Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2020
Đăng ngày 25-11-2020 01:13, Lượt xem: 162

Không phê bình học sinh trước trường, lớp từ ngày 01/11; Sửa quy định số lượng Phó Giám đốc sở, Phó Trưởng phòng; 11 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo đại học từ xa; Giảm 1 Phó phòng của cơ quan chuyên môn cấp huyện; Chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2020.

Không phê bình học sinh trước trường, lớp từ ngày 01/11

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học. 

Theo đó, từ 1/11/2020, không được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường.

Cụ thể, theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

- Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.

- Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

- Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cũng theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT , học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông không được lưu ban quá 03 lần trong một cấp học và không được thực hiện các hành vi sau:  Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác; Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ;  Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép; Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng…

Sửa quy định số lượng Phó Giám đốc sở, Phó Trưởng phòng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 107/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Nghị định số 107/2020/NĐ-CP quy định cụ thể tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở, gồm: Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở; Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 7 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tối thiểu 6 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I; tối thiểu 5 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III.

Nghị định số 107/2020/NĐ-CP cũng quy định bình quân mỗi sở có 3 Phó Giám đốc. Căn cứ số lượng sở được thành lập và tổng số lượng Phó Giám đốc, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng Phó Giám đốc của từng sở cho phù hợp. Riêng thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài tổng số lượng Phó Giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc.

Cũng theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có dưới 10 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có dưới 9 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có dưới 8 biên chế công chức được bố trí 1 Phó Trường phòng.

Phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có từ 10 đến 14 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có từ 9 đến 14 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có từ 8 đến 14 biên chế công chức được bố trí không quá 2 Phó Trưởng phòng. Phòng thuộc sở có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 3 Phó Trưởng phòng.

Nghị định số 107/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2020.

11 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo đại học từ xa

Có hiệu lực từ ngày 25/11/2020, Thông tư số 39/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học.

Theo đó, có 11 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học gồm: Mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; Tiêu Bản mô tả, cấu trúc, nội dung chương trình đào tạo; Hoạt động dạy và học; Hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học; Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; Đội ngũ nhân viên; Người học và hoạt động hỗ trợ người học; Cơ sở hạ tầng công nghệ, trang thiết bị và học liệu; Quản lý triển khai chương trình đào tạo; Bảo đảm và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo; Kết quả đầu ra. 

Các tiêu chí của tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo được đánh giá theo thang 7 mức, trong đó: Mức 1 là hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí, phải có giải pháp khắc phục ngay; Mức 2 là không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí, cần có những giải pháp khắc phục; Mức 3 là chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tiêu chí nhưng chỉ cần có một số cải tiến nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu; Mức 4 là đáp ứng yêu cầu của tiêu chí; Mức 5 là đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí; Mức 6 là đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí và mức 7 là đáp ứng xuất sắc yêu cầu của tiêu chí. Các tiêu chí được đánh giá từ mức 1 đến mức 3 là chưa đạt yêu cầu, từ mức 4 đến mức 7 là đạt yêu cầu.

Đối với từng chương trình đào tạo cụ thể, cơ sở giáo dục đại học có thể lựa chọn đánh giá theo tiêu chuẩn ban hành tại Thông tư  số 39/2020/TT-BGDĐT hoặc theo tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo từ xa của tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín, được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.

Giảm 1 Phó phòng của cơ quan chuyên môn cấp huyện từ 25/11

Nội dung trên được quy định tại Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/09/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện).

Theo đó, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP quy định bình quân mỗi phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có 02 Phó Trưởng phòng. Căn cứ số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số lượng Phó Trưởng phòng, UBND cấp huyện quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp. Trước đó, theo Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định số lượng Phó Trưởng phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện không quá 03 người.

Nghị định số 108/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/11/2020,

Chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo

Theo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP về chính sách phát triển giáo dục mầm non, từ ngày 01/11/2020, trẻ em độ tuổi mẫu giáo (trừ trẻ em dân tộc thiểu số rất ít người theo Nghị định 57/2017/NĐ-CP ngày 09/05/2017) đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm bảo đảm một trong những điều kiện sau được hỗ trợ ăn trưa:

- Có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở thôn đặc biệt khó khăn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

- Không có nguồn nuôi dưỡng được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013.

- Là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

- Trẻ em là con của: Liệt sĩ; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Thương binh; Người hưởng chính sách như thương binh, con bệnh binh; con một số đối tượng chính sách khác theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (nếu có).

- Trẻ em khuyết tật học hòa nhập.

Mức hỗ trợ tiền ăn trưa là 160.000 đồng/trẻ/tháng tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Tháng 8 hằng năm, cơ sở giáo dục mầm non tổ chức phổ biến, thông báo rộng rãi và hướng dẫn cho cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thuộc đối tượng được hưởng chính sách nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ ăn trưa;

Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày cơ sở giáo dục mầm non thông báo, cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc trực tuyến 01 bộ hồ sơ tại cơ sở giáo dục mầm non. Mỗi đối tượng nộp 01 bộ hồ sơ cho 01 lần đầu đề nghị hỗ trợ trong cả thời gian học tại cơ sở giáo dục mầm non. Riêng đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nộp bổ sung Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo theo từng năm học;

MINH ANH
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác