Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực trong tháng 2/2016
Trách nhiệm của thương nhân khi bán hàng miễn thuế; Nhân viên môi giới bất động sản phải thi sát hạch; Thông tư mới quy định về sử dụng hóa đơn; Hướng dẫn mới về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động bảo vệ môi trường; Chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nhà nước; Hai phương thức khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực trong tháng 2/2016.

Trách nhiệm của thương nhân khi bán hàng miễn thuế

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 207/2015/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 148/2015/TT-BTC hướng dẫn thi hành Quy chế kinh doanh bán hàng miễn thuế.
 
Theo đó, thương nhân kinh doanh bán hàng miễn thuế cần lưu ý một số nội dung nổi bật như sau:
 
- Hàng hóa bán tại cửa hàng miễn thuế được thực hiện lưu giữ tại cửa hàng miễn thuế bao gồm cả kho chứa hàng miễn thuế trong thời gian quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 47 Luật Hải quan 2014.
 
- Việc sắp xếp, bố trí lưu giữ các mặt hàng trong kho chứa hàng miễn thuế phải được phân chia theo khu vực từng loại hàng, để thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát hải quan.
 
- Các chứng từ liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế như tờ khai tạm nhập, tờ khai tái xuất, phiếu xuất kho, các bảng kê, báo cáo thanh khoản được lưu trữ theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan 2014.
 
- Đối với các chứng từ bị điều chỉnh bởi quy định của Luật kế toán, thời hạn lưu trữ thực hiện theo quy định điều chỉnh tương ứng.
Thông tư số 207/2015/TT-BTC  có hiệu lực từ ngày 10/2/2016.
 
Nhân viên môi giới bất động sản phải thi sát hạch
 
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 11/2015/TT-BXD quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản (BĐS); hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch BĐS; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch BĐS.
 
Theo quy định của Bộ Xây dựng, từ ngày 16/2/2016, nhân viên môi giới bất động sản phải dự thi sát hạch, phải có chứng chỉ mới được hành nghề. Ngoài ra, sàn giao dịch BĐS phải do đơn vị doanh nghiệp lập ra, có đăng ký. Đây được xem là động thái mạnh tay siết lại tình trạng hỗn loạn sàn giao dịch, nhân viên môi giới BĐS trong thời gian qua.
 
Đối với thí sinh có chứng chỉ môi giới BĐS do nước ngoài cấp còn hiệu lực và trường hợp xin cấp lại chứng chỉ do chứng chỉ cũ hết hạn thì chỉ phải thi phần kiến thức cơ sở, không phải thi phần kiến thức chuyên môn. Thí sinh dự thi phải có đủ các điều kiện sau: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không đang trong tình trạng truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án phạt tù; tốt nghiệp từ THPT trở lên; đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi và kinh phí dự thi cho đơn vị tổ chức kỳ thi theo quy định.
 
Thông tư mới quy định về sử dụng hóa đơn
 
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 218/2015/TT-BTC quy định về việc sử dụng hóa đơn đối với thương nhân thực hiện mua bán, trao đổi hàng hoá tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu theo Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
 
Theo đó, thương nhân thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu phải sử dụng hóa đơn theo quy định.
 
Khi bán hàng hóa có giá trị từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần thì phải xuất hóa đơn giao cho người mua và phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hóa. Trường hợp khi bán hàng hóa từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.
 
Thông tư số 218/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 14/02/2016.
 
Hướng dẫn mới về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động bảo vệ môi trường
 
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 212/2015/TT-BTC hướng dẫn chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với hoạt động bảo vệ môi trường.
 
Theo đó, chi phí thực hiện hoạt động quảng bá sản phẩm, phân loại rác tại nguồn theo quy định Khoản 1 Điều 48 Nghị định 19/2015/NĐ-CP được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo số chi thực tế khi đáp ứng các điều kiện sau:
 
Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp; khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ trường hợp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP.
 
Thông tư số 212/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 14/2/2016 và áp dụng kể từ kỳ tính thuế năm 2016.
 
Chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nhà nước
 
Bộ Tài chính ban hành Thông tư 219/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 hướng dẫn Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
 
Theo đó, việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nhà nước được quy định như sau:
 
Đối với chuyển nhượng vốn tại công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên: thực hiện bán, chuyển nhượng với giá thỏa thuận trong trường hợp doanh nghiệp nhà nước yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình hoặc chuyển nhượng cho thành viên khác trong công ty; bán đấu giá công khai hoặc thỏa thuận trực tiếp cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên.
 
Đối với chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần: giá thoả thuận khi chuyển nhượng vốn (cổ phiếu) đã đăng ký, niêm yết phải đảm bảo trong biên độ giá giao dịch (giới hạn giao động giá của mã chứng khoán) tại ngày chuyển nhượng; và không được thấp hơn giá cổ phiếu xác định theo giá trị sổ sách của công ty, căn cứ vào tổng giá trị vốn chủ sở hữu chia cho vốn điều lệ của công ty tại thời điểm chuyển nhượng.
 
Thông tư số 219/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/02/2016 và thay thế Thông tư số 220/2013/TT-BTC .
 
Hai phương thức khoán chi thực hiện nhiệm vụ Khoa học và công nghệ
 
Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) sử dụng ngân sách nhà nước.
 
Theo quy định tại thông tư, nhiệm vụ KH&CN được khoán chi theo một trong hai phương thức. Thứ nhất, khoán chi đến sản phẩm cuối cùng: áp dụng đối với các nhiệm vụ được xác định rõ tên sản phẩm cụ thể; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được; số lượng quy mô sản phẩm tạo ra; địa chỉ ứng dụng; có tổng dự toán các khoản chi sửa chữa, mua sắm tài sản, đoàn ra không quá 01 tỷ đồng.
 
Thứ hai, khoán chi từng phần: áp dụng đối với các nhiệm vụ không đủ điều kiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Trong khoán chi từng phần, cơ bản các nội dung kinh phí được thực hiện khoán chi (tiền công, hội thảo, công tác trong nước…); chỉ không khoán chi đối với các nội dung mua nguyên nhiên, vật liệu, phụ tùng chưa được ban hành định mức kinh tế kỹ thuật; sửa chữa, mua sắm tài sản cố định, đoàn ra.
 
Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC có hiệu lực từ ngày 15/2/2016. 
 
 
KHÁNH VÂN
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác