Hệ thống đường sắt thành phố Đà Nẵng
Đăng ngày 09-06-2020 11:02, Lượt xem: 8635

Tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua thành phố có chiều dài khoảng 30km, với các ga Đà Nẵng, Thanh Khê, Kim Liên, Hải Vân Nam. Ngoài các chuyến tàu Bắc – Nam, ga Đà Nẵng còn có thêm những chuyến tàu địa phương đáp ứng lượng khách rất lớn giữa các tỉnh, Đà Nẵng – Huế, Đà Nẵng – Quảng Bình, Đà Nẵng – Vinh, Đà Nẵng – Quy Nhơn, Đà Nẵng – TP. Hồ Chí Minh.

Dấu ấn lịch sử về hệ thống đường sắt của thành phố:

Với sắc luật ngày 25-12-1898, người Pháp mở công trái thu hút 200 triệu Phơrăng để thực hiện dự án xây dựng đoạn đường sắt Nha Trang – Đà Nẵng – Quảng Trị. Năm 1906 tuyến Đà Nẵng – Huế hoàn thành với những thành công phi thường chui qua đèo Hải Vân và ra tới Đông Hà (Quảng Trị) năm 1908.

Với sắc lệnh ngày 22-2-1931, người Pháp triển khai xây dựng đoạn đường sắt dài 532 km từ Đà Nẵng tới Nha Trang, được khởi công tháng 11-1931. Đây là đoạn cuối cùng của tuyến đường sắt xuyên Việt được hoàn thành vào tháng10-1936.

Nằm trong hệ thống đường sắt xuyên Việt, nhà ga chính của Đà Nẵng (Gare de Tourane central) được xây dựng vào năm 1905 ở ngay giữa trung tâm thành phố (đường Lagrie, ngôi nhà này bị bom Đồng Minh đánh sập năm 1944). Vì nhà ga chính nằm quá xa các kho tàng nên do sức ép của giới chủ tư sản, chính quyền thành phố đã xây dựng thêm một nhà ga phụ nữa nằm ngay bờ sông Hàn với những bãi đỗ rộng rãi và kho tàng thuận lợi cho việc chuyển tải hàng hóa từ cảng Tiên Sa chuyển sang tả ngạn sông Hàn. Nhà ga này được gọi là Ga Chợ Hàn (Gare de Tourane Marché), từ năm 1943 chuyên chở cả hành khách.

Bước vào đầu thế kỷ này, tuy Hội An đã sa sút và Đà Nẵng ngày càng phát triển, nhưng mối quan hệ giữa hai đô thị này vẫn còn chặt chẽ, nhu cầu giao tiếp đòi hỏi sự cần thiết phải khắc phục tình trạng con sông Cổ Cò bị vùi lấp, đi lại rất khó khăn. Con sông đào Vĩnh Điện nối hai đô thị này bằng một đoạn đường dài hơn đã không thay thế được. Vào thời điểm đó, chính quyền thuộc địa đã đưa ra dự án xây dựng một tuyến đường sắt từ cảng Tiên Sa chở hàng thẳng tới Hội An dọc theo những triền cát và Ngũ Hành Sơn, hơn nữa thành phố cũng đang bành trướng dần sang hữu ngạn sông Hàn.

Ngày 9-10-1905 tuyến đường xe lửa kiểu Decauville được khai thông với 05 chặng đỗ và mỗi ngày 03 chuyến. Tuy nhiên cùng với sự sa sút  của Hội An, sự vươn dậy của Đà Nẵng nên nhu cầu vận chuyển giữa hai đô thị này cũng ngày một giảm sút. Hơn nữa tình trạng bị gió cát vùi lấp khiến hoạt động của tuyến đường này ngày càng khó khăn và ít hiệu quả. Đến cơn bão năm Thìn (1916) thì tuyến đường này hoàn toàn bị tê liệt. Trước tình trạng ấy, khâm sứ Trung Kỳ đã ra nghị định cho phép phát mãi các thiết bị còn lại của tuyến đường sắt này vào năm 1917.


Ga Đà Nẵng - ẢNH: SƯU TẦM

Ga Đà Nẵng ngày nay:

Ga Đà Nẵng nằm trên địa bàn quận Thanh Khê, đây là ga trung tâm và là đầu mối giao thông đường sắt chính của thành phố Đà Nẵng. Diện tích đất của ga và các công trình liên quan là 24ha, chiếm 2,6% diện tích đất toàn quận, hàng ngày khoảng 20 lượt tàu, với lượng hành khách và hàng hóa rất lớn. Ga Đà Nẵng hiện có 13 đường (4 đường đón gửi, 6 đường tập kết, 2 đường xếp dỡ và 1 đường sửa chữa), diện tích nhà ga 1000 m2.

Từ khi khánh thành đến nay, ga Đà Nẵng được sửa chữa và xây dựng nhiều lần nên không còn dấu vết của lối kiến trúc xưa. Ga Đà Nẵng nằm trong nội thị thành phố, là một trong những ga lớn và tốt nhất miền Trung và cũng là một trong những ga quan trọng nhất trên tuyến đường sắt Bắc – Nam. Tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua thành phố có chiều dài khoảng 30 km, với các ga Đà Nẵng, Thanh Khê, Kim Liên, Hải Vân Nam. Hàng tuần có khoảng 30 chuyến tàu hỏa từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng. Từ ga Đà Nẵng, hành khách có thể mua vé đến tất cả các ga trong cả nước. Ngoài các chuyến tàu Bắc – Nam, ga Đà Nẵng còn có thêm những chuyến tàu địa phương đáp ứng lượng khách rất lớn giữa các tỉnh, thành Đà Nẵng – Huế, Đà Nẵng – Quảng Bình, Đà Nẵng – Vinh, Đà Nẵng – Quy Nhơn, Đà Nẵng – Tp. Hồ Chí Minh.

Cùng với tầm vóc phát triển của thành phố lớn nhất miền Trung, nhà ga Đà Nẵng hiện nay khá khang trang, sạch đẹp; có phòng đợi lên tàu với sức chứa khoảng 200 người được trang bị đầy đủ tiện nghi cùng nhiều dịch vụ phục vụ hành khách như: nhà hàng ăn uống, điện thoại công cộng, quầy bán sách báo, khu vực vệ sinh,... đảm bảo đáp ứng nhu cầu của hành khách trong và ngoài nước khi đến ga Đà Nẵng.


Ngoài các chuyến tàu Bắc – Nam, ga Đà Nẵng còn có thêm những chuyến tàu địa phương đáp ứng lượng khách rất lớn giữa các tỉnh, thành Đà Nẵng – Huế, Đà Nẵng – Quảng Bình, Đà Nẵng – Vinh, Đà Nẵng – Quy Nhơn, Đà Nẵng – Tp. Hồ Chí Minh. ẢNH MINH HỌA

Ngoài ra, vấn đề an ninh trật tự, an toàn của hành khách cũng là một yếu tố quan trọng luôn được ga Đà Nẵng đặt lên hàng đầu. Taxi nhà ga được bố trí đầy đủ nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách và được kiểm soát chặt chẽ để không diễn ra nạn chèo kéo, tranh giành khách, góp phần tạo dựng ấn tượng đẹp về thành phố trong lòng du khách thập phương ngay khi đặt chân đến Đà Nẵng.

Định hướng phát triển của ga Đà Nẵng:

Trong định hướng phát triển hạ tầng giao thông và đô thị, Đà Nẵng ưu tiên phát triển vận tải khách công cộng. Theo kế hoạch, sẽ di dời nhà ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố và xây dựng ga đường sắt mới nằm trên trục Tây Bắc số 2 (thuộc phường Hòa Khánh Nam). Đồng thời, nghiên cứu xây dựng mạng lưới tàu điện ngầm nhằm giảm dần phương tiện giao thông cá nhân trong nội thành, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành thành phố phát triển hiện đại, bền vững.

CỔNG TTĐT TP

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT