Chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 5/2019
Đăng ngày 09-05-2019 03:55, Lượt xem: 122

Hướng dẫn mới về hồ sơ hưởng chế độ thai sản; Giảm thời gian tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của Luật sư; Ban hành bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục; Xuất trình CMND khi yêu cầu cung cấp thông tin đo đạc; Áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân.. là những chính sách nổi bật  về công dân có hiệu lực từ tháng 5/2019.

Hướng dẫn mới về hồ sơ hưởng chế độ thai sản

Có hiệu lực từ ngày 01/5/2019, Quyết định số 166/QĐ-BHXH về quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Quyết định số 166/QĐ-BHXH đề cập đến quy trình và hồ sơ giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, gồm:

- Quy trình giải quyết hưởng và chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe.

Cụ thể, hồ sơ hưởng chế độ thai sản với lao động nữ sinh con gồm bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con. Trường hợp lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần mà giấy chứng sinh không thể hiện thì có thêm giấy tờ của bệnh viện thể hiện sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.

Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ.

Người lao động có thể nộp hồ sơ hưởng thai sản trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc thông qua đơn vị sử dụng lao động. Trường hợp nộp trực tiếp thời hạn giải quyết và chi trả tối đa 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp thông qua đơn vị sử dụng lao động tối đa là 6 ngày. Quyết định số 166/QĐ-BHXH cũng nêu rõ cán bộ BHXH, cán bộ chi trả không được ký nhận thay các chế độ BHXH, BHTN của người hưởng.

Cũng theo Quyết định 166/QĐ-BHXH, cơ quan BHXH cũng bãi bỏ quy định phải có sổ BHXH; các giấy tờ khám, điều trị thương tật ban đầu đối với trường hợp điều trị ngoại trú. Cơ quan này cũng bỏ điều kiện phải có biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường đối với trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động; biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự quân đội trong việc giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lần đầu của người lao động.

Giảm thời gian tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của Luật sư

Đây là nội dung nổi bật quy định tại Thông tư số 02/2019/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư.

Theo đó, thời gian tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư tối thiểu là 8 giờ/năm (quy định hiện hành là 16 giờ/năm).

Cũng theo Thông tư số 02/2019/TT-BTP, luật sư được tính quy đổi thời gian tham gia bồi dưỡng trong năm đó khi thuộc 01 trong các trường hợp sau đây:

- Viết bài nghiên cứu pháp luật được đăng trên các tạp chí chuyên ngành luật trong nước và ngoài nước;...

- Tham gia giảng dạy về pháp luật, kỹ năng hành nghề luật sư, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư tại cơ sở đào tạo cử nhân luật, cơ sở đào tạo nghề luật sư;...

- Tham gia và hoàn thành chương trình đào tạo chức danh tư pháp;

- Tham gia và hoàn thành khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghịêp vụ về luật sư và hành nghề luật sư ở nước ngoài;

- Tham gia các chương trình tập huấn, hội thảo, tọa đàm từ 01 ngày trở lên về các nội dung quy định tại Điều 3 Thông tư 02/2019 do Sở Tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp tổ chức.

Thông tư số 02/2019/TT-BTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/5/2019 và thay thế Thông tư số 10/2014/TT-BTP.

Ban hành bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục

Bộ Giáo dục và đào tạo vừa ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT Quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.

Mục đích xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục nhằm điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục; ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục.

Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục được xây dựng trên các nguyên tắc: Tuân thủ các quy định của pháp luật; phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc. Thể hiện được các giá trị cốt lõi: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình.

Một số nội dung đáng chú ý của Bộ Quy tắc ứng xử này như sau:

- Không sử dụng trang phục gây phản cảm;

- Không hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, chất cấm trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật; không tham gia tệ nạn xã hội;

- Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục;

- Không làm tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân, người khác và uy tín của tập thể.

Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 28/5/2019. 

Phải xuất trình CMND khi yêu cầu cung cấp thông tin đo đạc

Từ ngày 01/05/2019, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phải xuất trình chứng minh nhân dân (CMND) hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu.
Ngoài ra phải xuất trình thêm giấy giới thiệu hoặc công văn của cơ quan, tổ chức khi đại diện cơ quan, tổ chức đến yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ.

Khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan, tổ chức được giao cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ có trách nhiệm cung cấp ngay trong ngày làm việc hoặc theo thời gian thống nhất với bên yêu cầu cung cấp. Từ chối phải trả lời bằng văn bản lý do không cung cấp.

Đây là một trong những quy định đáng chú ý được nêu tại Nghị định 27/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đo đạc và bản đồ được Chính phủ ban hành ngày 13/03/2019.

Áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 28/2019/NĐ-CP quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân.

Nghị định số 28/2019/NĐ-CP quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân; bảo vệ người tố cáo, người được bảo vệ; quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, đơn vị khác hoặc không còn là quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng được xử lý như sau:

- Trường hợp người bị tố cáo là người chỉ huy cơ quan, đơn vị đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị khác mà vẫn giữ chức vụ tương đương thì do người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết.

- Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị khác và giữ chức vụ cao hơn thì do người đứng đầu cơ quan, đơn vị đang quản lý người bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết.

Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị khác và là người chỉ huy cơ quan, đơn vị đó thì do người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị đó chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết.

- Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị khác mà không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b thì do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, đơn vị đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết.

- Trường hợp người bị tố cáo vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ xảy ra trong thời gian công tác trước đây và người đó thuộc quyền quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.

- Trường hợp người bị tố cáo không còn là quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng thì do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp giải quyết.

Nghị định số 28/2019/NĐ-CP cũng nêu rõ trường hợp người bị tố cáo đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc trong tình trạng khẩn cấp, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo thông báo rõ lý do việc chưa thụ lý tố cáo. Ngay sau khi người bị tố cáo thực hiện xong nhiệm vụ, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải thông báo thụ lý tố cáo bằng văn bản cho người tố cáo.

 

MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác