Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đăng ngày 06-03-2020 04:49, Lượt xem: 711

 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cùng thực hiện nhiệm vụ kép: vừa phòng, chống dịch vừa ổn định, phát triển kinh tế, xã hội.

Ngày 4-3, Thủ tướng Chính phủ nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Theo đó, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, có nguy cơ bùng phát tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới và tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và nhiều nước, đối tác lớn của Việt Nam. Trong nước, dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách, nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, giải trí, nhất là du lịch bị ảnh hưởng rõ rệt. Một số ngành, lĩnh vực sản xuất bước đầu bị ảnh hưởng, có nơi thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trên địa bàn có dịch phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.

Trong bối cảnh đó, cần có những giải pháp cụ thể, hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, nỗ lực cao nhất thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân.

 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cùng thực hiện nhiệm vụ kép: vừa phòng, chống dịch vừa ổn định, phát triển kinh tế, xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng). Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử. Trình ngay Thủ tướng Chính phủ quyết định cá biệt về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile Money).

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất chính sách tín dụng phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3-2019.

Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3-2020; Khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Bên cạnh đó, rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3-2020. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương đưa Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động;…

Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12-2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam theo thẩm quyền xem xét, hướng dẫn thời điểm đóng kinh phí công đoàn phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn ngay các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt..., báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3-2020. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy nhanh tiến độ kết nối hàng không trực tiếp với các thị trường trọng điểm; chủ trì, phối hợp với các bộ các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công đối với các dự án trọng điểm; khẩn trương hoàn thành thủ tục và thúc đẩy giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội;…

Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ, không thanh tra ngoài kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt được giao. Đề nghị Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ các cơ quan liên quan rà soát, báo cáo về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước; dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; có biện pháp bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa; củng cố thị trường nội địa, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ;…

Bên cạnh đó, có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hoá các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường; đề xuất các chính sách ưu đãi phù hợp, trước hết là các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19; phối hợp, hỗ trợ các tỉnh biên giới để hoạt động thông quan hàng hoá được thuận lợi;…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan chỉ đạo tập trung đẩy mạnh sản xuất, chế biến hàng nông, lâm, thuỷ sản; đề xuất các giải pháp tăng cường truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước khác; nghiên cứu cơ hội và chuyển đổi phương thức kinh doanh tiêu thụ, xuất khẩu các ngành nông, lâm, thủy sản chủ lực;…

Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chủ động thực hiện các giải pháp vượt qua khó khăn, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020. Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch năm 2020 của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên tinh thần tạo mọi thuận lợi, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.


Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, giải trí, nhất là du lịch bị ảnh hưởng rõ rệt

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch cấp quốc gia; phối hợp với các hiệp hội nghề nghiệp về du lịch xây dựng và triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa; tăng cường truyền thông, quảng bá, tiếp thị, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách du lịch từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đồng thời tập trung phát triển mạnh du lịch nội địa ở các vùng, miền của đất nước.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công An, Tài chính và các cơ quan liên quan mở rộng diện xét và cải tiến thủ tục cấp thị thực điện tử, đề xuất việc miễn phí thị thực đối với khách du lịch đi theo Chương trình du lịch trọn gói đến hết năm 2020, trước hết là các vùng, quốc gia không có dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2020.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 ngay trong tháng 3-2020; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và năm 2020 (bao gồm vốn ODA); tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng; tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; công bố công khai việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp để biết và giám sát thực hiện;…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chuẩn bị tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 3-2020; thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân, bảo đảm giải ngân hết số vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020; có chế tài xử lý nghiêm nếu để chậm trễ; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương trình Chính phủ ban hành chương trình cắt giảm các quy định, điều kiện, thủ tục gây khó khăn, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021-2025; triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước để tận dụng tốt các cơ hội phát triển, nhất là đón bắt thời cơ dịch chuyển các dòng vốn đầu tư từ các nước.;...

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương tập trung xử lý, giải quyết các vướng mắc về lao động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3-2020 các vấn đề sau: Tình hình lao động, việc làm trong các doanh nghiệp; có biện pháp đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và các giải pháp để động viên tinh thần của người lao động; có phương án hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp và hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; có phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài;…

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và chủ trì cùng các Bộ ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan truyền thông kịp thời cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan về kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động, đồng bộ, quyết liệt phòng chống, ứng phó với diễn biến của dịch và tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, sức khoẻ và đời sống của nhân dân; tăng cường truyền thông các chủ đề “Sống an toàn”, “Việt Nam an toàn”, trong đó khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn và luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách du lịch và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế; tập trung nghiên cứu, sớm có các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số phát triển các sản phẩm trong thương mại điện tử - kinh tế số, giao vận, chuyển phát, fintech, thanh toán điện tử... trên môi trường số; đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân triển khai ứng dụng mạnh mẽ vào đời sống kinh tế, xã hội;…

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung quán triệt, khẩn trương có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị này; làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị này; tuyệt đối tránh xin cho, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xử lý những vướng mắc phát sinh, định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình thực hiện, đề xuất giải pháp, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ trước ngày 20 hàng tháng để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT