Chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 11/2018
Đăng ngày 26-11-2018 08:03, Lượt xem: 155

Phạt tới 200 triệu đồng khi bán hàng đa cấp bất chính; 7 trường hợp bị thu hồi giấy phép trong Quỹ tín dụng nhân dân; Người hiến máu tình nguyện được tặng dịch vụ khám, chữa bệnh; Không sử dụng người dưới 18 tuổi làm công việc bức xạ; 3 loại thực phẩm chức năng cho trẻ em phải kê khai giá; Quy định mới xét tặng giải thưởng về văn học, nghệ thuật... là những chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 11/2018.

Phạt tới 200 triệu đồng khi bán hàng đa cấp bất chính

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 141/2018/NĐ-CP về việc xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo đó, từ ngày 25/11/2018, phạt tiền từ 80-100 triệu đồng khi yêu cầu người khác phải đặt cọc, nộp một khoản tiền hoặc mua một số lượng hàng hóa để được ký hợp đồng; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ mua lại hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, mức phạt trên cũng được áp dụng cho hành vi cấp tiền hoặc lợi ích kinh tế khác cho người tham gia bán hàng đa cấp giới thiệu người khác vào đường dây mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu.

Hành vi từ chối chi trả các khoản hoa hồng, tiền thưởng mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền nhận hoặc cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng hoặc gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa cũng bị phạt từ 80-100 triệu đồng. Như vậy, Nghị định số 141/2018/NĐ-CP đã nâng mức phạt tối thiểu lên thêm 20 triệu đồng. Trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên sẽ tăng mức phạt lên gấp 2 lần.

Ngoài ra, Nghị định số 141/2018/NĐ-CP cũng bổ sung mức phạt từ 20-25 triệu đồng đối với cá nhân tham gia vào hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh đa cấp nhưng chưa được cấp giấy phép hoạt động ở lĩnh vực này.

Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với cá nhân tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với cá nhân kinh doanh đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký thu lợi bất chính dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác đến dưới 500 triệu đồng.

7 trường hợp bị thu hồi giấy phép trong Quỹ tín dụng nhân dân

Theo Thông tư số 23/2018/TT-NHNN ngày 14/9/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có 7 trường hợp phải thu hồi giấy phép của quỹ tín dụng nhân dân, bao gồm:

- Quỹ tự nguyện xin giải thể khi có khả năng thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác;

- Hồ sơ đề nghị cấp phép của quỹ có thông tin gian lận để đủ điều kiện được cấp giấy phép;

- Quỹ hoạt động không đúng nội dung quy định trong giấy phép;

- Quỹ vi phạm nghiêm trọng quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động;

- Quỹ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyết định xử lý của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh để bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng;

- Quỹ bị chia, sáp nhập, hợp nhất, phá sản;

- Quỹ hết thời hạn hoạt động không xin gia hạn hoặc xin gia hạn nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh chấp thuận.

Thông tư số 23/2018/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2018.

Người hiến máu tình nguyện được tặng dịch vụ khám, chữa bệnh

Đây là điểm mới của Thông tư số 20/2018/TT-BYT của Bộ Y tế sửa đổi Thông tư số 05/2017/TT-BYT ngày 14/4/2017 quy định về giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn.

Theo đó, từ 1/11/2018, người hiến máu toàn phần tình nguyện có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật (như hiện nay) hoặc bằng các dịch vụ khám, chữa bệnh có giá trị như sau:

- Một đơn vị máu thể tích 250 ml: 100.000 đồng;

- Một đơn vị máu thể tích 350 ml: 150.000 đồng;

- Một đơn vị máu thể tích 450 ml: 180.000 đồng.

Người hiến tình nguyện gạn tách các thành phần máu có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật (như hiện nay) hoặc bằng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có giá trị như sau:

- Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ 250 đến 400 ml: 150.000 đồng;

- Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ trên 400 đến 500 ml: 200.000 đồng;

- Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ trên 500 đến 650 ml: 250.000 đồng.

Thông tư số 20/2018/TT-BYT cũng quy định rõ, trường hợp chi quà tặng bằng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thủ trưởng đơn vị tiếp nhận máu có trách nhiệm công khai danh mục các dịch vụ và mức giá của từng dịch vụ để người hiến máu lựa chọn.

Không sử dụng người dưới 18 tuổi làm công việc bức xạ

Có hiệu lực từ ngày 01/11/2018, Thông tư số 13/2018/TT-BKHCN ngày 05/09/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT quy định về bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế.

Theo đó, nhân viên bức xạ y tế là các bác sỹ, điều dưỡng viên, y sỹ, y tá, hộ lý, dược sỹ, dược tá, kỹ sư, kỹ thuật viên, hộ sinh tại các cơ sở y tế làm việc trực tiếp với các thiết bị bức xạ hoặc các nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở hoặc chăm sóc người bệnh được điều trị bằng các đồng vị phóng xạ hoặc phải làm việc trong khu vực có chiếu xạ tiềm tàng với mức liều lớn hơn 1 mSv/năm hoặc trong khu vực có nguy cơ bị nhiễm bẩn phóng xạ.

Các cơ sở y tế không được sử dụng người lao động dưới 18 tuổi để vận hành các thiết bị bức xạ, làm việc với các nguồn phóng xạ, chăm sóc người bệnh được điều trị bằng các đồng vị phóng xạ hoặc phải làm việc trong khu vực tiềm ẩn nguy cơ bị chiếu xạ với mức liều lớn hơn 1mSv/năm hoặc trong khu vực có nguy cơ bị nhiễm bẩn phóng xạ. 

Với những người bệnh điều trị thuốc phóng xạ I-131, được xuất viện về nhà khi mức hoạt động phóng xạ được đánh giá còn trong người không quá 1100MBq. Khi người bệnh xuất viện, bác sĩ phải tư vấn và cung cấp văn bản hướng dẫn cho người bệnh về các yêu cầu bảo đảm an toàn bức xạ cho người thân, đồng nghiệp và cộng đồng.

3 loại thực phẩm chức năng cho trẻ em phải kê khai giá

Đây là nội dung chính quy định tại Thông tư số 22/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.

Cụ thể, danh mục thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện kê khai giá bao gồm 03 loại thực phẩm chức năng: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Thực phẩm dinh dưỡng y học; Thực phẩm bổ sung, bao gồm sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.

Theo Thông tư số 22/2018/TT-BYT, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trung ương chỉ định quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm có trách nhiệm công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục các sản phẩm quy định tại Thông tư này như sau: Cập nhật theo định kỳ hằng tháng đối với các sản phẩm đã được cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cấp tỉnh cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc do tổ chức, cá nhân tại địa phương tự công bố kể từ ngày 1/11/2018.

Trước ngày 1/7/2019, các địa phương phải hoàn thành việc đăng tải toàn bộ danh sách các sản phẩm đã được cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cấp tỉnh cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc do tổ chức, cá nhân tại địa phương tự công bố.

Quy định mới xét tặng giải thưởng về văn học, nghệ thuật

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 133/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2014/NĐ-CP về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.

Theo đó, tác giả có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật được xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” phải trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt pháp luật Việt Nam. Tác phẩm phải đáp ứng các điều kiện như: đã được công bố, sử dụng dưới các hình thức xuất bản, kiến trúc, triển lãm, sân khấu, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, giảng dạy, đĩa hát và các hình thức khác kể từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) 2/9/1945.

Thời gian công bố tối thiểu là 5 năm đối với “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và 3 năm đối với “Giải thưởng Nhà nước” tính đến thời điểm nộp hồ sơ tại cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật hoặc hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương. Các tác phẩm, công trình không có tranh chấp về quyền tác giả kể từ thời điểm được công bố.

Tiêu chuẩn xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và “Giải thưởng Nhà nước” được chia theo mốc thời gian trước và sau năm 1993 và phải đáp ứng các điều kiện tùy thuộc vào giải thưởng như: có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có giá trị xuất sắc về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật…

Bên cạnh đó, tác phẩm cần phải có thêm các điều kiện là đã được tặng giải thưởng cao tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật trong nước hoặc quốc tế có uy tín.
 

MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác