi và giá để, giá để khăn và ca, cốc, có đủ bô đi vệ sinh và tài liệu phục vụ hoạt động chơi và chơi - tập có chủ đích. 

Trang thiết bị đối với một lớp mẫu giáo độc lập, thiết bị tối thiểu cho trẻ em gồm: Bàn, ghế đúng quy cách cho trẻ em ngồi (đặc biệt đối với trẻ em 5 tuổi): một bàn và hai ghế cho hai trẻ em; một bàn, một ghế và một bảng cho giáo viên; đồ dùng, đồ chơi và giá để; bình đựng nước uống, nước sinh hoạt; tài liệu cho hoạt động chơi và học có chủ đích. Đối với lớp bán trú, có chiếu hoặc giường nằm, chăn, gối, màn, quạt. 

Đối với những nơi mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng đủ nhu cầu đưa trẻ em tới trường, lớp, các cá nhân có thể tổ chức nhóm trẻ nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em của phụ huynh và phải đăng ký hoạt động với UBND cấp xã, bảo đảm các điều kiện đăng ký hoạt động như sau: Số lượng trẻ em trong nhóm trẻ tối đa là 7 trẻ em. Người chăm sóc trẻ em có đủ sức khỏe, đủ năng lực chịu trách nhiệm dân sự và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định. Cơ sở vật chất phải bảo đảm điều kiện tối thiểu như: Phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có diện tích tối thiểu là 15 m2; bảo đảm an toàn, thoáng, mát....

Tăng mức tín dụng cho công trình nước sạch nông thôn

Nội dung trên được quy định tại Quyết định 1205/QĐ-TTg điều chỉnh mức vốn cho vay tối đa thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Theo đó, Quyết định 1205/QĐ-TTg điều chỉnh mức vốn cho vay được quy định tại Điều 1 Quyết định số 18/2014/QĐ-TTg ngày 3/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với mức vốn cho vay đối với mỗi loại công trình tối đa là 10 triệu đồng/hộ thay vì 6 triệu đồng/hộ như quy định cũ.

Các đối tượng được hưởng tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn gồm hộ gia đình định cư hợp pháp tại địa phương thuộc khu vực nông thôn chưa có nước sạch hoặc đã có nhưng chưa đạt quy chuẩn, chưa bảo đảm vệ sinh; hộ gia đình sau khi đã trả hết nợ vốn vay, có nhu cầu vay mới để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã sử dụng nhiều năm, bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; có đơn xin vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường; có cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ đúng hạn và được chính quyền cấp xã xác nhận.

Quy định mới trong thủ tục cấp phép vận tải biển nội địa cho tàu nước ngoài 

Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 48/2018/TT-BGTVT về thủ tục cấp Giấy phép vận tải biển nội địa cho tàu biển nước ngoài.

Theo đó, từ ngày 1/11/2018, hồ sơ đề nghị cấp phép vận tải biển nội địa cho tàu biển nước ngoài vận chuyển hàng hóa hoặc vận chuyển hành khách ngoài việc bao gồm: Đơn đề nghị (theo mẫu), 01 bản sao giấy chứng nhận đăng ký tàu biển, 1 hồ sơ đăng kiểm tàu biển, các giấy tờ liên quan khác được sửa theo hướng tách bạch đối với các trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp và nộp hồ sơ qua bưu điện.

Đối với tàu biển nước ngoài vận tải nội địa hàng hóa siêu trường, siêu trọng hoặc các loại hàng hóa khác bằng tàu biển chuyên dùng, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sẽ bao gồm thêm: 1 bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp); Bản sao chứng thực (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua bưu điện) một trong các loại giấy tờ: Hợp đồng đại lý hoặc giấy chỉ định đại lý đại diện cho chủ tàu nước ngoài (trường hợp tổ chức đề nghị là đại lý đại diện cho chủ tàu nước ngoài) hoặc hợp đồng thuê tàu giữa chủ tàu nước ngoài với pháp nhân Việt Nam.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận tải biển nội địa cho tàu biển nước ngoài vận chuyển hành khách, hành lý từ tàu khách du lịch vào đất liền cũng được tách bạch tương tự như nhóm tàu vận chuyển hàng hóa (trừ hợp đồng thuê tàu giữa chủ tàu nước ngoài với pháp nhân Việt Nam). 

Quy định về thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam

Theo Nghị định số 126/2018/NĐ-CP quy định về thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam chỉ được hoạt động sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký, Giấy phép. Chi nhánh của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam chỉ được hoạt động sau khi có Giấy chứng nhận. Mọi hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài và chi nhánh tại Việt Nam phải phù hợp với nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký, Giấy phép, Giấy chứng nhận.

Trong quá trình hoạt động, cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phong tục, tập quán, văn hóa của Việt Nam; không được phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sử dụng danh nghĩa, cơ sở vật chất của mình để chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc làm phương hại đến lợi ích hợp pháp của nước khác.

Cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam được thành lập chi nhánh khi đáp ứng các điều kiện: Đã hoạt động tại Việt Nam trong thời gian ít nhất 2 năm; tuân thủ pháp luật và các quy định hiện hành của Việt Nam.

Chi nhánh của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam không có tư cách pháp nhân, chịu sự quản lý, điều hành và hoạt động theo ủy quyền của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam.

Cơ sở văn hóa nước ngoài, chi nhánh tại Việt Nam bị đình chỉ hoạt động có thời hạn theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi vi phạm một trong các trường hợp: Có hành vi gian lận để được thành lập và hoạt động; vi phạm quy định của pháp luật về văn hóa bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ hoạt động; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Cơ sở văn hóa nước ngoài, chi nhánh được cho phép hoạt động trở lại sau khi khắc phục được vi phạm dẫn đến bị đình chỉ hoạt động.

Nghị định số 126/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 05/11/2018.  

Quy định cấm và hạn chế sử dụng hình ảnh thuốc lá trong điện ảnh, sân khấu 

Theo Thông tư số 25/2018/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ 15/11/2018, không sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong các trường hợp sau: 

- Thể hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 9 và Điều 13 Luật phòng chống, tác hại của thuốc lá, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này; 

- Ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh thuốc lá; 

- Thể hiện trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em; 

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Thông tư số 25/2018/TT-BVHTTDL quy định việc sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá chỉ nhằm mục đích nghệ thuật trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, cụ thể: Nhằm khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử có thật; tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định; phê phán, lên án hành vi sử dụng thuốc lá. Cũng theo Thông tư này, khi sử dụng thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật, diễn viên không thực hiện hành vi hút thuốc thật trên sân khấu.

 

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác