Chính sách mới về lao động có hiệu lực trong tháng 2/2016
Giờ làm việc tiêu chuẩn cho người lao động; Quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; Hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số; Tiêu chuẩn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; Chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ là những chính sách nổi bật về lao động có hiệu lực trong tháng 2/2016.
Giờ làm việc tiêu chuẩn cho người lao động
 
Thông tư số 54/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh Xã hội hướng dẫn về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc sản xuất có tính thời vụ và công việc gia công hàng theo đơn đặt hàng như sau:
 
- Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 9 giờ.
 
- Giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm theo tuần, tháng như sau:
 
Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần không quá 64 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 48 giờ.
 
Tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 32 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 24 giờ.
 
- Tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ.
 
Thông tư số 54/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực ngày 10/02/2016 và thay thế Thông tư số 33/2011/TT-BLĐTBXH
 
Quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng
 
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng có hiệu lực từ 10/02/2016.
 
Nghị định quy định cụ thể về nguyên tắc tham gia bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; trách nhiệm tham gia bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; điều kiện triển khai bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; số tiền bảo hiểm tối thiểu, nguyên tắc xác định mức phí bảo hiểm; quản lý nhà nước về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
 
Thời hạn bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư (bao gồm cả điều chỉnh, bổ sung nếu có) và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.
 
Thời hạn bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc thi công trên công trường đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định của pháp luật. Việc xác định thời hạn bảo hiểm cụ thể với người lao động căn cứ vào hợp đồng lao động.
 
Đối với bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường, số tiền bảo hiểm tối thiểu 100 triệu đồng/người/vụ. Mức bồi thường cụ thể trong trường hợp người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
 
Hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số
 
Ngày 17/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 64/2015/QĐ-TTg  sửa đổi, bổ sung Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
 
Quyết định được ban hành nhằm khắc phục những bất cập của Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; gắn trách nhiệm của doanh nghiệp có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số, chia sẻ trách nhiệm giữa doanh nghiệp và nhà nước và trong điều kiện tình hình ngân sách nhà nước gặp khó khăn.
 
Cụ thể, đơn vị sử dụng lao động được áp dụng định mức lao động bằng 80% định mức lao động chung của đơn vị để khoán hoặc trả công cho lao động là người dân tộc thiểu số. Thời gian áp dụng là 05 năm đối với một người lao động vào làm việc tại đơn vị. Đồng thời, đơn vị sử dụng lao động được hạch toán 20% định mức lao động chung của đơn vị vào chi phí sản xuất kinh doanh.
 
Quyết định số 64/2015/QĐ-TTg  có hiệu lực thi hành từ ngày 10/02/2016.
 
Tiêu chuẩn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân 
 
Ngày 15/12/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 129/2015/NĐ-CP quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục tuyển chọn và chế độ, chính sách đối với công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân; trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, cá nhân trong việc tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
 
Theo đó, đối tượng được tuyển chọn gồm: Công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã  đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự. Công dân nữ trong độ tuổi gọi nhập ngũ  đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Công an nhân dân, nếu tự nguyện và Công an nhân dân có nhu cầu thì được xem xét, tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
 
Nghị định số 129/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2016.
 
Chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ
 
Nghị định số 03/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số  điều của Luật Dân quân tự vệ.
 
Đối với chỉ huy phó ban chỉ huy quân sự cấp xã được hưởng: Chế độ phụ cấp hằng tháng được tính và chi trả theo tháng, bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số 1,0; được đóng và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian giữ chức vụ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiền ăn trong thời gian đào tạo, tập huấn, huấn luyện bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ bộ binh trong Quân đội nhân dân Việt Nam; chế độ công tác phí được áp dụng như công chức cấp xã; trường hợp có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên nếu nghỉ việc được hưởng trợ cấp một lần, cứ 1 năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng trừ trường hợp tự ý bỏ việc, kỷ luật buộc thôi việc, bị tước quyền công dân.
 
Thôn đội trưởng được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng tối thiểu bằng 0,5 mức lương cơ sở và chi trả theo tháng. Dân quân cơ động, dân quân tại chỗ, dân quân biển, dân quân thường trực làm nhiệm vụ theo quy định của Luật Dân quân tự vệ được hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi, về như cán bộ, công chức cấp xã; đối với tự vệ như cán bộ, công chức.
 
Chủ tịch UBND cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức phụ cấp hằng tháng, tiền ăn, hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho chỉ huy phó ban chỉ huy quân sự cấp xã; phụ cấp hằng tháng của thôn đội trưởng; mức chi phí đi lại cho dân quân tự vệ.
 
Nghị định số 03/2016/NĐ-CP  có hiệu lực từ 20/02/2016
 
KHÁNH VÂN
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác