Niên biểu Quảng Nam- Đà Nẵng thế kỷ 17, từ năm 1600 đến năm 1698

Năm 1600

          Sau khi từ Thuận Hoá ra yết kiến vua Lê ở Thăng Long (1593), Nguyễn Hoàng bị chúa Trịnh Tùng tìm cách giữ chân ở mãi đất Bắc không cho về lại Thuận Quảng suốt 7 năm trời. Cuối cùng năm 1600, ông đã bày mưu xin đem quân đi dẹp loạn Phan Ngoạn ở cửa biển Đại An (Ninh Bình), rồi theo đường biển về lại Thuận hoá. Cũng từ đây, ý định ly khai với họ Trịnh, xây dựng cơ nghiệp riêng cho họ Nguyễn ở Đàng Trong của Nguyễn Hoàng trở thành một quyết tâm không gì lay chuyển được.

 Năm 1602

          Chúa Nguyễn Hoàng vượt núi Hải Vân vào Quảng Nam xem xét tình hình, rồi sai lập dinh trấn tại xã Cần Húc, cử người con thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên làm Tổng trấn. Sau đó, dinh trấn được dời về làng Thanh Chiêm nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn.

 Năm 1604

          Chúa Nguyễn Hoàng tách huyện Điện Bàn, thuộc phủ Triệu Phong (Thuận Hoá) đặt làm phủ Điện Bàn, quản 5 huyện (Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu) lệ vào trấn Quảng Nam, đổi phủ Thăng Hoa làm phủ Thăng Bình.

 Năm 1611

          Nhân Chiêm Thành xâm phạm biên giới, Nguyễn Hoàng (chúa Tiên) sai Chủ sự là Văn phong (không rõ họ) đem quân đánh lấy vùng đất phía nam đèo Cù Mông đến núi Đại Lãnh, lập phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hoà, lệ vào trấn Quảng Nam. Đây là bước Nam tiến đầu tiên của chúa Nguyễn kể từ sau chiến thắng của Lê Thánh Tông (1471)

 Tháng 6 âm lịch năm 1613

          Trước phút lâm chung, Nguyễn Hoàng nằm trên giường bệnh truyền lời cho các thân thần và người con thứ 6 Nguyễn Phúc Nguyên – người sẽ kế vị ngôi chúa: “Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Hoành Sơn và sông Gianh hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời.

 Năm 1614

          Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, sai con là Nguyễn Phúc Kỳ làm trấn thủ Quảng Nam, đóng lỵ sở tại Thanh Chiêm. Nguyễn Phúc Kỳ cho phép giáo sĩ xây dựng nhà thời đạo Thiên Chúa đầu tiên tại đây.

 Năm 1617

          Nguyễn Phúc Nguyên viết thư mời công ty Đông Ấn (Hà lan) ở Malacca đến buôn bán.

 Tháng 5 âm lịch năm 1618

          Chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai quan đo đạc ruộng đất của dân ở hai xứ Thuận Quảng để thu thuế.

Năm 1618

          Giáo sĩ Christoforo Borri người (Italy) cải trang bồi tàu đến Đà nẵng và Hội An, rồi ở lại Đàng Trong cho đến năm 1622 thì về lại Macao. Ông là tác giả tập ký “Tường trình về xứ Đàng Trong năm 1621”. Đây là tập sử liệu phong phú nhất về tỉnh Quảng Nam và Đàng Trong nói chung đầu thế kỷ XVII.

 Năm 1620

          Chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái là công nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II. Việc này không thấy sử của ta ghi chép.

 Năm 1621

          Chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai sứ sang gặp vua Chân Lạp Chey Chetta II, yêu cầu cho người Việt vào sinh sống, buôn bán ở Đồng Nai.

 Năm 1625

          Linh mục Alexandre de Rhodes đến truyền giáo ở Hội An (thuộc xứ Đàng Trong).

 Tháng 2 âm lịch năm 1627

          Chiến tranh Trịnh – Nguyễn bắt đầu. Họ Trịnh đem quân vào đóng ở cửa Nhật Lệ (Quảng Bình). Quân Nguyễn cố thủ chống cự lại quyết liệt. Qua mấy trận đánh, quân Trịnh thấy không thắng được bèn rút quân về.

 Năm 1633

          Người Hà Lan được phép chúa Nguyễn cho lập thương điếm tại Hội An, do Abraham Duijcker làm quản lý.

Năm 1635

          Chúa Nguyễn Phúc Nguyên mất, ở ngôi 22 năm, con là Nguyễn Phúc Lan kế vị.

 Năm 1639

          Chúa Nguyễn Phúc Lan ra lệnh cấm truyền bá đạo Thiên chúa và trục xuất các giáo sĩ.

 Tháng 7 âm lịch năm 1644

          Trận thuỷ chiến giữa quân chúa Nguyễn với thuyền chiến Hà Lan ở người cửa Eo. Quân Nguyễn đã đánh chìm một hạm thuyền của Hà Lan.

 Năm 1645

          Những di dân người Hoa đến Hội An được chúa Nguyễn cho phép cư trú lâu dài ở Đàng Trong và lập thành làng Minh Hương đầu tiên được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Sự kiện này đánh dấu chủ trương mở cửa của chúa Nguyễn nhằm phát triển mậu dịch với bên ngoài.

 Năm 1646

          Chúa Nguyễn định phép thi 9 năm một kỳ, ra lệnh cho các học trò thi vào hai môn chính đồ và hoa văn, lấy người viết chữ tốt ra làm thư lại. Mỗi môn, thí sinh thi trong 3 ngày.

-Tháng giêng âm lịch năm 1646

          Trong trận đánh ở cửa Nhật Lệ, quân Trịnh thua to, quân Nguyễn bắt được hơn 3.000 tù binh. Trong lịch sử chiến tranh Trịnh – Nguyễn chưa có trận nào quân Nguyễn thắng lớn như trận này. Chúa Nguyễn, sau khi cùng với các tướng tá bàn cách đối xử với hàng binh, đã thả về Bắc một số tỳ tướng, còn số 3.000 binh lính thì đem chia thành đơn vị 50 người, cấp trâu bò, phương tiện canh tác và lương thực, đưa đi khai hoang từ miền Thăng, Điện vào đến Phú Yên để khai khẩn đất hoang.

 Năm 1648

          Chúa Nguyễn Phúc Lan chết, con là Nguyễn Phúc Tần kế vị.

 Năm 1651

          Cuốn Từ điển Annam–Lisitan–Latinh (Dictionnari-um Annammiticum – Lusitan-um – Latinum thường gọi, là Từ điển Việt – Bồ - La) do Alexandre de Rhodes biên soạn xuất bản tại Roma (Ý). Đây là quyển từ điển đầu tiên lấy từ Việt Nam làm mục từ, đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ theo mẫu tự Latinh.

 Năm 1653

          Vua Chiêm Thành là Bà Tấm xâm lấn Phú Yên. Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền) sai Cai cơ Hùng Lộc làm Thống binh, Xá sai Minh Vũ làm tham mưu, đem 3.000 quân đi đánh Chiêm Thành, mở đất đến sông Phan Rang, chia làm 2 phủ là Thái Khang (nay là Ninh Hòa) và Diên Ninh (nay là Diên Khánh)

 Tháng 6 âm lịch năm 1655

          Quân Nguyễn đánh chiếm 7 huyện phía nam sông Lam (Hà Tĩnh); Kỳ Hoa, Thạch Hà, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn, Hương Sơn, Thanh Chương. Trong thời gian chiếm giữ vùng này (1655-1657), quân Nguyễn đã bắt một số đông dân đưa vào Thuận Quảng để khai phá đất đai.

 Năm 1657

          Chúa Nguyễn Phúc Tần cho người Bồ Đào Nha lập thương điếm ở Hội An.

 Tháng 6 âm lịch năm 1672

          Trịnh Tạc đem 18 vạn quân đánh chúa Nguyễn ở châu Bố Chính (Quảng Bình), nhưng vì quân Nguyễn phòng thủ khá chặt, quân Trịnh đánh mãi không được. Tháng 12 năm ấy, trời mưa lụt, quân sĩ bị ốm đau nhiều, nên chúa Trịnh ra lệnh rút quân về. Đây là trận đánh cuối cùng giữa hai bên.

 Năm 1673

          Trịnh – Nguyễn chấm dứt cuộc nội chiến hao người tốn của kéo dài 45 năm (1627-1672), lấy sông Gianh làm giới hạn chia cắt đất nước. Từ sông Gianh (Quảng Bình) trở vào Nam, thuộc quyền cai quản của chúa Nguyễn, từ sông Gianh trở ra Bắc do vua Lê, chúa Trịnh cai quản. Đất nước từ đây bị tạm chia thành hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài.

 Tháng 5 âm lịch năm 1679

          Các tướng cũ nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên, vì không thần phục nhà Thanh, đã kéo hơn 3.000 quân đi trên 50 chiến thuyền đến đậu ngoài khơi từ cửa Tư Dung đến cửa Đà Nẵng xin tị nạn ở Đàng Trong.

          Sau khi họp triều thần bàn bạc, cân nhắc, chúa Nguyễn Phúc Tần bèn tổ chức ủy lạo cho họ, rồi cử người hướng dẫn đưa họ vào đất Đông Phố và mang thư cáo dụ vua Chân Lạp chấp nhận để họ khai phá đất đai, lập phố buôn bán.

Tháng 3 âm lịch năm 1683

          Đàng Trong mở khoa thi, lấy đỗ 4 người về môn chính đồ, 34 người về hoa văn, 4 người về thám phóng.

 Tháng 3 âm lịch năm 1687

          Chúa Nguyễn Phúc Tần chết con là Nguyễn Phúc Thái lên kế vị. Nguyễn Phúc Thái dời đô từ Ái Tử (Quảng Trị) về Phú Xuân và bắt đầu xây dựng kinh đô Phú Xuân.

 Tháng giêng âm lịch năm 1691

          Chúa Nguyễn Phúc Trăn chết, Nguyễn Phúc Chu lên kế vị.

 Ngày 13 - 3 âm lịch năm 1695

          Theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu, nhà sư Trung Hoa Thích Đại Sán đã đến Phú Xuân (kinh đô của Đàng Trong). Ngày 7-6-1695, ông rời Phú Xuân vào Hội An để đáp thuyền về nước, qua Cửa Hàn. Trong tập Hải ngoại ký sự, Thích Đại Sán đã miêu tả khá tỉ mỉ cuộc hành trình này, kể cả phong cảnh, tập quán, tín ngưỡng, tình hình sản xuất, thương mại của Đàng Trong cuối thế kỷ XVII.

 Năm 1698

          Mùa xuân năm Mậu Dần, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Chưởng cơ là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Kính vào kinh lược phía nam, lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lấy xứ Đồng nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Có thể coi đây là việc thiết lập nền hành chính đầu tiên của chúa Nguyễn trên vùng đất địa đầu của Gia Định (mà ngày nay ta gọi là Nam Bộ).

Cổng TTĐT thành phố

 
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT