Niên biểu Quảng Nam- Đà Nẵng thế kỷ 16, từ năm 1509 đến năm 1593

 Năm 1509

          Năm Hồng Thuận thứ nhất, Lê Tương Dực đổi xứ thành trấn, xứ Quảng Nam đổi thành trấn Quảng Nam.

 Năm 1535

          Atonio Da Faria, người Bồ Đào Nha, thuyền trưởng tàu Albuquerque, trên đường từ Mã Lai đến Nam Trung Hoa đã cho tàu bỏ neo dừng lại ở vũng Trà Sơn để lấy nước ngọt, củi đốt và có lên bờ thăm thú phong cảnh tại nơi đây. Có thể nói Antonio Da Faria là người phương Tây đầu tiên đặt chân lên đất Đà Nẵng và chú ý ngay đến những ưu thế vùng biển. Ông cũng là người đầu tiên nói đến Faifo tức phố cổ Hội An.

 Năm 1540

          Dựa trên những tư liệu chỉ dẫn của lái buôn người Bồ Đào Nha là Antonio Da Faria, các lái buôn Bồ Đào Nha đến buôn bán ở Hội An.

 
Năm 1555

          Sách Ô Châu cận lục, do Dương Văn An nhuận sắc là sách địa phương chí đầu tiên viết về vùng đất từ Quảng Bình vào đến bờ bắc sông Thu Bồn ở thế kỷ XVI. Theo sách này, huyện Điện Bàn (tương ứng với nửa phía Bắc tỉnh Quảng Nam, kể cả thành phố Đà Nẵng) lúc ấy thuộc phủ Triệu Phong, có 66 làng. Trong đó có hơn 30 làng còn được lưu tên đến ngày nay.

 Năm 1555

          Địa danh Đà Nẵng lần đầu tiên được sách Ô châu cận lục của Dương Văn An nhắc đến khi nói về “ngôi đền thờ thần Nguyễn Phục ở cửa biển Đà Nẵng”. Nguyễn Phục đỗ tiến sĩ đệ tam danh (1453), giữ chức Phi vận tướng quân trong cuộc bình Chiêm của vua Lê Thánh Tông (1471). Do bị bão, thuyền vận lương không tới kịp, quân sĩ bị đói. Ông bị bắt giam và bị chém. Khi vua hiểu ra lý do trễ nải, truyền chỉ tha tội thì bản án đã được thi hành.

 Năm 1558

          Nguyễn Hoàng, con thứ hai của Nguyễn Kim được phong Đoan quận công, xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa (Thừa Thiên – Huế ngày nay) và được vua Lê Anh Tông chấp thuận. Ban đầu, Nguyễn Hoàng lập bản doanh ở Ái Tử, bên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị).

 Năm 1569

          Nguyễn Hoàng ra Thanh Hoa yết kiến vua Lê tại hành cung An Trường (nay thuộc tỉnh Nghệ An), được vua Lê cho kiêm lãnh cả hai trấn Thuận Hoá và Quảng Nam. Quận công Nguyễn Bá Quýnh đang giữ chức Tổng binh ở Quảng Nam được đổi về trấn thủ Nghệ An.

 Năm 1572

          Theo sách Thực lục tiền biên, “bấy giờ chúa Nguyễn Hoàng ở trấn hơn 10 năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân yên cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đến ngày càng nhiều. Hội An trở nên một nơi đô hội lớn”.

 Năm 1576

          Năm Long Khánh nguyên niên (1576), Minh Mục Tông (Trung hoa) ra lệnh mở “hải cấm” (do Minh Thái Tổ ra chiếu chỉ từ năm 1371) cho phép thường dân xuất dương buôn. Cũng từ đây thuyền buôn và thương nhân Trung Hoa bắt đầu đến Hội An.

 Năm 1586

          Linh mục Grégoire de la Mottle (người Pháp) và Luis de Fonseca (người Bồ Đào Nha) đến truyền giáo ở Quảng Nam.

 Tháng 4 âm lịch năm 1593

          Sau khi diệt xong nhà Mạc, lấy lại kinh đô Thăng Long, vua Lê Thế Tông ban lệnh đại xá, xét thưởng người có công phù Lê diệt Mạc. Chúa Nguyễn Hoàng từ Thuận hoá ra Thăng Long yết kiến chúc mừng vua Lê, dâng nộp sổ sách, thuế khóa hai xứ Thuận Quảng. Vua Lê phong Nguyễn Hoàng làm Tả đô đốc, đem quân đi đánh dẹp tàn quân nhà Mạc ở các xứ Sơn Nam, Hải Dương và giữ lỏng Nguyễn Hoàng ở lại kinh đô suốt 7 năm, không đả động gì đến chuyện trở về Thuận Hoá.

Cổng TTĐT thành phố

 
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác