Di tích K20
Khu Di tích lịch sử cách mạng K20 là tên gọi do Quận ủy Quận III đặt để làm mật hiệu liên lạc thời chống Mỹ. Khu di tích nằm trên địa bàn Khối phố Đa Mặn, phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn; trên tuyến đường từ trung tâm thành phố đến khi di tích Ngũ Hành Sơn và Đô thị cổ Hội An.

K20 là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong chiến tranh; rộng 3 km2, với hơn 3 nghìn dân. Sau khi chiếm giữ Đà Nẵng năm 1954, Mỹ Ngụy đã xây dựng nhiều đồn bót quanh Đa Mặn, hình thành bộ máy kìm kẹp nhân dân, ngăn cản lực lượng cách mạng ngay từ bên ngoài vào thành phố.

Chính trong điều kiện đó chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân dân Đa Mặn đã được phát huy cao độ, trở thành bài học quý báu cho phong cách mạng địa phương. Trong đó, nhiều sự kiện, cột mốc lịch sử vẫn còn được lưu truyền sinh động trong nhân dân và đi vào sử sách. Đáng kể là sự kiện năm 1962, nơi đây đã tổ chức được lực lượng du kích mạnh, làm nhiệm vụ “diệt ác phá kìm”; đến năm 1964 phát triển tới 27 đội viên, tiêu diệt 12 tên ác ôn, phá hủy nhiều ấp chiến lược... Hầu hết các gia đình ở Đa Mặn thời đó đều có hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ.
 
Nhà truyền thống được xây dựng khang trang, hiện đang lưu giữ tương đối đầy đủ các hiện vật của một thời đấu tranh ngoan cường, bất khuất. Những địa chỉ đỏ, hầm bí mật, chiến hào xưa đang được vào các chương trình tham quan, giáo dục truyền thống. Mỗi hiện vật, mỗi sự tích đều gắn liền những con người có thật, trong đó có người đang còn sống, đang xây dựng cuộc sống mới ngay tại mảnh đất lịch sử này.
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT