Chính sách nổi bật có hiệu lực từ 01/9/2016
Hỗ trợ 15kg gạo/tháng cho học sinh đặc biệt khó khăn; Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng có thời hạn 5 năm; Quy định thời hạn Thẻ tạm trú cho nhân viên lãnh sự nước ngoài ; Phạt đến 3 triệu đồng nếu để phân bón tiếp xúc nền nhà, mặt đất tại địa điểm kinh doanh; Miễn, giảm thuế xuất khẩu các sản phẩm thân thiện môi trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ 01/9/2016.
Hỗ trợ 15kg gạo/tháng cho học sinh đặc biệt khó khăn
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 116/NĐ-CP   quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
 
Theo đó, mức hỗ trợ mới đối với các đối tượng được hưởng chính sách nêu trên như sau:
 
Hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở/tháng/học sinh, tiền nhà bằng 10% mức lương cơ sở/tháng/học sinh nếu phải tự túc chỗ ở và 15kg gạo/tháng/học sinh (các mức hỗ trợ không quá 9 tháng/năm/học sinh).
 
Trường phổ thông dân tộc bán trú tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí tối thiểu bằng 135% mức lương cơ sở/1 tháng/30 học sinh.
 
Nghị định số 116/NĐ-CP có hiệu lực tử ngày 01/9/2016.
 
Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng có thời hạn 5 năm
 
Theo Thông tư  số 17/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng thuộc các lĩnh vực như: Khảo sát xây dựng; Thiết kế quy hoạch xây dựng; Thiết kế xây dựng công trình; Giám sát thi công xây dựng; Kiểm định xây dựng; Định giá xây dựng phải có Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
 
Để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, cá nhân phải đáp ứng điều kiện về trình độ chuyên môn, thời gian kinh nghiệm và phải trải qua sát hạch cấp chứng chỉ theo hình thức thi trắc nghiệm.
 
Trong đó, thời hạn hành nghề tương ứng với từng lĩnh vực hoạt động xây dựng là 5 năm; khi hết thời hạn, cá nhân có nhu cầu hoạt động xây dựng làm thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề theo quy định.
 
Đối với chứng chỉ hành nghề đã được cấp trước ngày 01/9/2016, được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hạn; trường hợp không ghi thời hạn hiệu lực, được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 30/6/2018.
 
Riêng với người nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam dưới 6 tháng, được sử dụng chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp, nhưng phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch ra tiếng Việt và được công chứng, chứng thực theo quy định.
 
Thông tư số 17/2016/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 01/9/2016.
 
Thời hạn Thẻ tạm trú cho nhân viên lãnh sự nước ngoài
 
Có hiệu lực từ ngày 01/9/2016, Thông tư số 04/2016/TT-BNG của Bộ Ngoại giao quy định thẻ tạm trú cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức liên Chính phủ và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc đi cùng có ký hiệu NG3, có thời hạn tối đa là 5 năm và ngắn hơn thời hạn của hộ chiếu ít nhất 30 ngày.
 
Cũng theo Thông tư này, người nước ngoài đã được cấp thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG4, sau khi nhập cảnh Việt Nam nếu có nhu cầu gia hạn tạm trú thì phải thông qua cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam để gửi hồ sơ thông báo/đề nghị gia hạn tạm trú tới Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ TP. HCM.
 
Thời hạn tạm trú được gia hạn và thời hạn thị thực mới được cấp phải phù hợp với mục đích nhập cảnh, đề nghị của cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh và có thời hạn tối đa 12 tháng, ngắn hơn thời hạn hộ chiếu của người nước ngoài ít nhất 30 ngày.
 
Phạt đến 3 triệu đồng nếu để phân bón tiếp xúc nền nhà, mặt đất tại địa điểm kinh doanh
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 115/2016/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp.
 
Theo đó, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng với hành vi kinh doanh sản xuất mà xếp, để sản phẩm phân bón lẫn với nguyên liệu sản xuất tại nhà xưởng sản xuất phân bón hoặc không xếp phân bón lên kệ mà để tiếp xúc trực tiếp với nền nhà, mặt đất tại địa điểm kinh doanh.
 
Đặc biệt, sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón vượt mức yếu tố hạn chế theo quy định đối với phân bón hữu cơ, phân bón hữu cơ khoáng, phân bón khoáng hữu cơ, phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón hữu cơ sinh học, phân bón sinh học... sẽ bị phạt tiền từ 60-70 triệu đồng.
 
Cũng theo Nghị định này, việc sử dụng hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế không đúng nội dung hướng dẫn ghi trên bao gói gây nguy hiểm cho người, động vật và làm ô nhiễm môi trường sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.
 
Nghị định số 115/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/9/2016.
 
Miễn, giảm thuế xuất khẩu các sản phẩm thân thiện môi trường
 
Từ ngày 23/9/2016, Thông tư  số 128/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành.
 
Theo đó, giảm 50% mức thuế xuất khẩu (trường hợp mức thuế xuất khẩu sau khi giảm thấp hơn mức sàn khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thì sẽ áp dụng mức sàn khung thuế suất thuế xuất khẩu) đối với các sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải có tên trong Biểu thuế xuất khẩu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP .
 
KHÁNH VÂN 
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác