Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 12/2022
Đăng ngày 15-12-2022 10:37, Lượt xem: 102

Hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; Quy định kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm với cơ sở sản xuất mật ong xuất khẩu; Bổ sung quy định về các trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp; Phạt tới 70 triệu đồng đối với việc tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp không đúng thẩm quyền … là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 12/2022.

Hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 67/2022/TT-BTC hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Theo đó, hằng năm doanh nghiệp được trích theo tỷ lệ phần trăm tính trên thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để tạo nguồn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, cụ thể như sau:

- Đối với doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế;

- Đối với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng trên thì doanh nghiệp tự quyết định mức trích cụ thể nhưng tối đa không quá 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.

Trong thời hạn 05 năm kể từ khi trích lập Quỹ mà doanh nghiệp không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% khoản trích Quỹ hằng năm thì doanh nghiệp phải nộp ngân sách Nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu nhập đã trích nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% khoản trích Quỹ hằng năm, đồng thời phải nộp tiền lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó. Ngoài ra, lãi suất tính tiền lãi phát sinh đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp thu hồi tính trên phần Quỹ không sử dụng hết là lãi suất trái phiếu kho bạc loại kỳ hạn một năm áp dụng tại thời điểm thu hồi và thời gian tính lãi là 02 năm theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008.

Thông tư số 67/2022/TT-BTC bãi bỏ Điều 4, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 16, Điều 17 Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và có hiệu lực từ ngày 23/12/2022.

Quy định kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm với cơ sở sản xuất mật ong xuất khẩu

Có hiệu lực từ ngày 10/12/2022, Thông tư số 15/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y (VSTY) và an toàn thực phẩm (ATTP) đối với mật ong.

Theo đó, việc kiểm tra, giám sát VSTY và ATTP đối với cơ sở sản xuất mật ong xuất khẩu được quy định như sau:

- Nội dung Chương trình giám sát:  Giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về thú y và ATTP tại cơ sở sản xuất mật ong: Đối với cơ sở sản xuất mật ong xuất khẩu: thực hiện giám sát theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 của Thông tư số 15/2022/TT-BNNPTNT; Đối với cơ sở sản xuất mật ong khác: thực hiện giám sát theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT;  Xử lý đối với cơ sở sản xuất mật ong có tiêu chí giám sát không tuân thủ quy định: thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 7 của Thông tư số 15/2022/TT-BNNPTNT.

- Xây dựng cơ cấu mẫu giám sát và thông báo kế hoạch triển khai Chương trình giám sát, gồm: Số lượng mẫu mật ong được lấy từ các cơ sở nuôi ong, thu mua,  chế biến mật ong để giám sát dư lượng và vi sinh vật ô nhiễm; Số lượng mẫu thức ăn được lấy từ các cơ sở nuôi ong để giám sát việc sử dụng thuốc thú y trong nuôi ong; Thông báo kế hoạch triển khai Chương trình giám sát đến cơ quan, đơn vị liên quan và các cơ sở được lấy mẫu.

Cũng theo Thông tư số 15/2022/TT-BNNPTNT, thời gian thực hiện lấy mẫu hằng năm được xác định theo mùa vụ khai thác và sản xuất mật ong của các cơ sở. Địa điểm lấy mẫu: Mẫu mật ong thô từ cơ sở nuôi ong và cơ sở thu mua mật ong: căn cứ mùa vụ khai thác, vùng khai thác mật ong và nơi có các cơ sở thu mua mật ong; Trường hợp không thực hiện được việc lấy mẫu ở cơ sở nuôi ong và cơ sở thu mua mật ong, có thể lấy mẫu mật ong thô đã được đưa về cơ sở chế biến nhưng chưa qua sơ chế để giám sát. Đối với mẫu mật ong nguyên liệu và mật ong thành phẩm từ các cơ sở chế biến mật ong: căn cứ vào thời điểm giám sát và tập trung lấy mẫu tại các địa phương, nơi có các cơ sở chế biến mật ong.

Bổ sung quy định về các trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 82/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.

Theo đó, từ ngày 22/12/2022, bổ sung quy định về các trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp, cụ thể như sau:

- Hoạt động pha loãng, phối trộn hóa chất không xảy ra phản ứng hóa học tạo thành hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp để đưa vào quá trình sử dụng, sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác của chính tổ chức, cá nhân.

- Thành phần hóa chất trong hỗn hợp chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp có hàm lượng trong hỗn hợp chất nhỏ hơn 0,1%.

Tổ chức, cá nhân sử dụng tiền chất công nghiệp để sản xuất các sản phẩm, hàng hóa khác phải thực hiện các quy định tại Chương V của Luật hóa chất. Ngoài ra, phải có đầy đủ hóa đơn mua tiền chất công nghiệp, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, thông tin về nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hoặc nhà cung cấp các loại tiền chất công nghiệp, có phiếu xuất kho, nhập kho; phải lập sổ theo dõi tình hình sử dụng tiền chất công nghiệp với các thông tin theo quy định.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng tiền chất công nghiệp, tổ chức, cá nhân phải có biện pháp quản lý, kiểm soát tiền chất công nghiệp và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm thất thoát tiền chất công nghiệp.

Phạt tới 70 triệu đồng đối với việc tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp không đúng thẩm quyền

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 88/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tự chủ quyết định mở ngành, nghề đào tạo; đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài, tự chủ liên kết đào tạo với nước ngoài, Nghị định số 88/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 50-60 triệu đồng đối với hành vi tự chủ quyết định mở ngành, nghề đào tạo, tự chủ quyết định liên kết đào tạo với nước ngoài nhưng không thực hiện báo cáo điều kiện bảo đảm tự chủ hoạt động giáo dục nghề nghiệp, điều kiện tự chủ liên kết đào tạo với nước ngoài với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài.

Cũng theo Nghị định số 88/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 60-70 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp được cấp không đúng thẩm quyền; tổ chức hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài được cấp không đúng thẩm quyền.

Nghị định số 88/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12 tháng 12 năm 2022.

Phạt đến 100 triệu đồng nếu tự chủ quyết định liên kết đào tạo với nước ngoài khi không đủ điều kiện

Cũng theo Nghị định số 88/2022/NĐ-CP của Chính phủ, đối với hành vi tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, doanh nghiệp; từ 40-60 triệu đồng đối với trường trung cấp; trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội; trường của lực lượng vũ trang nhân dân và phạt tiền từ 60-80 triệu đồng đối với trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học đào tạo chuyên môn đặc thù.

Đáng chú ý, Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi tự chủ quyết định mở ngành, nghề đào tạo, tự chủ quyết định liên kết đào tạo với nước ngoài khi không đủ điều kiện tự chủ quyết định mở ngành, nghề đào tạo, tự chủ quyết định liên kết đào tạo với nước ngoài.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT