“Vấn đề sử dụng hóa chất trong chế biến thực phẩm; quản lý thực phẩm tại các chợ, kinh doanh rượu bia và các sản phẩm nông – lâm – thủy sản đã qua chế biến; công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, quản lý thức ăn đường phố...”, là những vấn đề chính được đề cập tại Hội thảo “An toàn thực phẩm đối với sức khỏe con người” do Liên hiệp các Hội KH&KT TP Đà Nẵng phối hợp với Sở Y tế, Sở Công thương và Sở NN&PTNT tổ chức ngày 10-5.
Chưa an tâm về ATTP
Tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) diễn biến phức tạp, công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm gặp nhiều khó khăn và thách thức. Các vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước xảy ra liên tục, có xu hướng tăng lên về số lượng và quy mô. Theo ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực phẩm trong trồng trọt; sử dụng chất cấm, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm không cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản làm cho nguy cơ thực phẩm bị nhiễm bẩn ngày càng tăng. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất, chế biến, giết mổ không đảm bảo vệ sinh, không tuân thủ theo đúng quy định là nguy cơ làm cho thực phẩm bị nhiễm bẩn. Các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng vẫn còn trôi nổi trên thị trường khó kiểm soát hết được... Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra chưa đạt được chất lượng theo yêu cầu, từng nơi, từng lúc vẫn còn qua loa, đại khái. Việc xử lý vi phạm về VSATTP chưa thực sự nghiêm khắc... Từ những thách thức, tồn tại trên cho thấy công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn xảy ra ngộ độc thực phẩm là rất lớn.
Ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT TP cho biết, trong năm 2016, kết quả thanh tra của ngành NN&PTNT TP Đà Nẵng đã phát hiện 20/27 mẫu măng và dưa cải có chứa chất Vàng ô, 9/10 mẫu chả thịt có chứa chất phụ gia bảo quản thực phẩm Natribenzoat,... Đồng thời, lực lượng Quản lý thị trường (Sở Công thương) qua kiểm tra đã phát hiện 519 vụ vi phạm về VSATTP, xử phạt với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng... “Việc quản lý VSATTP vẫn chưa đạt được như mong đợi và nhân dân vẫn chưa an tâm về VSATTP. Hạn chế lớn nhất trong công tác quản lý VSATTP là việc xử phạt thiếu tính răn đe... Do vậy tình trạng vi phạm VSATTP trong sản xuất, kinh doanh, việc sử dụng các chất bảo vệ thực vật, chất tăng trưởng, phụ gia bị lạm dụng không đúng thành phần, quy trình... đang là vấn đề xã hội rất quan tâm”, ông Huỳnh Phước nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Thái Dương, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP cho rằng, tâm trạng của nhân dân hiện nay vẫn chưa an tâm về VSATTP. Bởi, các loại thực phẩm sản xuất, nuôi trồng, chế biến trong nước và nhập khẩu ngày càng nhiều và đa dạng chủng loại nhưng việc quản lý nhà nước và tính chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân chưa cao nên nguy cơ tiềm ẩn mất VSATTP phổ biến. Việc sử dụng các chất bảo vệ thực vật, chất tăng trưởng, phụ gia bị lạm dụng không đúng thành phần, quy trình, hàng nhái, hàng giả, quảng cáo không đúng sự thật, hóa chất tồn dư, tích tụ, ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, các bệnh do thực phẩm gây nên không chỉ là bệnh cấp tính do ngộ độc thức ăn mà còn là bệnh mãn tính do nhiễm và tích tụ các chất độc hại gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể trong đó có bệnh tim mạch, ung thư...
Cảnh sát Môi trường CATP Đà Nẵng kiểm tra số sụn gà không có nguồn gốc xuất xứ, không có chứng nhận kiểm dịch.
Nghiêm trị các cơ sở vi phạm về VSATTP
Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng và môi trường Việt Nam, hằng năm có hơn 5.000 trường hợp nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật phải cấp cứu tại bệnh viện và có hơn 300 trường hợp tử vong (do ngộ độc cấp tính) vì lượng hóa chất tồn đọng quá cao trong thực phẩm... GS.TS Đào Hùng Cường – Chủ tịch Hội hóa học Đà Nẵng cho rằng, rau muống nếu trồng trong môi trường bình thường cần thời gian khoảng 20 ngày mới có thể thu hoạch, nhưng nếu phun thêm thuốc kích thích siêu tốc, chỉ cần 2 ngày là có rau đem bán. Nhưng có lẽ hãi hùng hơn cả là quy trình “tắm” thuốc cho rau muống sử dụng công thức “hóa chất + nhớt thải” là bí kíp để thu lời nhanh nhất. Nhớt và nước rửa chén có mùi hôi để ngăn ngừa rầy. Ngoài ra, nhớt thải còn làm cho thân cây rau mềm, lá xanh tươi nhìn đẹp mắt hơn... Đặc biệt nguy hiểm hơn là việc sử dụng các hóa chất độc hại không được phép trong chế biến và bảo quản. Cụ thể, để tạo màu mát mắt cho nhiều loại hạt ngũ cốc, nhuộm măng tươi, thức ăn gia súc, người ta dùng chất Vàng ô, một hóa chất nhuộm màu được sử dụng rất phổ biến trong công nghiệp nhưng cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm vì độc tính gây nôn, tiêu chảy, tổn thương gan, thận, gây hôn mê, có tiềm năng gây ung thư ở động vật...
Theo GS Cường, mặt trái của hóa chất là độc hại. Hóa chất dùng để bảo vệ thực vật, bảo quản thực phẩm lại càng độc hại. Vì nó độc nên mới tiêu diệt được côn trùng, nấm mốc, vi sinh vật... gây hại cho cây trồng, vật nuôi và các sản phẩm thực phẩm. Do vậy, cần xem các hóa chất dùng bảo vệ thực vật, bảo quản thực phẩm là chất độc hóa học – một mặt hàng kinh doanh có điều kiện đặc biệt. Và người buôn bán, lưu thông, lưu trữ, sử dụng tràn lan mà không cần có chứng chỉ đào tạo, không có chuyên môn nghiệp vụ như hiện nay một mặt gây khó khăn rất lớn cho các nhà quản lý, mặt khác tạo điều kiện hết sức thuận lợi để các chất độc phát tán ra môi trường, gây ô nhiễm đến VSATTP. “Vậy nên siết chặt hơn nữa điều kiện đối với người kinh doanh buôn bán, lập các tổ, nhóm tự quản hóa chất bảo vệ thực vật, bảo quản thực phẩm trong từng thôn, xóm có thể là một giải pháp tăng thêm tính hiệu quả sử dụng và giảm thiểu sự ô nhiễm, mất an toàn của loại mặt hàng này. Đảm bảo VSATTP là một cuộc chiến khốc liệt giữa cái ác và cái thiện, giữa sức khỏe và bệnh tật, giữa sự tồn tại bền vững và sự diệt vong nhanh chóng. Đã đến lúc nhân tâm, trách nhiệm vì sự trường tồn phát triển của dân tộc trong mỗi con người, của mỗi con người cần được phát huy”, GS.TS Cường nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Thái Dương cho rằng, để bảo vệ sức khỏe nhân dân, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành luật VSATTP, đấu tranh lên án các hành vi vi phạm VSATTP, phát giác, tố giác các biểu hiện sai phạm VSATTP đến cơ quan chức năng xử lý. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, biểu dương các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến chấp hành tốt và nghiêm trị các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về VSATTP...
Theo Báo Công an Đà Nẵng