Năm 1895, C.Paris cho người phát quang khu đền tháp này. Năm 1898-1899, các học giả Pháp là L.Finot và L.De La Jonquière đã đến nghiên cứu các văn bia. Họ đã phát hiện khoảng 35 bi ký (chiếm 1/5 trong tổng số bi ký của Chămpa được phát hiện ở cả khu vực miền Trung). Năm 1901, nhà khảo cổ kiêm kiến trúc sư Pháp là H.Parmentier đã đến đây nghiên cứu về kiến trúc và nghệ thuật.
Những công trình nghiên cứu đầu tiên được công bố trên tạp chí của Trường Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) vào năm 1904. Tiếp theo đó là các công trình nghiên cứu của P.Sterne, J.Boisselier…mà những tác phẩm của họ là những tài liệu cơ bản nhất cho các nhà nghiên cứu về văn hóa Chămpa sau này.
Theo nội dung một tấm bia có niên đại khá sớm ở Mỹ Sơn cho biết, vào khoảng thế kỷ thứ IV, vua Bhadravarman đã cho xây dựng ở đây một ngôi đền bằng gỗ để thờ thần Civa- Bhadresvara. Trong văn bia có đoạn: “Bhadravarman dâng cho thần một vùng đất vĩnh viễn: phía đông là núi Sulaha, phía nam là núi lớn Mahaparvata, phía tây là núi Kucaka, phía bắc là…(làm giới hạn). Ruộng đất trong phạm vi đó được dâng cùng với cả dân cư. Hoa lợi cũng được dâng lên cả cho thần”(1). Các đền thờ này đều bị thiêu hủy toàn bộ vào cuối thế kỷ thứ VI. Vào đầu thế kỷ VII, vua Sambhuvarman cho xây dựng lại ngôi đền bằng gạch với tên mới là Sambhu- Bhadresvara. Từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII, các vua Chămpa kế tiếp đều cho xây dựng thêm nhiều tháp mới để thờ thần Civa dưới những tên gọi khác nhau, tổng cộng hơn 70 công trình. Đây là thánh địa Ấn Độ giáo quan trọng nhất của vương quốc Chămpa. Có thể tìm thấy ở đây hầu hết các phong cách kiến trúc của nghệ thuật Chămpa qua các thời kỳ.
Khu tháp Chămpa ở Mỹ Sơn còn là nơi tập trung hàng trăm tác phẩm điêu khắc vô giá. Các tác phẩm điêu khắc trên đá và trên gạch phản ánh sự kết hợp giữa yếu tố bản địa và yếu tố bên ngoài một cách sáng tạo. Phần lớn các tác phẩm điêu khắc được tìm thấy ở đây vào đầu thế kỷ XX đã được đưa về trưng bày ở Bảo tàng điêu khắc Chămpa Đà Nẵng.
Theo thống kê của các chuyên gia Pháp, trước năm 1946, tại khu Mỹ Sơn còn khoảng 68 công trình kiến trúc khá nguyên vẹn. Nhưng qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ (1946-1975), phần lớn di tích bị tàn phá. Tháng 4-1947, quân viễn chinh Pháp từ đồn Thu Bồn đã bắn đại bác vào khu tháp làm hư hỏng một số. Khi quân Mỹ đến, chúng đã cài nhiều mìn, bắn pháo bừa bãi, làm sụp đổ nhiều tháp. Đặc biệt, cuộc ném bom bằng B.52 mang tính chất hủy diệt vào thung lũng này năm 1969 của không quân Mỹ đã tàn phá nặng nề nhất, san bằng nhiều công trình, trong đó có ngôi đền tháp A1 nổi tiếng.
Sau năm 1975, ở khu Mỹ Sơn chỉ còn khoảng 20 tháp, nhưng không cái nào nguyên vẹn. Từ năm 1980, trong chương trình hợp tác văn hóa Việt Nam - Ba Lan, Tiểu ban phục hồi di tích Chămpa ở Mỹ Sơn được thành lập do kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski chỉ đạo. Sau 10 năm gia cố, tu sửa, trung tâm kiến trúc bậc nhất của nghệ thuật Chămpa đã được hồi sinh. Mỹ Sơn đã được trả lại phần nào dáng vẻ ban đầu của nó. Khu di tích tháp cổ Chămpa Mỹ Sơn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 54- VHQĐ ngày 29-4-1979. Ngày 1-12-1999, khu di tích lại được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
(1) G.Maspero, Vương quốc Chămpa, Paris, 1928. Bản dịch của Lê Tư Lành, tr. 64.
Khu tháp Chămpa Mỹ SƠn - Di sản Văn hoá thế giới
Tại một thung lũng chiều dài khoảng 2km, chiều rộng hơn 1km, nằm bên cạnh làng Mỹ Sơn thuộc tổng An Hòa, phủ Duy Xuyên, nay thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70km về phía tây nam. Vào năm 1885, một toán lính Pháp tình cờ trong khi đặt đường dây điện tín đã phát hiện khu tháp Chămpa bị phủ bởi cây rừng và dây leo, nằm ở tọa độ 15o46’ vĩ độ Bắc và 106o07’ kinh Đông.