Trùng tu, tôn tạo Thành Điện Hải, đôi điều suy nghĩ

Nhà nghiên cứu Hà Phước Mai

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng

Thành phố Đà Nẵng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo lớn vào các năm tròn nhân kỷ niệm 140, 150 và 155 năm ngày Quân dân Đà Nẵng đi đầu kháng Pháp (1858 - 1860 ). Một trong những nội dung của các Hội thảo đó đã nêu bật vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Thành Điện Hải, thành lũy tiền tiêu đương đầu với tàu to, súng lớn của giặc Pháp nhưng vẫn hiên ngang đứng vững và tồn tại đến ngày nay, được xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 1988, và nay đang đệ trình hồ sơ xin xếp hạng Di tich Quốc gia đặc biệt .

Hội thảo lần này Ban tổ chức đã ra đầu bài rỏ ràng cụ thể là: Giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải. Qua nghiên cứu và trải nghiệm thực tiễn của nhiều năm làm công tác Bảo tàng, tôi xin đóng góp trực tiếp vài ý kiến sau đây:

          1. Về không gian Thành Điện Hải

          Có ít nhất một tường thành nữa ngoài hai tường thành đã phục dựng hiện nay?  

          Đầu những năm 2000, Bảo tàng Đà Nẵng có nhiều đợt khảo sát Thành Điện Hải, ngoài việc khai quật thu gom một số khẩu súng thần công và nhiều quả đạn nằm trong lòng đất Thành Điện Hải, chúng tôi phát hiện một nền móng với chủng loại gạch, vôi vữa như nguyên gốc với thành cố về hướng Tây Bắc, cách bờ thành ngoài từ 5 đến 10 mét. Một chi tiết khác là vào năm 2010, khi mở rộng khu nhà Câu lạc bộ Thái Phiên, phía Đông Bắc Thành Điện Hải, người ta đã phá đi một khối lượng lớn nền móng, tường gạch nguyên gốc với vật liệu của cổ thành. Để khẳng định có phải có một lớp tường thành hay công trình phụ nào khác của Thành Điện Hải, tôi xin kiến nghị sau khi giải tỏa các hộ dân chung quanh thành, cần tổ chức ngay công tác thám sát khảo cổ học để khẳng định thêm không gian Thành Điện Hải, vừa tìm thêm các súng thần công còn bị chôn lấp quanh chân thành.

          2. Phục dựng “Chiến lũy Nguyễn Tri Phương”

Với cách đánh đối đầu trực diện với quân Pháp có tàu to, quân đông, hải pháo có độ chính xác, sức công phá và sát thương lớn, còn quân ta được trang bị vũ khí thô sơ như gươm giáo, súng hỏa mai, còn súng thần công lấy tiếng nổ để thị uy là chính, tính chính xác và sát thương không cao; Quan quân lại tập trung trong thành hứng chịu các trận đánh phá của địch, nên ở trận đầu tiên vào đầu tháng 9 và đợt tấn công thứ 2 vào tháng 11/1858, quan quân triều đình đã chịu tổn thất nặng nề, có trận hy sinh đến hai vị tướng quân, đến nổi vua Tự Đức phải than rằng “Quân đã có, cứu viện lại không có, một quan tướng đã khó tìm, huống chi chết đến hai, há phải đau lòng lắm sao!”. Với tài thao lược của một một danh tướng, sau khi khảo sát, đúc rút kinh nghiệm chiến trường, Thống chế Nguyễn Tri Phương đã tâu vua Tự Đức kế sách: “ Bên họ đánh thì lợi, bên ta thủ thì hơn, bây giờ nên giữ cho vững để tìm cách đánh lại, đắp thêm đồn lũy dần dần mới xông lên”.

Ngoài việc xây thêm một số đồn lũy ở phía Tây tả ngạn sông Hàn, Thống chế Nguyễn Tri Phương đã cho đắp một chiến lũy kéo dài từ góc Đông Bắc Thành Điện Hải chạy sát mé sông bao quanh các đồn Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián. Dọc theo các chiến lũy là các hố sâu đào theo kiểu chữ “phẩm” để quân lính ẩn núp, bên ngoài là hào cắm đầy chông, bên trên ngụy trang bằng phên tre và đắp cỏ. Một sĩ quan Pháp lúc bấy giờ đã ước lượng chiến lũy này dài hơn 3km. Với việc thay đổi chiến thuật quân sự từ đối đầu trực diện sang phục kích, đánh úp, thoát ẩn, thoát hiện đã kìm chân được quân Pháp và gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.

Với nhiều chỉ dụ anh minh của vua Tự Đức, đặc biệt là nhờ chiến lũy Nguyễn Tri Phương đã tạo bước ngoặc trên chiến trường đánh Pháp. Có thể nói đây là nét son trong nghệ thuật quân sự đầy mưu trí của cha ông ta thời bấy giờ!

Để minh chứng cho sự việc này, năm 2002, trong chuyến công tác sang Pháp, tôi lục tìm trong thư viện của Viện Viễn Đông Bác Cổ một số bản đồ Thành Điện Hải, trong đó có một bản đồ vẽ nguyên trạng chiến lũy Nguyễn Tri Phương, dù thời gian vẽ cách đó 30 năm, tức năm 1888 khi Đà Nẵng đã trở thành thành phố nhượng địa.

Nay, không còn cơ hội để phục dựng nguyên trạng chiến lũy Nguyễn Tri Phương bởi sự án ngữ to đùng của Trung tâm hành chính mà không biết đời kiếp nào mới di dời giải tỏa được, vậy nên cần làm một sa bàn phục dựng chiến lũy để  tạo một điểm nhấn chính yếu của đường dây trưng bày của Bảo tàng Thành Điện Hải!

          3. Cân nhắc việc phục dựng tất cả các công trình quân sự trong Thành Điện Hải

Một nguyên tắc trong tùng tu, tôn tạo di tích là nếu không đảm bảo tính nguyên gốc, chân xác, chưa đủ căn cứ khoa học thì chưa nên làm! Dẫu biết rằng những công trình cơ bản trong một thành quách quân sự là: Kỳ đài, Chỉ huy sở, nhà quan trấn thủ, trại lính, kho quân lương, kho súng đạn, xưởng sửa chữa quân khí, nhà quân y… Vậy có nên phục dựng lại tất cả công trình trong nội thành khi chưa có căn cứ khoa học như trong báo cáo dự án Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Thành Điện Hải của Phân viện khoa học công nghệ xây dựng Miền Trung? Tôi nghĩ rằng chưa nên và phải cần có thời gian để nghiên cứu và tìm thêm tư liệu về vấn đề này.

Tuy nhiên khi thăm một số công trình thành cổ có niên đại trên vài trăm năm của một số nước, họ chỉ phục dựng những công trình chính yếu theo nguyên gốc, còn các công trình phụ họ chỉ khôi phục nền móng và đặt bảng thuyết minh.

          Về kỳ đài: May mắn Bảo tàng Đà Nẵng có một bản vẽ sau khi quân Pháp hạ Thành Điện Hải của một họa sĩ người Pháp. Bức tranh mô tả thành bị phá tan hoang sau chiến trận. Nhà sụp đổ, súng thần công nghiên ngã, khung cảnh hoang tàn, cảnh quân Pháp tiến vào thành. Duy chỉ có kỳ đài là hiên ngang đứng vững, Kỳ đài là một trụ cột cao hơn mái nhà. Do vậy nên phục dựng lại kỳ đài với hình dáng như cũ, không bê nguyên xi cột cờ thành Hà Nội hay cột cờ thành Sơn Tây với khối trụ bê tông to lớn hình lục giác sơn màu đỏ chói vào đây sẽ phá vỡ cảnh quan chung .

          4. Đến đây, tôi xin kiến nghị 

Sau khi di dời Bảo Tàng Đà Nẵng, phá bỏ ngôi nhà vời hình dạng không giống ai này, chỉ nên xây khối nhà chính với quy mô vừa phải theo kiến trúc nhà triều Nguyễn, tường gạch, mái âm dương, trong đó đảm bảo hai chức năng: Không gian tưởng niệm các Tướng Sĩ và đồng bào hy sinh trong buổi đầu chống Pháp. Không gian trưng bày với chức năng bảo tàng các tư liệu, hiện vật lịch sử giai đoạn kháng Pháp 1858 - 1860.

          5. Một đề xuất

Không làm nhà vệ sinh cho du khách trong khuôn viên Thành Điện Hải.

Đây là mãnh đất linh thiêng. Những tháng ngày đầu chống trả các đợt tấn công của quân Pháp, ở mặt trận này có ít nhất 5000 Tướng sĩ, gồm 3000 quân của Tổng Đốc Nam Ngãi Trần Hoằng và sau đó là 2000 quân chi viện của Hữu quân Đô thống Lê Đình Lý, con số còn tăng thêm ở các năm tiếp theo. Riêng Thành Điện Hải sau khi hứng chịu 3 đợt tấn công của quân địch, hàng ngàn nghĩa sĩ đã hy sinh tại đây. Máu của họ đã chảy tràn ngọn cỏ trong thành, xương của họ đã vùi lấp trong từng tấc đất. Tôn kính người đã bỏ mình vì nước, không thể làm các công trình vệ sinh tập thể để du khách phóng uế lên mãnh đất này !

Ai đi đến đất nước Nhật đều biết, ở đền thờ Minh Trị Thiên Hoàng, bên trong không có một công trình vệ sinh nào. Tất cả các công trình vệ sinh cho du khách đều bố trí ở bãi đậu xe hay đầu lối đi vào và cách cổng chính từ 300 - 500 mét !

Hội thảo này mục đích bàn kế sách, bảo tồn, tôn tạo và tôn vinh giá trị thiêng liêng của Thành Điện Hải, đây cũng là nén hương tạ lỗi với tiền nhân. Có những việc sửa sai ngay được, có việc phải trông chờ các thế hệ tiếp sau./.

                                                                                                    H.P.M

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT