Tháng 2/2021, UBND thành phố tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 7 dự án đầu tư vào khu công nghệ cao (CNC) và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư gần 285 triệu USD. Đồng thời công bố chủ trương Thủ tướng Chính phủ đồng ý về việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2025. Nhân sự kiện này, Cổng TTĐT thành phố có buổi trao đổi với ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Ban quản lý Khu CNC và các khu công nghiệp Đà Nẵng.
Cổng TTĐT thành phố: Năm 2021 khởi đầu với hàng loạt dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao, trong bối cảnh hiện nay, đây là tín hiệu rất khả quan trong thực hiện chủ đề của năm 2021: “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế”. Ông có thể cho biết thêm một số thông tin về định hướng thu hút đầu tư trong năm 2021 của Ban?
Ông Phạm Trường Sơn:
Trong năm 2021, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (Ban Quản lý) tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030; Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó:
Tiếp tục tập trung mời gọi và xúc tiến nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh; ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng trí thức cao, thân thiện với môi trường sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh, ít sử dụng đất.
Chủ trì và phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức xúc tiến đầu tư (XTĐT) và thương mại quốc tế, các doanh nghiệp tổ chức và tham gia các hội thảo XTĐT trong nước. Duy trì quan hệ và cung cấp thông tin cho các tổ chức XTĐT, hiệp hội doanh nghiệp: KOTRA (Hàn Quốc), JETRO (Nhật Bản), Amcham (Hoa Kỳ)…
UBND thành phố trao 6 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và 1 chủ trương nghiên cứu đầu tư cho các doanh nghiệp
Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển bền vững Khu CNC theo đúng định hướng trở thành một Khu CNC đa chức năng cấp quốc gia, các dịch vụ phát triển theo hướng tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp; chú trọng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho các chuyên gia, nhà khoa học, người lao động làm việc tại Khu CNC. Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch để Đà Nẵng nói chung, Khu CNC và các KCN nói riêng thực sự là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư có uy tín, năng lực thật sự trong các lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Đổi mới các công cụ XTĐT, triển khai Bộ nhận diện thương hiệu Ban Quản lý, xây dựng tài liệu, ấn phẩm về Khu CNC và các KCN, phối hợp với các cơ quan thông tấn địa phương và quốc tế quảng bá hình ảnh và môi trường đầu tư tại Khu CNC và các KCN trên các phương tiện truyền thông.
Bên cạnh đó, nhằm triển khai có hiệu quả Đề án tổng thể phát triển Khu công nghệ cao đến năm 2030 tại Quyết định số 4621/QĐ-UBND của UBND thành phố, trong năm 2021, Ban Quản lý tiếp tục nỗ lực ưu tiên thu hút dòng vốn FDI vào các ngành nghề đón đầu cách mạng 4.0: công nghệ ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, vật liệu.
Tập trung tiếp cận và mời gọi các công ty xuyên quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực về tài chính, công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore và châu Âu nhằm đón đầu xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do EVFTA và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Thực hiện định hướng như trên, đầu năm 2021, Ban Quản lý đã cấp và trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 02 dự án đầu tư FDI: Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise (Hoa Kỳ) với vốn đầu tư 110 triệu USD, Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng của Công ty TNHH Fujikin International (Nhật Bản), với vốn đầu tư 35 triệu USD vào Khu CNC; đồng thời trao 01 Chủ trương nghiên cứu đầu tư cho Công ty Arevo Inc. (Hoa Kỳ) để đầu tư dự án Nhà máy sản xuất máy in 3D, dịch vụ phần mềm, giải pháp thiết kế, sản xuất vật liệu và sản phẩm composite sợi carbon in 3D với tổng vốn đầu tư là 135 triệu USD vào Khu CNC.
Công ty AREVO INC. (Hoa Kỳ) nghiên cứu đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng với dự án có quy mô vốn 135 triệu USD
Cổng TTĐT thành phố: Ông có thể cho biết việc bổ sung và hình thành KCN hỗ trợ khu CNC có tác động như thế nào đến sự phát triển của khu CNC và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng?
Ông Phạm Trường Sơn:
Ngày 04/02/2021, Thủ tướng Chính phủ có công văn số 158/TTg-CN đồng ý theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, bổ sung Khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng với tổng diện tích 58,5ha tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp quốc gia đến năm 2025.
Vị trí KCN tiếp giáp với Khu CNC Đà Nẵng, Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng và KCN Hoà Ninh tạo thành khu vực động lực phát triển kinh tế - xã hội của phía Tây Bắc thành phố Đà Nẵng.
Việc bổ sung và hình thành KCN này sẽ tạo động lực thu hút, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố theo Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Thành ủy về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho Khu CNC Đà Nẵng và Khu công nghệ thông tin tập trung.
Cổng TTĐT thành phố: Một số nhà đầu tư chia sẻ rằng, chúng tôi hoàn toàn yên tâm, tin tưởng khi đầu tư vào Khu công nghệ cao. Việc các công ty xuyên quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore và châu Âu quan tâm, đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế thành phố trong thời gian đến. Ông có suy nghĩ như thế nào về những chia sẻ vừa rồi?
Hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến đầu tiên của Đà Nẵng tổ chức vào tháng 7-2020 đã thu hút sự theo dõi, tham gia tương tác của gần 100 nhà đầu tư, doanh nghiệp tiềm năng tại Hoa Kỳ, Châu Âu và Đông Nam Á
Ông Phạm Trường Sơn:
Trước tiên, thay mặt Lãnh đạo và tập thể cán bộ công chức, người lao động tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc các nhà đầu tư đã quan tâm đến việc đầu tư dự án vào khu công nghệ cao thành phố.
Theo tôi, sở dĩ các nhà đầu tư cảm thấy hoàn toàn yên tâm, tin tưởng khi đầu tư vào Khu CNC bởi thành phố Đà Nẵng nói chung và Khu CNC nói riêng có một lợi thế đặc thù, như sau:
Trước tiên, Đà Nẵng có một vị trí địa lý thuận lợi trong giao thương với thế giới, đồng thời là trung tâm kết nối của khu vực, vừa là cửa ngõ để thâm nhập các nền kinh tế ở khu vực phía đông Đông Nam Á, thuận lợi cho công tác giao thương, trao đổi hàng hóa, phục vụ sản xuất. Thứ hai, với 20 trường Đại học và Viện nghiên cứu, Đà Nẵng đang dần sở hữu lực lượng lao động dồi dào, có chất lượng đào tạo được nâng cao với chi phí lao động rất cạnh tranh. Tiếp theo, cùng với thể chế, luật pháp và sự minh bạch trong công tác ban hành chính sách, chính quyền thành phố tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động lâu dài và thuận lợi.
Trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, các dự án có công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường, có hàm lượng trí thức cao, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai, tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước – nước ngoài.
Cổng TTĐT thành phố: Xin cám ơn ông đã dành thời gian trao đổi cùng chúng tôi!
XUÂN HÒA