Thành phố Đà Nẵng đã xây dựng đề án xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường các hồ nội thành nhằm thực hiện đồng thời các giải pháp với lộ trình cụ thể để khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường xung quanh hồ. Đồng thời, sẽ tạo không gian xanh và mỹ quan đô thị cho thành phố để trở thành các điểm vui chơi, giải trí cho người dân.
Tạo không gian xanh
Ông Nguyễn Văn Lộc (trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cùng nhiều người dân sống gần hồ Xuân Hòa A đang rất phấn khởi, kỳ vọng sau khi thành phố có chủ trương xử lý ô nhiễm, tạo cảnh quan, không gian xanh khu vực này. “Vừa không có ô nhiễm, vừa có không gian xanh cho bà con dân cư ở đây vui chơi thì ai cũng mong cả” - ông Lộc chia sẻ thêm.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có tổng số 47 hồ, trong đó riêng địa bàn huyện Hòa Vang có 19 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích chứa 33 triệu m3, nằm biệt lập và hiện ít chịu tác động bởi các nguồn thải.
Do vậy, trong phạm vi đề án chỉ tập trung phân tích, đề xuất các giải pháp xử lý ô nhiễm tại 28 hồ nội thành. Đây là những hồ có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của thành phố nhưng đang chịu tác động bởi quá trình đô thị hóa của thành phố trong thời gian qua.
Thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai đề án xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường các hồ nội thành
Cũng theo đề án, giai đoạn 2021-2025: Từng bước kiểm soát chất lượng nước các hồ trên địa bàn, tập trung cải thiện chất lượng môi trường ở các hồ đã ô nhiễm; kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước tại các hồ đang sử dụng để cấp nước sinh hoạt cho thành phố. Hoàn thiện hệ thống cống bao ở một số hồ trong nội thành, nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom đảm bảo ngăn nước thải vào các hồ…Tạo không gian xanh và mỹ quan đô thị cho thành phố để trở thành các điểm vui chơi, giải trí cho người dân.
Giai đoạn 2025-2030: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cống bao, nâng cấp cải tạo hệ thống thu gom xung quanh hồ đô thị còn lại. Xây dựng các hồ đô thị trở thành hồ sinh thái và đảm bảo khai thác triệt để vai trò điều hòa thoát nước vào mùa mưa. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các dự án kết hợp cải tạo các hồ trên địa bàn trở thành nơi vui chơi, giải trí, thu hút du lịch.
Kiểm soát được tình trạng xả nước thải, chất thải vào hồ, tách riêng nước mưa đợt đầu ra khỏi hồ. Chất lượng nước các hồ nội thành được xử lý và đáp ứng QCVN 08-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước mặt theo các mục đích sử dụng xác định.
Các hồ không được san lấp
Đồng thời, UBND TP Đà Nẵng cũng đã phê duyệt danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn. Theo đó, các hồ gồm: Hồ Đồng Nghệ; Hòa Trung; Hố Cau; Đồng Tréo; Hố Trảy; Hố Lăng; Phú Túc; An Nhơn cùng của xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng); hồ Hòa Khê; Hố Gáo; truông Đá Bạc; Hố Thung; Hố Cái của xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng); hồ Trước Đông; Trường Loan; Tân An; Diêu Phong; Hốc Gối của xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng); hồ Hóc Khế của xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) và các hồ có chức năng phục vụ sản xuất nông nghiệp, chống hạn, điều tiết nước khác.
Cùng với việc xử lý ô nhiễm, các hồ cũng sẽ được tạo không gian xanh và mỹ quan đô thị cho thành phố để trở thành các điểm vui chơi, giải trí cho người dân
Các ao, hồ trong khu vực đô thị không được san lấp: Hồ đình làng Hải Châu; hồ Đảo Xanh; hồ Đò Xu của quận Hải Châu. Hồ công viên 29/3; hồ Thạc Gián; hồ Vĩnh Trung; hồ Xuân Hòa A; hồ Phần Lăng 1; hồ Bàu Làng; hồ điều tiết phường An Khê; hồ 2 ha của quận Thanh Khê. Hồ Xanh của quận Sơn Trà. Ao bàu Cung; bàu Rộc Nô; bàu Dừa; hồ Bá Tùng; hồ điều tiết ku căn cứ K20; hồ điều tiết làng SOS của quận Ngũ Hành Sơn.
Hồ bàu Vàng; hồ vườn dừa; hồ điều tiết; hồ cảnh quan; hồ Trung Nghĩa 1,2; hồ Hòa Phú; hồ Phước Lý; hồ bàu Sấu; hồ bàu Tràm của quận Liên Chiểu.
Hồ điều tiết khu dân cư Hòa Thọ; hồ điều tiết khu tái định cư bắc nút giao thông Hòa Cầm; hồ điều tiết khu dân cư Phong Bắc 2; hồ điều tiết E1, E2; E2 mở rộng; hồ điều tiết khu C; đầm bàu Gia Thượng. Và các ao, hồ, đầm, phá có nguồn gốc tự nhiên khác được giao cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tại các quận.
Căn cứ danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp được phê duyệt, hằng năm Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện, đơn vị liên quan tổ chức rà soát, điều tra, đo đạc các số liệu liên quan để tham mưu UBND TP điều chỉnh, bổ sung dach mục không được san lấp trên địa bàn.
PHÚC TƯỜNG