Thành Điện Hải: Từ câu chuyện lịch sử đến những vấn đề đặt ra trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến

 Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Xưa nay, Thành Điện Hải, một di tích lịch sử - văn hóa quốc gia có giá trị đặc biệt được xây dựng ở Đà Nẵng vào đầu triều Nguyễn vẫn thường được giới nghiên cứu và các phương tiện thông tin đại chúng đề cập dưới những góc độ khác nhau: giới nghiên cứu quan tâm nhiều về khía cạnh lịch sử quân sự, còn phương tiện thông tin đại chúng thì cố gắng khai thác tất cả những chi tiết thông tin có được về tòa thành này.

Tuy nhiên, trong những công trình nghiên cứu đã công bố cho đến nay, chưa có công trình nào đầu tư nghiên cứu toàn diện về Thành Điện Hải, ấn phẩm nghiên cứu được xuất bản chủ yếu chỉ lưu hành trong diện hẹp của giới học thuật có liên quan, ngoài xã hội còn ít biết đến. Trong khi đó, những bài viết đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng tuy chuyển tải được nhiều thông tin chi tiết hơn, đối tượng tiếp nhận thông tin được mở rộng và đa dạng hơn, nhưng lại có quá nhiều sai sót cả chuyên môn lẫn khoa học, thậm chí mâu thuẫn nhau.

Do vậy, việc nghiên cứu chưa toàn diện cùng những sai sót về chuyên môn và khoa học trong thông tin về Thành Điện Hải đang được phổ biến ngoài xã hội sẽ là một thách thức lớn cho việc nhận thức và xây dựng các phương án về bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị của di tích.

Đó chính là lý do thiết yếu mà bài viết này sẽ hướng đến để góp phần giải quyết.

II. TỪ CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ ĐẾN NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Để tránh những sai sót và tạo chỗ dựa vững chắc cho câu chuyện lịch sử về Thành Điện Hải, bài viết này sẽ căn cứ vào hai nguồn tư liệu gốc gồm bộ sử biên niên đồ sộ của Quốc sử quán triều Nguyễn là Đại Nam thực lục được soạn thảo và in ấn dần dưới các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái và bộ hội điển đồ sộ ghi chép về các điển pháp, quy chuẩn và các dữ kiện liên quan đến tổ chức, hoạt động của triều đình do Nội các triều Nguyễn biên soạn theo chỉ dụ của hai vua Thiệu Trị, Tự Đức những năm 1843, 1846, 1850 và hoàn thành vào năm 1851 là Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ gồm 262 quyển.

Bên cạnh hai nguồn tư liệu gốc này, bài viết cũng có sự đối chiếu với với sách Đại Nam nhất thống chí cũng do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn nhưng ở giai đoạn muộn hơn, cùng các tư liệu chính thức đương thời từ phía người Pháp, đặc biệt là cuốn Histoire militaire de l'Indochine française des débuts à nos jours (juillet 1930) [Lịch sử quân sự Đông Dương từ khởi đầu đến 7/1930] được soạn thảo bởi các sĩ quan thuộc Tổng Tham mưu của Tư lệnh tối cao quân đội Đông Dương và sự chỉ đạo của Toàn quyền Đông Dương, được giới thiệu trong Triển lãm Thuộc địa Quốc tế tại Paris năm 1931[1].

1. Thành Điện Hải có bao nhiêu tên gọi?

Theo Đại Nam thực lục, vào tháng 2 năm Quý Dậu, Gia Long thứ 12 (1813), triều đình cho “đắp đài Điện Hải và bảo An Hải ở Quảng Nam (đài bên tả cửa biển Đà Nẵng, bảo ở bên hữu), sai Nguyễn Văn Thành đi coi công việc”[2]. Đến tháng 3 năm Giáp Ngọ, Minh Mạng thứ 15 (1834), đài Điện Hải (cùng với đài Trấn Hải ở Kinh sư và đài An Hải[3] ở Đà Nẵng) đều được đổi nâng lên làm thành[4].

Sau khi mất 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (1862) và 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ (1867), do tình thế chiến lược chiến tranh thay đổi, tầm quan trọng của hệ thống phòng thủ Đà Nẵng có giảm sút, nên Thành Điện Hải được triều đình đổi gọi là đồn Điện Hải. Không rõ chính xác tên gọi đồn Điện Hải được sử dụng chính thức từ năm nào, chỉ biết là vào tháng 8 năm Giáp Tý, Tự Đức thứ 17 (1864), đồn Điện Hải được đề cập trong Đại Nam thực lục sau khi triều đình rà soát lại việc phòng thủ ở Đà Nẵng, rằng: “Đồn bảo ở cửa biển ấy có 10 nơi, trong ấy có 7 nơi quan yếu (Điện Hải, An Hải, Hoá Khuê thuỷ, Hoá Khuê hạn, Mỹ Thị, Cẩm Lệ và Phúc Trạch), xin để lại lính và súng đóng giữ như cũ; còn 3 nơi không quan yếu lắm, lính và súng đều cho rút về và bãi bỏ”[5]. Sau ngày Kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn đi kháng chiến, đầu tháng 7, năm Ất Dậu (1885), quân Pháp đóng giữ cửa biển Đà Nẵng, có “150 viên danh đóng ở trong đồn Điện Hải”[6].

Như vậy, tên gọi đài Điện Hải bắt đầu từ năm 1813, đến năm 1834 mang tên Thành Điện Hải, rồi sau khi cuộc chiến ở Đà Nẵng chấm dứt lại hạ xuống là đồn Điện Hải, nhưng không có lúc nào được gọi là bảo Điện Hải. Việc một số bài báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như trong “Báo cáo kết quả khảo sát” của Dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải giai đoạn I (2017-2019), xin được gọi tắt là “Báo cáo khảo sát”, dùng từ “bảo Điện Hải” (ở trang 3) là thiếu cơ sở tư liệu.

2. Di tích Thành Điện Hải được xây dựng năm nào: 1822 hay 1823?

Lâu nay, giới học thuật cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng đều sử dụng mốc 1823 (Minh Mạng năm thứ 4) để nói về niên đại di tích Thành Điện Hải được xây bằng gạch. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi chính cơ quan Quốc Sử quán triều Nguyễn trong Đại Nam nhất thống chí có mô tả rằng: “Thành Điện Hải chu vi 139 trượng, cao 1 trượng 2 thước, hào sâu 7 thước, mở ba cửa, dựng một kỳ đài và 30 sở pháo đài. Năm Gia Long thứ 12 (1813) đắp đài ở tấn Đà Nẵng hơi gần bãi biển. Năm Minh Mạng thứ 4 (1823) dời đến chỗ hiện nay và xây bằng gạch”[7].

Tuy nhiên, nếu lục tìm trong hai bộ Đại Nam thực lụcKhâm định Đại Nam Hội điển sự lệĐại Nam nhất thống chí đã tham khảo để viết lại, chúng ta sẽ thấy có điểm cần bàn về mốc thời gian xây dựng.

Ở phần “Bộ Công”, Quyển 209: “Thành, đài”, trong mục “Thành đài ở các tỉnh”, Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ chép rằng: “Thành Điện Hải ở thôn Thạch Thang cảng Đà Nẵng, chu vi 139 trượng, cao 1 trượng 2 thước, xây gạch, 3 cửa, 1 kỳ đài, hào rộng 4 trượng 5 thước. Đắp năm Minh Mạng thứ 3”[8], nghĩa là xây năm 1822 chứ không phải năm 1823.

Thêm nữa, ở phần “Bộ Hộ”, Quyển 68: “Thuê mướn nhân công”, trong mục “Xây đắp thành, đài”, Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ còn nói rõ năm Minh Mạng thứ 4 (1823), có Dụ rằng: “Đài Điện Hải thuộc Quảng Nam xây vào khoảng năm Gia Long. Năm ngoái (tức 1822) đã căn cứ vào tình hình nơi đó... sai người đo đạc địa thế thời có thể dời đài đến dựng ở chỗ đất cao rộng xế về phía nam 50 trượng, mới mong bền vững được, quan dinh ấy đã khẩn thiết tâu về việc tính toán nhân công, vật liệu và xin đến ngày khởi công, phàm những dân phu phái đến xây dựng đài này, cứ mỗi tên mỗi tháng trả cho 3 quan tiền 1 phương gạo. Trong 51 tên dân phu, chuẩn cho đặt 1 viên đầu mục, mỗi tháng trả cho 3 quan rưỡi tiền, 1 phương gạo, và cứ 500 tên dân phu, cho đặt 1 tên quản lĩnh, tháng cấp cho 5 quan tiền 1 phương gạo”.

“Lại xuống Chỉ rằng, pháo đài Điện Hải, trừ những đá thềm đá lát là số còn lại, trước đã cho tải đến để xây không kể, còn thiếu bao nhiêu cho phép quan dinh liệu bắt lấy một trăm dân phu cùng với thợ đá đi đào lấy đá để xây dựng. Chuẩn cho kể bắt đầu từ ngày khởi công, mỗi tên mỗi tháng phát cho 1 quan tiền 1 phương gạo”[9]. Chi tiết này cũng thể hiện rõ mốc thời gian bắt đầu khởi công là năm 1822.

Tương tự như Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, trong Đại Nam thực lục, vào tháng 2 năm Quý Mùi, Minh Mạng thứ 4 (1823), cũng ghi rằng: “Dời đài Điện Hải ở Quảng Nam, bắt 5.000 người dân làm việc, hằng tháng cấp tiền gạo (mỗi người mỗi tháng cấp 3 quan tiền 1 phương gạo. Mỗi 50 người đặt 1 người đầu mục, mỗi tháng cấp 3 quan 5 tiền, 1 phương gạo ; mỗi 500 người, đặt 1 quản lĩnh, mỗi tháng cấp 5 quan tiền, 1 phương gạo). Sai Phó đô thống chế Tả dinh quân Thần sách là Nguyễn Văn Trí và Tham tri Binh bộ là Nguyễn Khoa Minh trông coi công việc”.

“Dụ rằng: Đầu đời Gia Long xây đắp đài này, công việc buổi đầu, người trông coi lại không được giỏi, cho nên không được kiên cố. Lại thêm gần sát bờ biển, nước biển xói mòn, ngày càng sụt lở, từng đã đóng cọc xây đá, mà sóng nước mạnh dữ, sức người khó chống. Trẫm thấy đặt đài này là để củng cố bờ biển, giữ mạnh thế nước, há có thể sợ khó nhọc ngại tốn phí mà để đấy không hỏi đến sao? Nay sai người ngắm đo hình thế, nên dời về phía nam hơn 50 trượng là chỗ đất cao rộng mà xây. Lại đặt một pháo đài ở núi nhỏ phía đông trạm Nam Chân[10] gọi là pháo đài Định Hải, núi ấy cũng gọi là núi Định Hải. Kịp khi hai đài làm xong (đài Điện Hải cao 12 thước, ngoài quách cao 7 thước; pháo đài Định Hải cao 5 thước 8 tấc. Trong đài đều dựng nhà quân trú phòng và kho thuốc đạn), thưởng Văn Trí 50 lạng bạc, 2 tấm sa, 1 tấm đoạn và 2 lần kỷ lục; Khoa Minh 30 lạng bạc, 2 tấm sa, 1 lần kỷ lục. Sai binh vệ Tín trực đóng giữ đài Điện Hải, binh đội nhất cơ Quảng Nam đóng giữ pháo đài Định Hải”[11].  Chi tiết này cho chúng ta biết việc xây dựng đài Điện Hải đến tháng 2 năm Quý Mùi, Minh Mạng thứ 4 (1823) thì hoàn tất, chứ không phải là bắt đầu xây dựng (một số bài viết và cả trong “Báo cáo khảo sát” cũng dẫn chi tiết này (ở trang 3) nhưng theo nghĩa là bắt đầu xây dựng vào năm 1823).

Công việc xây dựng đài Điện Hải thực tế diễn ra trong nhiều tháng, chứ không chỉ một vài tháng, thậm chí đến tháng giêng năm Ất Dậu, Minh Mạng thứ 6 (1825), vua còn “sai dinh thần thuê 1.000 người dân gánh những đất thừa ở đài Điện Hải đến đồn Hà Thân, hằng ngày cấp cho tiền gạo”[12].

Như vậy, căn cứ vào những thông tin đã dẫn từ hai nguồn tư liệu gốc của Quốc Sử quán triều Nguyễn và Nội các triều Nguyễn, có thể khẳng định việc xây đài Điện Hải bằng gạch và lát đá được khởi công từ năm Minh Mạng thứ 3 (1822), hoàn tất vào đầu năm Minh Mạng thứ 4 (1823). Đó là cơ sở mà các bài viết, dự án cần có sự điều chỉnh cho thỏa đáng khi đề cập đến mốc thời gian xây dựng di tích này.

3. Di tích Thành Điện Hải có được xây lại vào năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) ?

Nói về lịch sử xây dựng và kiến trúc Thành Điện Hải, nhiều bài viết và cả trong “Báo cáo khảo sát” (ở trang 4) đều cho rằng Thành Điện Hải được xây sửa lại vào năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Thông tin này khá phổ biến bởi lẽ chính Quốc Sử quán triều Nguyễn trong Đại Nam nhất thống chí đã chép rằng: “Thành Điện Hải... năm Minh Mạng thứ 4 (1823) dời đến chỗ hiện nay và xây bằng gạch, năm thứ 15 (1834) đổi làm thành, năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) xây lại”[13].

Vậy Thành Điện Hải thực tế có được xây lại vào năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) hay không?

Dựa vào hai bộ Đại Nam thực lụcKhâm định Đại Nam Hội điển sự lệĐại Nam nhất thống chí đã tham khảo để viết lại, chúng ta thấy lịch sử sửa sang Thành Điện Hải cụ thể như sau:

Đối với Thành Điện Hải cũ sát cửa biển (lúc ấy gọi là đài), vào tháng 2 năm Giáp Tuất, Gia Long thứ 13 (1814), triều đình từng “sai Đô thống chế Tống Phước Lương lấy 500 người dân Quảng Nam sửa đắp đài Điện Hải”.[14]

Đối với Thành Điện Hải mới dời dựng (lúc ấy còn gọi là đài), vào tháng 5 năm Ất Dậu, Minh Mạng thứ 6 (1825), do có chỗ sụt lở nên vua “phát lính và thợ sửa chữa, viên thủ đài và dinh thần đều phải giáng phạt”.[15] Năm sau, Minh Mạng thứ 7 (1826), “lại chuẩn y lời tâu cho bọn thợ xây, thợ lợp nhà cộng một trăm đứa phái đến tu bổ Điện Hải Đài, được phát mỗi tên mỗi tháng 2 quan tiền 1 phương gạo”[16].

Sau này nâng từ đài Điện Hải sang Thành Điện Hải, vào tháng 7 năm Canh Tý, Minh Mạng thứ 21 (1840), vua cho Tả tham tri Bộ Lễ gia hàm Tham tri sung biện việc Nội các là Nguyễn Tri Phương quyền thự Tuần phủ Nam - Ngãi vào lo việc khảo sát để củng cố hệ thống phòng thủ Đà Nẵng, đặc biệt là 2 thành An Hải, Điện Hải và pháo đài Phòng Hải. Nguyễn Tri Phương đến lỵ sở, đi xem hình thế, dâng sớ xin đổi xây pháo đài ở đảo Mỏ Diều hình tròn, đường kính 9 trượng, 2 tầng trên dưới đài thành đặt 27 cỗ súng lớn, dựng kho thuốc súng, kho lương, trại lính ở trong đài, định lại quy cách phát tín hiệu cờ ở pháo đài Phòng Hải, kỳ đài An Hải, nhưng không chỉnh sửa gì ở Thành Điện Hải vì đã kín kẽ[17].

Tháng 3 năm Đinh Mùi, Thiệu Trị thứ 7 (1847), vua lấy “Chưởng vệ Tân Lộc tử Mai Công Ngôn thự Tổng đốc Nam - Ngãi, Lang trung Đào Trí Phú thự Bố chính Quảng Nam, Phó vệ uý vệ Nhị Hữu bảo Mai Điền đổi bổ Phó vệ uý vệ Cấm binh, gia hàm Lãnh binh tỉnh Quảng Nam, quản chiếu thành đài quân Thuỷ sư và công việc đồn cửa Đà Nẵng”, hợp cùng “với Phó vệ uý vệ Trung dinh Thần cơ là Nguyễn Quý, thự Lang trung bộ Binh là Vũ Duy Ninh xem xét chỗ vụng Trà Sơn, chỗ nào nên dựng pháo đài, luỹ đài đặt cỗ súng, mà có thể chế ngự được bọn Tây dương, thì nhất nhất vẽ thành bản đồ, nói cho minh bạch”.[18]

Sang tháng 4 năm Đinh Mùi, Thiệu Trị thứ 7 (1847), “vua chú ý đến việc phòng thủ mặt biển, sai quan tỉnh Quảng Nam là bọn Mai Công Ngôn xem xét hình thế chỗ vụng Trà Sơn, đặt thêm nữ tường ở đài thành, khen bắn súng ở pháo đài; lại ở tả hữu nơi Diên Chuỷ và Trà Sơn, xây dựng 7 đồn, sai bọn Lãnh binh Giáp Văn Tân và Mai Điền chuyên đốc việc ấy, Cấp sự trung Nguyễn Thước đến ngay để kiểm biện. Từ lãnh binh, quản vệ, quản cơ đến phủ huyện và biền binh, ai phải đóng lâu để làm việc, đều thưởng trước một tháng lương bằng tiền. Đồn xây dựng xong từ đồn thứ 1 đến đồn thứ 7 kéo liền đặt tên là đồn Trấn Dương”[19]. Đến tháng 7 năm Đinh Mùi, Thiệu Trị thứ 7 (1847), tỉnh Quảng Nam dâng sớ xin dựng thêm kho thuốc súng và nhà cho quân ở tại các đồn Trấn Dương. Vua nói: “Những nơi ấy, nên xét kỹ hình thế, dựa vào núi mà làm, để phòng những sự quan ngại khác”. Lại chuẩn cho vát 4.000 cân thuốc súng ở Kinh, tải đến giao cho các đồn ấy chứa sẵn”[20].

Sau 2 lần tàu hải quân Pháp đến gây hấn ở Đà Nẵng, tháng 2 năm Đinh Tỵ, Tự Đức thứ 10 (1857), Khâm phái Trấn Dương quân vụ là Đào Trí “đem công việc trù liệu về việc trấn áp Tây dương dâng lên: Một khoản xin đặt bảo Trấn Dương ở đỉnh núi, chia đặt 20 cỗ xe súng đại bác. Một khoản xin từ thành An Hải đến chân núi Trà Sơn, từ Thành Điện Hải đến cảng Thanh Khê, đắp luỹ cát rồi trồng cây gai góc che lấp. Một khoản xin triệt bớt 2 bảo đệ nhất và đệ nhị đi. Sớ tâu lên, chuẩn cho lũ Đào Trí, Nguyễn Duy về Kinh đợi chầu hầu”[21]. Tháng 6 năm Đinh Tỵ, Tự Đức thứ 10 (1857), Khâm sai là Tôn Thất Cáp tuân đem việc bàn tính nên làm ở đồn Đà Nẵng lập thành điều khoản tâu lên, cho rằng: Cửa biển Đà Nẵng ở Quảng Nam là nơi bờ biển quan trọng, những bảo nhất, nhị, tam, tứ đặt thêm, xin nên để như cũ (4 bảo ấy, gần đây Đào Trí, Trần Hoằng đã xin bỏ bớt, nhưng lập một bảo lớn ở trên đỉnh núi). Lại nói: Về phía bắc Thành Điện Hải, bên ngoài luỹ cát, cát biển bồi ngầm gần đến giữa vụng, xin đắp 1 cái pháo đài ở chỗ ấy, để cho đến khi có bắn súng lớn, sức đạn đi mới được thừa thãi, mà đài với thành liền nhau, điều độ cũng dễ được việc. Chuẩn giao cho 3 bộ Hộ, Binh, Công họp bàn. Xin theo lời tâu của Cáp. Duy có việc xin lập pháo đài ở chỗ bãi cát mới bồi ngầm, công trình to lớn, lại bãi cát mới nổi chưa tiện khởi công, xin nên đợi sau sẽ làm. Vua y cho[22].

Qua lịch sử tu bổ liên quan đến Thành Điện Hải suốt 4 triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (tính đến trước ngày liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược), nếu không kể thời Gia Long tu sửa đài Điện Hải bằng đất cũ xây từ năm 1813, thì chỉ thấy 2 đợt tu sửa, xây cất thêm ở Thành Điện Hải bằng gạch xây từ năm 1822/1823, diễn ra vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825) và rõ ràng nhất là năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Những công việc xây dựng của triều đình tại Đà Nẵng năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) chỉ xoay quanh việc đo đạc thiết lập bản đồ phòng thủ và xây dựng hệ thống các đồn Trấn Dương thất bảo trên núi Sơn Trà, chứ không đụng gì đến Thành Điện Hải (vì thấy không còn chỗ khiếm khuyết nào).

Như thế, những người viết Đại Nam nhất thống chí đã có sự nhầm lẫn khi tham khảo Đại Nam thực lụcKhâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, với việc chuyển nội dung xây cất thêm ở Thành Điện Hải từ Minh Mạng năm thứ 7 (1826) sang Thiệu Trị năm thứ 7 (1847), gây ngộ nhận cho người chỉ sử dụng tư liệu trong Đại Nam nhất thống chí. Điều đó có nghĩa là niên đại của di tích Thành Điện Hải hiện nay gắn liền với mốc xây dựng các năm 1822/1823 và mốc tu sửa, xây cất thêm vào các năm 1825/1826, không có niên đại muộn vào năm 1847.

4. Chu vi và các chỉ số chiều cao thành, hào của di tích Thành Điện Hải là bao nhiêu?

Về chu vi và các chỉ số chiều cao thành, hào của Thành Điện Hải, ở phần “Bộ Công”, Quyển 209: “Thành, đài”, trong mục “Thành đài ở các tỉnh”, sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ cho biết khá chi tiết là Thành Điện Hải có chu vi 139 trượng, cao 1 trượng 2 thước, hào rộng 4 trượng 5 thước[23]. Sách Đại Nam thực lục nói thành Điện Hải cao 12 thước, ngoài quách cao 7 thước[24]. Còn trong Đại Nam nhất thống chí thì mô tả Thành Điện Hải chu vi 139 trượng, cao 1 trượng 2 thước, hào sâu 7 thước[25].

Cả 3 công trình của triều Nguyễn đều nói về chiều cao của thành một cách thống nhất là 1 trượng 2 thước (tức 12 thước), 2 công trình cùng nói về chu vi thành là 139 trượng, còn lại mỗi công trình cung cấp một chi tiết là ngoài quách cao 7 thước, hào rộng 4 trượng 5 thước, sâu 7 thước.

Nhiều bài viết trên hệ thống thông tin đại chúng và cả “Báo cáo khảo sát” (ở trang 3) đã dựa vào số liệu nói trên, nhất là từ Đại Nam nhất thống chí, để quy đổi ra đơn vị mét tây, nên thường viết là chu vi Thành Điện Hải 556m, tường cao hơn 5m, hào sâu hơn 3m. Cách tính này cho thấy các tác giả đã quy đổi đơn vị đo chiều dài 1 trượng = 4,0m, 1 thước = 0,40m.

Vậy, chu vi thành và các chỉ số chiều cao thành, hào do triều Nguyễn xây dựng là bao nhiêu khi quy đổi thành đơn vị mét?

Theo những kết quả nghiên cứu về đơn vị đo lường thời Nguyễn đã được kiểm chứng, đơn vị đo chiều dài đất đai của Việt Nam lúc ấy là 1 trượng = 4,7m, 1 thước = 47cm, 1 tấc = 4,7cm, 1 phân = 4,7mm, 1 ly = 0,47mm. Dù sau khi mất độc lập, vào 02/6/1897 Toàn quyền Đông Dương ra sắc lệnh quy định, kể từ ngày 01/01/1898, trên địa bàn Bắc Kỳ thống nhất tất cả các loại thước đo thành một, quy đổi tương đương 1 thước = 0,40m, 1 trượng = 4m, nhưng Trung Kỳ không hề ảnh hưởng và tất nhiên cách tính của chúng ta với các con số đo đạc về Thành Điện Hải được ghi chép trong công trình của triều Nguyễn cũng vẫn theo truyền thống là 1 thước = 47cm. Theo đó:

Chu vi thành 139 trượng = 653,3m

Chiều cao thành (thành trong) 1 trượng 2 thước = 5,64m

Chiều cao quách (thành bao quanh hào) 7 thước = 3,29m

Chiều rộng hào 4 trượng 5 thước = 21,15m

Chiều sâu hào 7 thước = 3,29m

Đây là những quy đổi cần bàn về chuyên môn, mọi nhầm lẫn cần phải được đính chính để tránh sự sai sót khi phục hồi hay tôn tạo di tích..

5. Kiến trúc Thành Điện Hải gồm những bộ phận nào?

Về mặt kiến trúc, Thành Điện Hải được cấu trúc từ 3 bộ phận chính: Thành (thành trong) - hào - quách (thành ngoài). Lối kiến trúc này ở trong gọi là thành [城], ở ngoài gọi là quách [郭], giữa là hào nước, nên người xưa thường gọi chung là thành quách [城 郭] và được dùng trong thuật ngữ chuyên môn.

Việc mô tả, ghi chép các số liệu về đo đạc của Thành Điện Hải trong các công trình của triều Nguyễn nói trên cũng hết sức tách bạch, rõ ràng với cả 3 bộ phận cấu thành.

Do vậy, khi viết nghiên cứu hoặc xây dựng dự án, cần gọi đúng thuật ngữ chuyên môn gắn với di tích kiến trúc quân sự cổ, tránh việc hiện đại hóa, dân sự hóa và trở nên xa lạ về chuyên môn khi dùng thuật ngữ “kè”, “tường kè”, “kè hào” như “Báo cáo khảo sát” đã sử dụng (ở trang 6, 7).

6. Thành Điện Hải có 2 hay 3 cửa?

Thực tế hiện nay cũng như các sơ đồ được thiết lập bởi người Pháp năm 1888 thể hiện thành Điện Hải có 2 cửa ở phía Nam và phía Đông.

Tuy nhiên, căn cứ vào các tư liệu của triều Nguyễn được cấu thành cho đến thời vua Tự Đức, cả Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệĐại Nam nhất thống chí đều ghi rõ thành mở 3 cửa. Vậy Thành Điện Hải lúc xây dựng thực sự có 3 cửa hay chỉ 2 cửa?

Dựa vào quy mô, địa thế, hướng chính của thành và lối kiến trúc được xây dựng, nhiều khả năng có cửa thứ 3 ở mặt tây của thành. Sự “biến mất” nếu có của cửa thành phía Tây có thể diễn ra trong trong giai đoạn chiến sự ở Đà Nẵng kết thúc đến trước năm 1888, khi Thành Điện Hải hạ cấp thành đồn, số binh lính đồn trú, vũ khí được triều đình rút xuống và ngân sách Nhà nước không còn đủ để duy trì hoạt động duy tu bảo dưỡng cho đội quân lưu trú. Những lần đốt phá Thành Điện Hải của quân Pháp khi chiến sự còn diễn ra ác liệt và cả sự phá bỏ nhiều công trình Thành Điện Hải của quân đội Pháp trong giai đoạn chiếm đóng từ tháng 9 năm 1885 đến năm 1888 cũng là một khả năng phải được xem xét.

Đây là một nghi vấn cần được khảo sát, cân nhắc kỹ, bởi khả năng sai sót từ ghi chép, mô tả của các cơ quan chuyên trách của triều Nguyễn không cao.

7. Cột cờ của di tích Thành Điện Hải ở vị trí nào?

Do sự hủy hoại của chiến sự và sự cố tình tiêu hủy, phá bỏ của quân đội Pháp, kỳ đài của Thành Điện Hải nay không còn dấu vết.

Tuy nhiên, căn cứ vào quy định của triều Nguyễn, có thể khẳng định kỳ đài Thành Điện Hải xưa nằm ở mặt nam của thành, hướng vào trong nội địa. Đại Nam thực lục cho biết rằng, từ tháng 10 năm Giáp Thân, Minh Mạng thứ 5 (1824), triều đình quy định: “Trong thành của các thành dinh trấn đạo phủ huyện cùng trong các đài Trấn Hải, Điện Hải, Định Hải đều dựng cùng đài cờ và cột cờ ở phía nam thành hay đài và chế cờ vàng, phàm gặp những ngày khánh đản, nguyên đán và rằm mồng một thì treo lên để tỏ lễ nghi pháp độ, sai bộ Công bàn và gửi kiểu mẫu để thi hành. Đài Trấn Hải và đài Điện Hải tuy không ví được như các trấn, nhưng trấn giữ bờ biển nên cũng theo như lệ các trấn. Đài cờ mặt trước theo hình thế thành, mặt sau rộng 4 trượng (18,8m), tả hữu đều 3 trượng 5 thước (16,45m), cao 6 thước (2,82m). Cột cờ đoạn dưới dài 3 trượng 9 thước (18,33m), đoạn trên dài 2 trượng 6 thước 5 tấc (12,455m), lá cờ dài 1 trượng 1 thước (5,17m), ngang 7 thước 2 tấc (3,384m)[26].

Đến tháng 6 năm Tân Mão, Minh Mạng thứ 12 (1831), định lại quy thức “Kỳ đài các trấn thành mặt sau rộng 3 trượng 2 thước (15,04m), bên tả bên hữu đều rộng 2 trượng 7 thước (12,69m), cao 6 thước (2,82m). Cột cờ: đoạn dưới 3 trượng 2 thước 5 tấc (15,275m), đoạn trên 2 trượng 3 thước (10,81m); trừ chỗ giáp nhau mất 5 thước 5 tấc (2,585m), tất cả còn cao 5 trượng (23,5m). Các kỳ đài ở Trấn Hải, An Hải, Điện Hải và Biện Sơn cũng theo như thế”[27]. Về chi tiết cột cờ, Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ còn cho biết cụ thể hơn nữa là: “Cây cờ đoạn dưới dài 3 trượng 2 thước 5 tấc, thân giữa kính rộng 8 tấc, đoạn trên mặt dày đều 4 tấc 5 phân; gốc dưới dày đều 9 tấc, đoạn trên dài 2 trượng 3 thước, trên ngọn kính rộng 2 tấc 7 phân, gốc dưới mặt dày đều 5 tấc 5 phân. Trừ chỗ mặt trên dưới giáp nhau 5 thước 5 tấc, ngoài ra tổng số cao 5 trượng; 2 tấm ván kẹp mỗi tấm dài 1 trượng 1 thước, mặt 1 thước 5 tấc, dày 3 tấc 5 phân[28].

Với nguyên bản mặt thành chính nằm ở phía nam, gắn liền với kỳ đài của thành theo trục hướng nam trong một thể thống nhất với kiến trúc thành quách trên cả nước theo quy định của triều Nguyễn như thế, việc phục hồi, tôn tạo di tích gắn liền với kỳ đài cần được xem xét và cân nhắc thận trọng, bởi nếu làm thay đổi hướng chính trong kiến trúc của di tích thì giá trị bảo tồn của nó sẽ ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng.

8. Quân Pháp rút khỏi Thành Điện Hải và Đà Nẵng vào lúc nào?

Sau gần 19 tháng tiến hành xâm lược ở Đà Nẵng để mở đường tấn công Kinh đô Huế bất thành, kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của liên quân Pháp -Tây Ban Nha thất bại, đội quân xâm lược buộc phải rời khỏi Đà Nẵng để thực hiện kế hoạch đánh lâu dài, bắt đầu từ Nam Kỳ lục tỉnh.

Nhiều bài viết trên các thông tin đại chúng và cả “Báo cáo khảo sát” (ở trang 5) đã đưa ra mốc tháng 8/1860 hoặc 21/9/1860.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của chúng tôi và nhiều học giả đã công bố trên các diễn đàn hội thảo khoa học và tạp chí nghiên cứu, mốc chấm dứt chiến tranh tại Thành Điện Hải cũng như toàn Đà Nẵng là ngày 23/3/1860. Có thể đưa ra hai căn cứ chính thống của cả hai phía để làm cơ sở khoa học và chứng lý lịch sử cho cái mốc này:

Trong công trình được biên soạn năm 1930 bởi các sĩ quan thuộc Tổng Tham mưu của Tư lệnh tối cao quân đội Đông Dương Aubert và đặt dưới sự chỉ đạo của Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier, đồng thời được giới thiệu trong Triển lãm Thuộc địa Quốc tế tại Paris năm 1931, có nhan đề là Histoire militaire de l'Indochine française des débuts à nos jours (juillet 1930) [Lịch sử quân sự Đông Dương từ khởi đầu đến 7/1930], quân đội Pháp ghi rõ ngày rút quân hoàn toàn khỏi Đà Nẵng là 23/3/1860[29].

Về phía triều Nguyễn, Đại Nam thực lục cũng khẳng định đầu tháng 3 năm Canh Thân, Tự Đức thứ 13 (dương lịch là từ 22/3 đến 20/4/1860), “phái viên của Tây dương đốt các đồn sở Trà Sơn, An Hải, Điện Hải, đem hết cả thuyền quân ở Trà úc kéo đi. Vua dụ sai quan quân thứ Quảng Nam tính kỹ để phòng bị ; và các địa phương có bờ biển canh phòng, phải phòng giữ cho nghiêm”[30].

Như vậy, không có trận đánh ngày 20/4/1860 và không có mốc rút quân khỏi Đà Nẵng vào 21/9/1860 như “Báo cáo khảo sát” và một số bài báo đã đề cập.

III. KẾT LUẬN

Qua những câu chuyện lịch sử được dựng lại từ các nguồn tư liệu gốc của triều Nguyễn và cả phía người Pháp, có mấy vấn đề cần đặt ra để giải quyết khi khảo sát và xây dựng các phương án về bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị của di tích Thành Điện Hải như sau:

Thứ nhất, trong nhận thức và tư tưởng chủ đạo về bảo tồn, phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cần có sự nhất quán trên cơ sở không làm thay đổi kết cấu nguyên bản, không làm biến dạng di tích do thiếu căn cứ tư liệu.

Thứ hai, về lịch sử xây dựng Thành Điện Hải, niên đại của di tích hiện nay, chu vi và các thông số chiều cao thành, hào cần được mô tả, thể hiện chính xác dựa vào những tư liệu gốc có kiểm chứng, đối chiếu và tổng hợp; tránh trích dẫn và quy đổi thiếu khoa học, để giảm thiểu những thông tin chưa chính xác về di tích trước công luận, tăng tính thuyết phục cho thuyết minh dự án.

Thứ ba, về kiến trúc Thành Điện Hải, cần có khảo sát và nghiên cứu kỹ hơn đối với cả 3 bộ phận thành, hào và quách; xác minh lại hệ thống cửa thành là 2 hay 3 cửa để tránh mâu thuẫn với tư liệu gốc mà không có kiến giải hợp lý; xác minh lại vị trí, quy cách xây dựng của kỳ đài cũng như trục chính của kiến trúc để bảo đảm dự án phục hồi không làm biến dạng kiến trúc nguyên bản, làm mất giá trị lịch sử và kiến trúc của di tích.

Thứ tư, cần sử dụng thuật ngữ chuyên môn gắn với kiến trúc truyền thống, tên gọi truyền thống kèm theo giải thích hoặc ghi chú nếu thấy cần thiết cho người đọc dễ hiểu. Tránh dân sự hóa và hiện đại hóa thuật ngữ kiến trúc cổ; không gọi là “kè hào”, “tường kè hào” mà gọi đúng là “quách” kèm ghi chú là tường thành ngoài cho dễ hiểu.

Thứ năm, Thành Điện Hải không chỉ là một kiến trúc quân sự điển hình thời trung đại, mà còn là di tích lịch sử, văn hóa quan trọng của quốc gia thời cận đại, gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc vẻ vang chống Tây xâm của dân tộc giữa thế kỷ XIX; nên cần được nghiên cứu và đặt trong bối cảnh của cuộc chiến tranh được viết lại một cách đầy đủ, chính xác hơn về giá trị của nó, gắn liền với cả mặt trận Đà Nẵng - Quảng Nam và cả nước.

Cuối cùng, rất mong đài báo và các nguồn thông tin đại chúng tiếp cận được những kết quả nghiên cứu của giới khoa học nhiều hơn, từ đó đem đến cho công chúng những thông tin đúng đắn và chính xác hơn về Thành Điện Hải, ngõ hầu giảm thiểu những kiến thức chưa chuẩn nhưng đã đi vào lòng người, gây ngộ nhận cho xã hội, tạo tách biệt trong nhận thức giữa giới khoa học và quần chúng nhân dân về Thành Điện Hải./. 

                                                                          N.Q.T.T

 


[1] Aubert (1930), Histoire militaire de l'Indochine française des débuts à nos jours (juillet 1930), Établie par des officiers de l'État-Major du Général de Division Aubert, Commandant Supérieur des Troupes du Groupe de l'Indochine - Monsieur Pierre Pasquier, étant Gouverneur Général de l'Indochine, Tome I & II, Imprimerie d’Extrêmme-Orient, Hanoi-Haiphong, Exposition Coloniale Internationale de Paris de 1931.

[2] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch (2002), Đại Nam thực lục, tập I, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr. 857.

[3] Đài An Hải được xây lại bằng gạch từ năm 1830.   

[4] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch (2007), Đại Nam thực lục, tập IV, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr. 137.

[5] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch (2007), Đại Nam thực lục, tập VII, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr. 868.

[6] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch (2007), Đại Nam thực lục, tập IX, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr. 149.

[7] Quốc Sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, bản dịch của Viên Sử học, tập 2, tái bản lần thứ hai, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 432.

[8] Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, bản dịch của Viện Sử học, tập 13, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 141.

[9] Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch của Viện Sử học, tập 5, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 546-547.

[10] Sau là Nam Ổ.

[11] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch (2007), Đại Nam thực lục, tập II, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr. 263-264.

[12] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch (2007), Đại Nam thực lục, tập II, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr. 394.

[13] Quốc Sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, bản dịch của Viên Sử học, tập 2, tái bản lần thứ hai, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 432.

[14] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch (2002), Đại Nam thực lục, tập I, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr. 878.

[15] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch (2007), Đại Nam thực lục, tập II, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr. 430.

[16] Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, bản dịch của Viện Sử học, tập 5, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 548.

[17] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch (2007), Đại Nam thực lục, tập V, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr. 758-760.

[18] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch (2007), Đại Nam thực lục, tập VI, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr. 989-990.

[19] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch (2007), Đại Nam thực lục, tập VI, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr. 1002.

[20] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch (2007), Đại Nam thực lục, tập VI, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr. 1045.

[21] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch (2007), Đại Nam thực lục, tập VII, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr. 491.

[22] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch (2007), Đại Nam thực lục, tập VII, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr. 508.

[23] Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, bản dịch của Viện Sử học, tập 13, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 141.

[24] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch (2007), Đại Nam thực lục, tập II, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr. 263-264.

[25] Quốc Sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, bản dịch của Viên Sử học, tập 2, tái bản lần thứ hai, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 432.

[26] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch (2007), Đại Nam thực lục, tập II, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr. 380-381.

[27] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch (2007), Đại Nam thực lục, tập III, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr. 190-191.

[28] Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, bản dịch của Viện Sử học, tập 13, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 497-498.

[29] Aubert (1930), Histoire militaire de l'Indochine française des débuts à nos jours (juillet 1930), Établie par des officiers de l'État-Major du Général de Division Aubert, Commandant Supérieur des Troupes du Groupe de l'Indochine - Monsieur Pierre Pasquier, étant Gouverneur Général de l'Indochine, Tome I & II, Imprimerie d’Extrêmme-Orient, Hanoi-Haiphong, Exposition Coloniale Internationale de Paris de 1931, p. 27.

[30] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch (2007), Đại Nam thực lục, tập VII, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr. 625.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT