Chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 11/2021
Đăng ngày 11-11-2021 10:46, Lượt xem: 121

Thủ tục giảm mức đóng BHTN cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; Bổ sung quyền lợi cho giảng viên hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học; Nguyên tắc bổ nhiệm, xếp lương chức danh nghề nghiệp khúc xạ nhãn khoa; Mức hỗ trợ người sống tại cơ sở trợ giúp xã hội…. là những chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 11/2021.

Thủ tục giảm mức đóng BHTN cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19

Bộ Lao động, Thương binh và xã hội vừa ban hành Quyết định số 1220/QĐ-LĐTBXH về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, thủ tục giảm mức đóng BHTN cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid–19 được Quyết định này hướng dẫn cụ thể như sau:

- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng giảm đóng gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đơn vị đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc đơn vị sự nghiệp công được phân loại tự chủ tài chính.

- Hằng tháng, trong thời gian từ ngày 01 tháng 10 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2022, cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện giảm mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Theo Quyết định số 1220/QĐ-LĐTBXH, thủ tục giảm mức đóng BHTN cho người lao động gồm thành phần, số lượng hồ sơ như sau:  Bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc đơn vị sự nghiệp công được phân loại tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ, số lượng hồ sơ: 01 bản. Đối tượng áp dụng là đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021.

Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết thủ tục giảm mức đóng BHTN cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid–19 và không thu phí.

Bổ sung quyền lợi cho giảng viên hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Thông tư số 26/2021/TT-BGDĐT quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học.

Thông tư số 26/2021/TT-BGDĐT  quy định trách nhiệm và quyền của người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học như sau:

- Người hướng dẫn có trách nhiệm tham gia hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, chịu trách nhiệm về nội dung của đề tài được phân công hướng dẫn, tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc về đạo đức nghiên cứu và các quy định hiện hành.

- Người hướng dẫn được tính giờ nghiên cứu khoa học, được hưởng mức thù lao và các quyền lợi khác theo quy định của cơ sở giáo dục đại học sau khi hoàn thành việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. (Trước đây chỉ quy định được tính giờ nghiên cứu khoa học).

- Người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học có kết quả xuất sắc, đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ trong và ngoài nước hoặc các kết quả nghiên cứu được áp dụng, triển khai mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội được ưu tiên trong việc xét chọn danh hiệu thi đua các cấp và các hình thức khen thưởng khác. (Bổ sung trường hợp nghiên cứu khoa học đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ trong và ngoài nước).triển khai mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội được ưu tiên trong việc xét chọn danh hiệu thi đua các cấp và các hình thức khen thưởng khác.

Thông tư số 26/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 02/11/2021 và thay thế Thông tư số19/2012/TT-BGDĐT ngày 01/6/2012.

Nguyên tắc bổ nhiệm, xếp lương chức danh nghề nghiệp khúc xạ nhãn khoa

Có hiệu lực từ ngày  1/11/2021, Thông tư số 14/2021/TT-BYT quy định nguyên tắc bổ nhiệm, xếp lương chức danh nghề nghiệp khúc xạ nhãn khoa (hạng III) phải căn cứ vào vị trí việc làm viên chức đang đảm nhiệm và nhiệm vụ được giao và không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.

Theo Thông tư số 14/2021/TT-BYT, bác sĩ chuyên khoa mắt hạng III trong các bệnh viện công lập được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước theo Nghị quyết 204 năm 2004, hệ số lương từ 2,34 đến 4, 98.

Như vậy, căn cứ vào mức lương cơ sở đang áp dụng hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng, mức lương của bác sĩ chuyên khoa mắt hạng III được quy định thấp nhất là 3,48 triệu đồng và cao nhất là 7,42 triệu đồng/tháng.

Việc chuyển xếp lương đối với viên chức từ các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế hiện giữ sang bác sĩ khoa mắt được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV.

Mức hỗ trợ người sống tại cơ sở trợ giúp xã hội

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 76/2021/TT-BTC quy định mức chi cho chăm sóc, nuôi dưỡng những người sống tại cơ sở trợ giúp xã hội .

Theo đó, mức chi cho chăm sóc, nuôi dưỡng những người sống tại cơ sở trợ giúp xã hội như sau:

- Tiền thuốc chữa bệnh thông thường: Mức chi theo hóa đơn, chứng từ thực tế phát sinh, tối đa không quá 100.000 đồng/tháng;

- Vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày áp dụng theo quy định tại Thông tư 02/2018/TT-LĐTBXH:

+ Chăn, màn, gối, chiếu: 01 bộ/năm;

+ Quần áo mùa đông 01 bộ/năm; quần áo mùa he: 02 bộ/năm;

+ Khăn mặt, dép, bàn chải: 01 bộ/quý...

- Đồ dùng học tập, sách giáo khoa với trẻ em đi học: Nội dung và mức chi áp dụng theo khoản 6 Điều 2 Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐ bao gồm: 01 Cặp học sinh; 20 cái bút bi; 02 cái bút chì đen; 01 hộp chì màu, 01 bộ compa, thước đo độ...

 Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài

Có hiệu lực thi hành từ 22/11/2021, Thông tư số 27/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài,

Theo đó, việc tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt nhằm đánh giá năng lực tiếng Việt cho người có nhu cầu theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài. Việc tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt phải bảo đảm nguyên tắc trung thực, chính xác, khách quan, minh bạch, phản ánh đúng năng lực tiếng Việt của người được đánh giá về 4 kĩ năng ngôn ngữ: Nghe, nói, đọc, viết.

Về hình thức thi: Các kĩ năng nghe, đọc, viết được tổ chức theo hình thức thi trên giấy hoặc trên máy tính. Kĩ năng nói được tổ chức theo hình thức thi nói trực tiếp trước giám khảo hoặc thi nói trên máy tính. Đối với từng kỳ thi, đơn vị tổ chức thi thông báo về hình thức thi trên giấy hay trên máy tính, thi nói trực tiếp trước giám khảo hay nói trên máy tính để thí sinh biết trước khi đăng ký dự thi.

Chứng chỉ tiếng Việt được cấp cho người dự thi đạt yêu cầu tương ứng từ bậc 1 đến bậc 6 của Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài. Bộ GD&ĐT quy định mẫu chứng chỉ tiếng Việt. Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ tiếng Việt do cơ quan, đơn vị sử dụng chứng chỉ quyết định.

MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác