Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 5/2020
Đăng ngày 11-05-2020 14:52, Lượt xem: 256

Phạt nặng hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước; Quy định giá mua điện mặt trời;  Giảm 50% phí cấp giấy phép hoạt động ngân hàng từ 5/5/2020; Quy định mới về in ấn, quản lý sử dụng tem rượu; Mức phạt hành vi khai thác cát không có giấy phép.... là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 5/2020.

Phạt nặng hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Theo đó, từ ngày 10/05/2020, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức.  Cụ thể, phạt tiền từ 220-250 triệu đồng đối với hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước. Đối với hành vi không thực hiện biện pháp chống thấm, chống tràn ao, hồ, khu chứa nước thải trong trường hợp nước thải không chứa chất thải nguy hại sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. 

Nghị định số 36/2020/NĐ-CP cũng quy định mức phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Không có biện pháp bảo đảm an toàn để rò rỉ, thất thoát dẫn đến gây ô nhiễm nguồn nước của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khai khoáng và các hoạt động sản xuất khác sử dụng hoá chất độc hại; không thực hiện biện pháp chống thấm, chống tràn đối với ao, hồ chứa nước thải, khu chứa nước thải đối với nước thải chứa chất thải nguy hại.
Đồng thời, phạt tiền từ 200-220 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Bơm hút nước, tháo khô trong hoạt động khai thác mỏ, xây dựng công trình dẫn đến hạ thấp mực nước dưới đất gây cạn kiệt nguồn nước; Không thực hiện các biện pháp hạn chế, khắc phục theo chỉ đạo của cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền khi bơm hút nước, tháo khô trong hoạt động khai thác mỏ, xây dựng công trình dẫn đến hạ thấp mực nước dưới đất gây cạn kiệt nguồn nước.

Quy định giá mua điện mặt trời

Có hiệu lực từ ngày 22/05/2020, Quyết định số13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. 

Theo đó, dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 thì dự án hoặc một phần dự án đó được áp dụng Biểu giá mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện, cụ thể, 1783 đồng/kWh tương đương 7,69 UScent/kWh đối với dự án điện mặt trời nổi và 1644 đồng /kWh tương đương 7,09 UScent/kWh đối với các dự án điện mặt trời mặt đất; 1943 đồng/kWh tương đương 8,38 UScent/kWh đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Đối với tỉnh Ninh Thuận, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm  thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 UScent/kWh theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 10/4/2017 là 22.316 đồng/USD), được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. 

Giá mua điện nêu trên được áp dụng cho các dự án có hiệu suất của tế bào quang điện (solar cell) lớn hơn 16% hoặc module lớn hơn 15%. Chi phí mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới nêu trên được hạch toán và đưa đầy đủ trong thông số đầu vào của phương án giá điện bán buôn và bán lẻ hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Giảm 50% phí cấp giấy phép hoạt động ngân hàng từ 5/5/2020

Nội dung trên được quy định tại Thông tư số 33/2020/TT-BTC Bộ Tài chính về mức thu, nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Theo đó, kể từ ngày 5/5/2020 đến hết ngày 31/12/2020, phí cấp giấy phép hoạt động ngân hàng bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại điểm a và điểm b Mục 1 Biểu mức thu lệ phí tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 150/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Như vậy, lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng cấp lần đầu được giảm từ 140 triệu đồng/giấy xuống còn 70 triệu đồng/giấy phép; giấy phép cấp đổi bổ sung, gia hạn được giảm từ 70 triệu đồng/giấy phép xuống còn 35 triệu đồng/giấy phép. Lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 35 triệu đồng/giấy phép thay cho mức 70 triệu đồng trước đây.

Được biết, Thông tư số 33/2020/TT-BTC ra đời nhằm hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Kể từ ngày 1/1/2021 trở đi, mức nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng lại thực hiện theo mức quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 150/2016/TT-BTC.

Quy định mới về in ấn, quản lý sử dụng tem rượu

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 15/2020/TT-BTC hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu.

Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện và chịu trách nhiệm việc dán tem đối với rượu đóng chai nhập khẩu qua các cửa khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải báo cáo với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu số lượng tem sử dụng trước khi thông quan. Đối với rượu dạng thùng, téc nhập khẩu về đóng chai, doanh nghiệp phải dán tem rượu tại cơ sở đóng chai trước khi đưa ra thị trường.

Tổng cục Hải quan thực hiện in, phát hành tem rượu nhập khẩu. Tổng cục Thuế thực hiện in, phát hành tem rượu sản xuất trong nước. Tem sản phẩm rượu nhập khẩu chỉ được bán cho các tổ chức, cá nhân có Giấy phép phân phối rượu còn hiệu lực.

Cơ quan hải quan các cấp thực hiện việc cấp, bán tem rượu nhập khẩu phải mở sổ sách theo dõi chi tiết số tem tồn đầu kỳ, số tem nhận, số tem bán cho doanh nghiệp nhập khẩu, số tem mất, hỏng trong kỳ, số tem tồn cuối kỳ và thực hiện báo cáo quý, 6 tháng, năm về tình hình sử dụng tem của đơn vị mình, gửi cơ quan hải quan cấp trên theo quy định.

Ngoài ra, Thông tư số 15/2020/TT-BTC cũng nêu rõ, không phải dán tem trên bao bì sản phẩm là rượu trong 3 trường hợp: Rượu sản xuất thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại rượu; rượu bán thành phẩm nhập khẩu quy định tại Điều 3 Nghị định 105/2017/NĐ-CP; rượu nhập khẩu quy định tại Điều 31 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP.

Thông tư số 15/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 07/5/2020.

Mức phạt hành vi khai thác cát không có giấy phép

Từ ngày 10/05/2020, hành vi khai thác cát ngoài phạm vi như phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; hành lang bảo vệ luồng ... mà không có giấy phép khai thác khoáng sản sẽ bị xử lý như sau:

- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm dưới 10 m3;

- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 10 m3 đến dưới 20 m3;

- Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 20 m3 đến dưới 30 m3;…

Đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi.

Nghị định số 36/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 10/5/2020 và thay thế cho Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác