Giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải

TS.KTS Hoàng Đạo Cương - TS.CN Tạ Quốc Khánh

Viện Bảo tồn di tích

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Di tích Thành Điện Hải nằm trên khu đất hình tứ giác được bao quanh bởi con đường Trần Phú ở phía Đông, đường Nguyễn Chí Thanh ở  phía Tây, đường Lý Tự Trọng ở phía Bắc và đường Quang Trung ở phía Nam, thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Thành Điện Hải là một di tích văn hóa - lịch sử quốc gia.

Sau khi thống nhất đất nước và lên ngôi, năm 1813 vua Gia Long tuần du đến Quảng Nam, vua Gia Long đã cho xây dựng trên địa phận làng An Hải, ở hữu ngạn sông Hàn một thành bằng đất (gọi là bảo An Hải). Đến năm 1830, dưới thời vua Minh Mạng, bảo này được xây dựng lại bằng gạch nên gọi là đài An Hải và được tiếp tục sửa chữa, củng cố vào năm 1847 dưới thời vua Thiệu Trị. Vì thành  này nằm ở phía Đông sông Hàn nên người Pháp gọi là Fort de l ’Est (pháo đài phía Đông).

Cũng vào năm 1813, vua Gia Long cho xây dựng ở tả ngạn sông Hàn một thành bằng đất ở gần bờ biển, gọi là bảo Điện Hải. Năm 1823, vua Minh Mạng cho dời về vị trí hiện nay, trên đất làng Thạch Thang, xứ Tràm Trẹm, xây lại bằng gạch và gọi là đài Điện Hải, đến năm 1834 gọi là thành Điện Hải. Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) sửa lại thành. Thành nằm ở phía Tây sông Hàn nên người Pháp gọi là Fort de l ’Ouest (pháo đài phía Tây).

Về việc sửa thành, sách “Đại Nam Thực Lục Chính Biên” của triều Nguyễn đã viết: “Tháng 2 năm Quý Mùi, Minh Mạng thứ tư (1823). Dời đài Điện Hải ở Quảng Nam, bắt 5000 người dân làm việc hàng tháng, cấp tiền gạo (mỗi người cấp 3 quan tiền, 1 phương gạo. Mỗi 50 người đặt 1 người  đầu  mục, mỗi tháng cấp 3 quan, 5 tiền, 1 phương gạo; mỗi 500 người đặt 1 quản  lính, mỗi tháng cấp 5 quan tiền, 1 phương gạo). Sai Phó Đô thống chế Tả dinh quân Thần sách là Nguyễn Văn Tri và Tham tri Bộ binh là Nguyễn Khoa Minh trông coi công  việc.

Dụ rằng: “Đầu đời Gia Long xây đắp đài này, công việc buổi đầu, người trông coi lại không được giỏi, cho nên không được kiên cố. Lại  thêm gần sát bờ biển, nước biển xói mòn, ngày càng sụt lở, từng đã đóng cọc, xây đá mà sóng nước mạnh dữ, sức người khó chống. Trẫm thấy đặt đài này là để củng cố bờ biển, giữ mạnh thế nước, há có thể sợ khó nhọc, ngại tốn phí mà để đấy không hỏi đến sao! Nay sai người ngắm đo hình thế, nên dời về phía Nam hơn 50 trượng là chỗ đất cao rộng mà xây[1]. Đại Nam thực lục cho biết, thành khi xây lại vào năm 1823 có chiều cao 12 thước, ngoài quách cao 7 thước[2].

Sách “Đại Nam Nhất Thống chí” đã viết về Thành Điện Hải: “Thành  Điện hải ở phía Đông huyện Hòa Vang, phía tả biển Đà Nẵng: chu vi 139  trượng, cao 1 trượng 2 thước, hào sâu 7 thước, có 2 cửa, một kỳ đài, 30 ụ súng lớn. Năm Gia Long thứ 12 (1813) đài đắp ở cửa Đà Nẵng gần mé biển. Năm Minh Mạng thứ 4 (1823) dời đến đây xây bằng gạch. Năm thứ 15 (1834) cải làm thành. Năm Thiệu Trị  thứ 7 (1847) xây sửa  lại...[3].

Thành Điện Hải được xây dựng theo kiểu Vauban, có dạng hình vuông với bốn góc lồi hình cong.. Theo số đo hiện nay thì tường thành cao hơn 5m, chu vi 556m, hào sâu hơn 3m và có 2 cổng ở phía Nam và phía Đông. Thành có hai lớp tường cách nhau bởi các con hào và thành ngoài cao hơn thành trong, bốn góc thành hơi nhô ra. Cổng thành lớn, bằng gỗ, lối vào thành qua một cây cầu gạch bắc qua hào nước. Trong thành, các nhà được xây dựng bằng gỗ lợp ngói; Ngoài các nhà ở cho tướng lĩnh và binh sĩ còn có kho vũ khí và đạn, kho lương thực, xưởng đúc đại bác, sửa chữa súng, hành cung và kỳ đài.

Kết cấu gạch khối lớn của thành đảm bảo tính ổn định, tính bền vững bằng kỹ thuật xây và vật liệu truyền thống.... Tường thành được xây theo kết cấu tường chắn 2 lớp trong - ngoài, giữa lèn đất. Cổng thành và cầu dẫn vào thành được làm dạng vòm cuốn. Kỹ thuật xây của thợ xưa rất chuẩn mực về kích thước, hình dạng và tính đối xứng cao.

Trong cuộc đối đầu lần thứ nhất giữa quân ta và Liên quân Pháp - Tây Ban Nha ngày 1-9-1858, Thành Điện Hải bị pháo kích và bị hư hại một phần. Trong cuộc chiến vào ngày 20-4-1859,Thành Điện Hải rơi vào tay quân Pháp. Năm 1860, quân đội Pháp rút khỏi Thành Điện Hải. Sau đó, vua Tự Đức đã chỉ dụ sửa lại Thành Điện Hải và thành An Hải và cho đổi tên là đồn Điện Hải và đồn An Hải.

Sau khi bình định xong nước ta, năm 1888, Toàn quyền Đông Dương Richaud đã ép buộc Triều đình Huế nhượng Đà Nẵng cho Pháp. Trước sức ép của quân Pháp, vào ngày 30-11-1888, vua Đồng Khánh ký đạo dụ nhường đất Đà Nẵng để thành lập thành phố Đà Nẵng, nhượng địa của Pháp. Quân đội Pháp đã lấy đồn Điện Hải để xây dựng Bệnh viện quân y (Hôpital militaire) của Pháp, chữa bệnh cho sĩ quan và binh lính Pháp ở khu vực Trung Kỳ. Quân Pháp đã xây dựng và cải tạo thêm nhiều hạng mục công trình trong thành..

Sau Cách mạng tháng 8-1945, Bệnh viện của Pháp bị đóng cửa, một số thiết bị y tế và thuốc men chuyển về Bệnh viện thành phố của ta.

Sau khi chiếm lại Đà Nẵng, từ tháng 12-1945 đến tháng 7-1954 bệnh viện của Quân đội Pháp tiếp tục được đóng ở đây.

Đến tháng 7-1954, nơi đây được sử dụng làm trường Trung học Pháp Đà Nẵng (Lycée francaise de Tourane) và lấy bệnh viện của quân đội Pháp làm trường sở. Về sau, trường này đổi tên là Lycée Blaise Pascal (Trường Trung học Blezơ Paxcan) dạy bằng tiếng Pháp. Dưới thời Chính phủ Bảo Đại, trường này được trao lại cho Việt Nam chuyển dần sang dạy tiếng Việt và gọi là Trường Trung học Nguyễn Hiền. Người ta đã dựng thêm một dãy nhà lắp ráp ngoài Thành Điện Hải để làm lớp  học.

Đến đầu năm 1974, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập Đại học cộng đồng Quảng Đà, lấy địa điểm trường Trung học Nguyễn Hiền làm cơ sở giảng dạy.

Thành phố Đà Nẵng được giải phóng ngày 29-3-1975, chấm dứt hoạt động của Đại học Cộng Đồng. Cơ sở Đại học Cộng Đồng đã được Xưởng Dược và bệnh viện Da Liễu Quảng Đà tiếp nhận.

Ngày 4-2-1976, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng ra quyết định thành lập tại đây Xí nghiệp Dược của tỉnh. Đến năm 1977, việc xuất khẩu dược phẩm sang Liên  Xô và Đông Âu tăng lên, Xí nghiệp Dược bắt đầu chỉnh trang và xây dựng mới một số công trình trong thành..

Năm 1981, UBND Quảng Nam - Đà Nẵng sát nhập Xí nghiệp Dược, Trạm nghiên cứu Dược liệu, Công ty dược phẩm trong tỉnh để thành lập Xí nghiệp Liên hiệp Dược Quảng Nam - Đà Nẵng. Đến tháng 1-1997, Xí nghiệp Liên hiệp Dược Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành Xí nghiệp Dược Trung ương V.

Năm 1988, Thành Điện Hải được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Ngày 10-11-2004, UBND Thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt kế hoạch tổng thể tôn tạo di tích Thành Điện Hải và các hạng mục liên quan nhằm phục vụ cho khách tham quan, du lịch. Xí nghiệp dược Trung ương V chuyển đến một địa điểm mới ở quận Thanh Khê.

Năm 2004, cơ quan nhà đất đã tiến hành việc giải tỏa khu dân cư lấn chiếm phía Tây Thành Điện Hải, các nhà nằm sát tường của Thành Điện Hải phải lùi lại từ 15-20m; cơ quan Bảo tàng Đà Nẵng đã thực hiện việc xây lại 172,5m mét tường thành bị sụt lở, nạo vét 1800m3 đất ở các hào bị lấp. Năm 2006, một phần các hạng mục như hào nước, tường thành, cầu, cổng được tu bổ, phục hồi.

Tóm lại, tuy bị chiến tranh, thời gian, những biến động tàn phá nghiêm trọng nhưng Thành Điện Hải vẫn còn giữ được một số thành phần kiến trúc cho phép có thể hình dung được quy mô cũng như kiến trúc của thành. Đó là một thuận lợi cho công tác bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị.

Về phương án bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải

Việc bảo tồn, tu bổ phục hồi di tích Thành Điện Hải không chỉ nhằm bảo tồn một di tích lịch sử có giá trị mà việc làm này còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh giành độc lập dân tộc của cha ông cho các thế hệ mai sau.

Đà Nẵng là một thành phố giàu tiềm năng, đặc biệt về du lịch. Thành  Điện Hải sau khi được tu bổ phục hồi và tôn tạo sẽ là điểm nhấn đáng chú ý về lịch sử, văn hóa, phát huy giá trị trong việc khai thác tiềm năng du lịch - với ý nghĩa như một công viên lịch sử - văn hóa.

Tuy nhiên, để công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị đạt hiệu quả, cần có những giải pháp tổng thể, khoa học, đồng bộ. Cụ thể:

1. Trước hết, cần phải có thêm những khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng về loại hình thành Vauban cùng thời được xây dựng ở nước ta. Lưu ý, Thành Điện Hải là loại thành tỉnh (không phải Kinh thành) nên ta có thể tham khảo mẫu hình thành Vauban ở các tỉnh Bắc Ninh, Sơn Tây… Đây là 2 ngôi thành tỉnh cùng thời, còn giữ được khá nguyên vẹn về mặt bằng, hệ thống hào nước, cộng với đó còn nhiều ảnh tư liệu lưu trữ nên có thể tham khảo.

2. Cần tiến hành quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu thành với diện tích vùng lõi gẩn 3 ha và vùng mở rộng nghiên cứu với diện tích phù hợp. Phạm vi quy hoạch cần được cân nhắc kỹ lưỡng đảm bảo cho di tích diện tích phù hợp về quy mô (so với diện tích gốc ban đầu), một vùng đệm cảnh quan hài hòa bao quanh (khu vực điều chỉnh về xây dựng). Quy mô quy hoạch cần cân nhắc để vừa đạt được mục tiêu ưu tiên là bảo tồn và ít tác động đến khu vực xung quanh, cân nhắc đến những khó khăn về đền bù giải phóng mặt bằng để quy hoạch mang tính thực tiễn, khả thi. 

3. Vì các hạng mục nguyên gốc trong thành đều đã mất nên cần hết sức thận trọng khi phục hồi và phải nghiên cứu kỹ tư liệu, đối chiếu các bản vẽ, bản ảnh lưu trữ; đối chiếu với các ghi chép trong chính sử. Khi chưa có đủ tư liệu phục hồi thì nên làm các khu vườn hoa tạo cảnh, không nên xây dựng những công trình mới, sai lạc dấu tích gốc (vọng lâu, kho đạn, trại lính, nhà quản cư,...).

4. Trước khi tiến hành phục hồi 1 hạng mục trong phạm vi thành nội, bắt buộc phải có khảo sát, khai quật khảo cổ học và phải lập thành dự án, do đơn vị chuyên môn chủ trì. Mọi phát hiện khảo cổ học đều phải lập thành hồ sơ và làm căn cứ khoa học để đưa ra các giải pháp phục hồi sau này… Một số công trình nên tiến hành phục hồi sau khi có các nghiên cứu kỹ lưỡng là tường thành, hào thành, kỳ đài, các cổng, ...

5. Khi tham khảo những công trình cùng thời cần lưu ý dựa trên những công trình nguyên gốc; ví như muốn dựng kỳ đài cần tham khảo kiến trúc kỳ đài thành tỉnh (Bắc Ninh, Sơn Tây) hiện vẫn còn tư liệu hình ảnh. Không nên tham khảo kỳ đài thành Hà Nội vì tuy còn nguyên vẹn nhưng kỳ đài Hà Nội và kỳ đài thành Huế là dạng kỳ đài 3 cấp; khác với những kỳ đài thành tỉnh vốn chỉ có 2 cấp.

6. Có thể tiến hành xây mới một số các công trình phục vụ để phát huy tác dụng như nhà trưng bày, nhà bia, nhà hành chính - quản lý nhưng cần cân nhắc về vị trí xây dựng, quy mô, hình thức kiến trúc phù hợp.

7. Cùng với các thảm cây cỏ, cần nghiên cứu và xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ để di tích phát huy tác dụng như các đường đi thăm quan, hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, ...

Trên đây là những ý kiến tham luận của Viện bảo tồn di tích - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, thành phố Đà Nẵng sẽ thực hiện các bước tiếp theo để bảo tồn và phát huy giá trị di tích quan trọng Thành Điện Hải./.

 


[1] Đại Nam thực lục - Nxb Giáo Dục 2006 - Tập 2 - trang 263 - 264.

[2] Đại Nam thực lục -Nxb Giáo Dục 2006 - Tập 2 - trang 264.

[3] Đại Nam nhất thống chí - Nxb Thuận Hóa 2006 - Tập 2 - trang 432

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT