Sách Đại Nam nhất thống chí, ở mục “Cổ tích” chỉ ghi mấy dòng ngắn gọn: “Tháp ở xã Khương Mỹ gồm 3 tòa liền nhau, cao 80 trượng, phía trên có lỗ thông thiên, phía trong có tượng đá, nay đã đổ nát. Tương truyền đây là chỗ táng vợ vua Chiêm Thành”(1).
Nhóm tháp Khương Mỹ gồm 3 tháp xếp thành một hàng theo trục bắc- nam, cửa ra vào hướng đông, là kiểu tháp truyền thống của Chămpa với mặt bằng vuông, mái thấp, gồm 3 tầng, mà tầng trên cùng là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới. Trên cùng là chóp tháp làm bằng sa thạch.
• Tháp Bắc là tháp nhỏ nhất trong nhóm, có một cửa ra vào và 5 cửa giả. Vòm cuốn trên các cửa uốn hình cung, trang trí hoa văn thảo mộc cách điệu
• Tháp Giữa lớn hơn tháp Bắc, có một cửa ra vào và 5 cửa giả. Vòm cuốn trên cửa được tách làm 2 tầng, cấu tạo bởi những lớp hoa văn thảo mộc cách điệu, uốn cong ở đầu mút. Phần chân và trụ đỡ vòm cuốn chạm 2 tầng hoa sen cách điệu.
• Tháp Nam là tháp lớn nhất, về mặt cấu trúc cũng giống như 2 tháp Bắc và tháp Giữa.
Theo nhà khảo cổ học Pháp P. Stern, lần đầu tiên kiến trúc Chămpa xuất hiện ở Khương Mỹ một số mô típ trang trí của nghệ thuật Khmer. Kiểu cành lá uốn cong vểnh lên ở đầu mút, lá có rảnh sâu; các hình thoi nối tiếp nhau bởi đường chéo và các đóa hoa cách điệu là đặc trưng của nghệ thuật Khmer cuối thế kỷ IX- đầu thế kỷ X. Phần lớn các tác phẩm điêu khắc ở Khương Mỹ được đưa về trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chămpa Đà Nẵng. Một pho tượng thần Vishnu có 4 tay hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh.
(1) Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Sđd, tr. 369.
Nhóm tháp Khương Mỹ
Di tích Chămpa Khương Mỹ nằm ở làng Khương Mỹ, huyện Hà Đông, nay thuộc xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, ở phía nam sông Tam Kỳ, cách trung tâm thị xã 2km.