Quảng Nam Đà Nẵng qua các địa danh (phần 3)
Cẩm Lệ: Cầu bê tông cốt thép bắc qua sông Cẩm Lệ nằm trên Quốc lộ 1A cũ được Pháp xây dựng năm 1925.

Cẩm Lệ
Làng
cổ từ thế kỷ XVI nổi tiếng với sản phẩm thuốc lá, nay thuộc xã Hòa Châu huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Cẩm Lệ
Quận
được thành lập theo Nghị định số 102/2005/NĐCP của Chính phủ ngày 5/8/2005, tách từ một số xã của huyện Hòa Vang và quận Hải Châu của thành phố Đà Nẵng, gồm 6 phường: Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây, Hòa An, Hòa Phát, Hòa Xuân, Khuê Trung.
Cẩm Lệ
Sông
thuộc đoạn cuối của dòng sông Yên hợp với sông Túy Loan đổ nước vào sông Hàn ở Cồn Dầu, xã Hòa Xuân, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, dài khoảng 15 km.
Cẩm Phô
Làng cổ
từ thế kỷ XVI nay là phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Câu Lâu
Cầu
bê tông cốt thép nằm trên Quốc lộ 1A bắc qua sông Thu Bồn nối huyện Điện Bàn và huyện Duy Xuyên, dài 1.056m. Câu Lâu địa danh gốc Chăm pa, biến âm từ Pulau có nghĩa là hòn đảo.
Cầu được xây dựng thời Pháp thuộc, đến thời Mỹ ngụy được xây dựng lại lần hai. Đầu thế kỷ XXI, cầu được xây dựng lại với quy mô lớn hơn, có 4 làn xe chạy.
 


Câu Nhi
Sông
nhánh bên tả ngạn sông Thu Bồn, Bát đầu từ làng Câu Nhi chảy ra sông Vĩnh Điện rồi hợp lưu với sông Cẩm Lệ, đổ nước ra Cửa Hàn. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) sông được đào rộng và uốn thẳng từ làng Câu Nhi đến làng Cẩm Sa. Thời Pháp thuộc sông này được khai thông và mở rộng để chở than đá từ mỏ Nông Sơn ra cảng Đà Nẵng.

“Từ ngày Tây lại cửa Hàn
Đào sông Câu Nhí đắp đàng Bồng Miêu”
(Ca dao)

Câu Nhi
Làng
nằm bên tả ngạn sông Thu Bồn, địa danh gốc Chăm pa, cũng đọc là Câu Nhí, nay thuộc một thôn thuộc xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Cây Cốc
Chợ
ngày xưa họp dưới bóng một cây cốc cổ thụ nên mang tên chợ Cây Cốc, nằm bên tỉnh lộ Tam Kỳ - Tiên Phước, thuộc xã Tiên Thọ. Nơi đây, ngày 27/9/1954 đã xây ra cuộc đấu tranh của đồng bào chống lại việc bắt bớ những cán bộ kháng chiến của tiểu đoàn lính Quốc gia 601. Địch đã nổ súng bắn chết 35 người, bắn bị thương 79 người, bắt đi 47 người. Chúng dùng xe ủi kéo xác người, bỏ xuống giao thông hào và lấp đất lại.
Sau ngày giải phóng, một tượng đài được xây dựng tại đây để tưởng nhớ những đồng bào đã hy sinh và ghi lại những bằng chứng tội ác của địch.
Chiêm bất lao
Quần đảo
nằm ở phía Đông của sông Thu Bồn, tên Hán Việt chỉ tên Cù Lao Chàm. Ngày nay, quần đảo này là xã đảo Tân Hiệp, thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

 
Chiêm Động
Vùng đất
nằm từ bờ nam sông Thu Bồn vào đến địa giới Cổ Lũy Động (Vùng bắc tỉnh Quảng Ngãi ngày nay) thuộc Chăm pa. Chiêm Động và Cổ Lũy Động được sáp nhập vào bản đồ Đại Việt sau chiến thắng của Hồ Hán Thương chinh phạt Chăm pa. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Họ Hồ lấy đất Chiêm Động và Cổ Lũy Động chia thành 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt quan cai trị.”
Chiên Đàn
Ngõ nguồn
, một trong sáu ngõ nguồn nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam ở thế kỷ XIX, dưới nền đất chứa nhiều vàng sa khoáng, đặc biệt là mỏ vàng sa khoáng, đặc biệt là mỏ vàng Bồng Miêu được người Pháp bắt đầu khai thác từ 1895. Sáu ngõ nguồn ngày xưa đó là: Hữu Bang, Chiên Đàn, Thu Bồn, Ô Gia, Lỗ Đông, Cu Đê.

Chiên Đàn
Làng
thuộc tổng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ nay thuộc xã Tam An, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây có di tích gồm 3 tháp Chăm xếp thành một hàng theo trục bắc nam, thường được gọi là “Nhóm tháp Chiên Đàn”, nằm cạnh Quốc lộ 1A cách thành phố Đà Nẵng 60km. Theo các nhà khảo cổ học, nhóm tháp được xây vào thế kỷ XI – đầu thế kỷ XII.
 

Chiên Đàn
Tổng
thuộc phủ Tam Kỳ vào đầu thế kỷ XX, gồm 29 xã.
 

Chóp Chài
Núi
ở xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, từ xa cách núi giống như một cái chài của ngư dân, đỉnh núi là chóp của cái chài.

Chợ củi
Chợ
chuyên bán củi được khai thác từ phía thượng nguồn sông Thu Bồn, kết bè thả trôi về, nhằm cung cấp chất đốt cho dinh trấn Thanh Chiên, các lò gạch ở phía Thanh Hà, phố Hội An và các tàu thuyền nước ngoài đến đây buôn bán trong các thế kỷ XVII – XVIII. Chợ nằm phía bên tả ngạn, nay không còn nữa.

Chợ củi
Sông
thuộc đoạn hạ lưu của dòng Thu Bồn. Theo sách Đại Nam nhất thống chí năm Tự Đức thứ 3 (1850), sông Chợ Củi đổi tên thành Sài Thị giang và được ghi vào điển thờ. Tên đoạn sông được lấy từ tên chợ.

Chu Lai
Sân bay
được Mỹ xây dựng vào năm 1965 trên vùng đất cát xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, nằm phía đông đường sắt và Quốc lộ 1A, có đường băng phụ dài 2.400 m, rộng 30m. Sân bay cùng với cảng Kỳ Hà ở phía đông, tạo thành căn cứ quân sự liên hợp Chu Lai. Địa danh Chu Lai xuất hiện từ thời chống Mỹ (1965). Trước đây, trong danh mục xã thôn xưa không có địa danh này. Đã có nhiều cách lý giải trên sách báo nhưng đều không có sức thuyết phục.

 Chu Lai
Khu kinh tế
mở được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Ban chỉ đạo xây dựng theo Quyết định số 204/1999 ngày 18/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là khu kinh tế mở đầu tiên của Việt Nam, có diện tích rộng 150km2, thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

 Chúa
Núi
cao nhất của dãy Núi Chúa – Bà Nà, nằm ở phía tây thành phố Đà Nẵng. Đây là núi cổ, tuổi trên 400 triệu năm, nhờ những khối đá hoa cương và thạch anh bền vững nên chóp núi còn khá cao 1.482m. Dân gian thường gọi cái gì cao nhất, lớn nhất là “Chúa” như núi Chúa, ong Chúa, mối Chúa, kiến Chúa,..

Chuồi
Dốc
đứng nằm trên đường mòn xuyên sơn giữa xã Quế Lộc (huyện Nông Sơn), vượt hòn núi Quắp sang sườn phía Đông thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Dốc cao, hiểm trở và mùa mưa đất trơn chuồi rất khó đi, nên gọi là dốc Chuỗi. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây nằm trên hành lang đi lại xuyên rừng của cán bộ, bộ đội, du khách.

Con
Sông
phát nguyên từ dãy núi Đồng Rập (ranh giới của hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế) và núi Bà Nà, hợp lưu tại An Điềm, chảy qua vùng đồng bằng hẹp xã Đại Lãnh (đoạn này dài 11km) rồi nhập vào sông Vu Gia ở ngã ba Hà Tân. Sông Con có lưu vực 672km2. Một số bản đồ của Pháp trước đây ghi là sông Côn nhưng thực ra đây là nhánh sông Con để phân biệt với sông Cái gồm sông Đakmi, sông Đakse và sông Giằng có độ dài gấp 2,5 lần và có lưu vực rộng gấp 3 lần.

Cổ Cò
Sông
nối từ xã Thanh Châu phía đông bắc Hội An đến phía tây Ngũ Hành Sơn, nhập với sông Cẩm Lệ đổ ra cửa Hàn. Đây là con đường nội địa nối Đà Nẵng với Hội An trong thế kỷ XVIII – XIX. Từ giữa thế kỷ XIX dòng chảy bị cát bồi lấp dần. Ngày nay, chỉ còn lại dấu vết những hồ nước, bàu trũng và những đoạn sông ngắn. Sách Đại Nam nhất thống chí gọi sông Cổ Cò theo chữ Hán là “Lộ Cảnh giang.”

 Cổ Cò
Thác
lớn dài khoảng 700m trên dòng Thu Bồn nằm trên địa phận xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Dòng chảy của thác uốn cong hình cổ cò, tạo nên một cảnh đẹp trên sông.

Cồn Trò
Khu đất
nằm bên phía Tây Quốc lộ 1A, gần chợ Nam Ô, phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Năng. Dưới thời nhà Nguyễn, các sĩ tử từ Quảng Nam, Quảng Ngãi ra kinh đô Huế ứng thí, trước khi vượt đèo Hải Vân thường tập trung tại Cồn Trò, chuẩn bị hành lý, thức ăn để vượt đèo bằng đôi chân suốt cả ngày.
Thi cử xong trên đường về, sau khi vượt qua ngọn đèo cao, các sĩ tử dù đỗ đạt hay không tập trung tại Cồn Trò – nơi sẵn cá tôm – tổ chức liên hoan rồi chia tay mỗi người mỗi ngả. Cồn Trò là địa danh Nôm. (Trò là học trò thi ngày xưa)

Cu Đê (Câu Đê)
Sông
phát nguyên từ núi Giáo Lao và núi Trà Ngạn chảy qua các xã tây bắc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Nhập với sông Hóa Ổ chảy ra vũng Đà Nẵng. Cu Đê là địa danh gốc Campuchia.

Cu Đê
Núi
nằm bên phía tả ngạn sông Cu Đê, cách cửa biển khoảng 3 km. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi “Núi có nhiều ve ve, người dân ở đây bắt phơi khô đem bán cho các tiệm thuốc bắc” làm thuốc gọi là thiền thoái.

Cu Đê
Tấn (trấn hải)
đặt nơi cửa sông đổ ra vũng Đà Nẵng, được thiết lập từ thời Gia Long, đến thời Minh Mạng đổi thành “bảo Cu Đê”.

Cù Lao Chàm
Quần đảo
nằm ở phía đông Cửa Đại, cách bờ biển khoảng 20km, gồm bảy hòn lớn, nhỏ: hòn Lao (lớn nhất), hòn Tai, hòn Dài, hòn Mồ, hòn Lá, hòn Khô Mẹ, hòn Khô Con. Tổng diện tích 15km2 trong đó rừng chiếm 90%. Dân số hơn 3.000 người, phần lớn làm nghề đánh bắt hải sản, tập trung chủ yếu ở hòn Lao.
Theo Đại Nam nhất thống chí, cù lao Chàm còn có tên là Tiêm Bút, làm trấn sơn cho cửa Đại Chiêm. Tương truyền xưa trên đảo có đền thờ Bô Bô (tức Pô Inu Nagar – nữ thần Chăm pa). Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn chép: Hương Hải thiền sư (1628 – 1715) đã lập am tu hành tại đảo này. Sản phẩm quý mang lại nguồn thu cao nhất cho thị xã Hội An hằng năm là yến sào. Từ sau 1975, nơi đây trở thành xã Tân Hiệp, trong số 10 xã phường của thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Cù lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Cửa Đại
Cửa sông
chính đổ ra biển của dòng Thu Bồn – sông lớn và dài nhất của tỉnh Quảng Nam. Từ Hán Việt là: Đại Chiêm hải khẩu. Từ cửa biển này, người Chăm pa trong các thế kỷ trước đã giao dịch, buôn bán với Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, Ba Tư,..Từ khi Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, nơi bãi biển Cửa Đại đã có nhiều khu du lịch, khách sạn 4-5 sao được xây dựng. Một cây cầu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép mang tên Cửa Đại có chiều dài 1.481m, rộng 25m, tỉnh không thông thuyền 20m được khởi công xây dựng, nối thông tuyến đường ven biển từ Đà Nẵng – Hội An đến Tam Kỳ, Chu Lai.

Cửa Lở
Cửa biển
nằm cách cửa Kỳ Hà (An Hòa) 6km về phía bắc, từ Hán Việt là Tiểu Áp, nay thuộc xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Cổng TTĐT thành phố


 
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT