Thực hiện hiệu quả công tác phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Đăng ngày 21-10-2024 07:11, Lượt xem: 164

Để cùng thành phố thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng thành phố môi trường”, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, là lực lượng nòng cốt trong thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, giám sát công tác triển khai phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại khu dân cư,... Qua đó, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và đề xuất của người dân về hoạt động phân loại rác thải.

Theo đó, Hội LHPN thành phố thành lập đoàn giám sát làm việc với các hộ gia đình và UBND phường Thạch Thang (quận Hải Châu), xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang)… về công tác triển khai phân loại rác thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại khu dân cư (KDC). Đoàn giám sát chia làm nhiều tổ, trực tiếp kiểm tra các mô hình về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa bàn dân cư.

Đoàn giám sát làm việc với UBND xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang)

Tại các buổi giám sát, các địa phương tập trung báo báo cáo công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền hướng dẫn phân loại, thu gom, vận chuyển đối với 3 loại CTRSH phải thực hiện đồng bộ trên toàn địa bàn (gồm CTRSH có khả năng tái chế, tái sử dụng; CTRSH nguy hại; CTRSH khác còn lại).

Đồng thời nêu phương án thực hiện phân loại CTRSH đối với các loại CTRSH khác (thực phẩm thừa, rác cồng kềnh, rác tháo dỡ từ công trình …); đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu trên 95% thôn/ tổ dân phố triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn và tỷ lệ trên 90% hộ gia đình thực hiện hiệu quả việc phân loại CTRSH tại địa bàn khu dân cư.

Đoàn giám sát kiểm tra thực tế tại phường Thạch Thang (quận Hải Châu)

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội hiện nay, số lượng rác thải ra môi trường ngày càng nhiều. Vì vậy, phân loại rác tại nguồn là một trong những việc làm cơ bản, đơn giản nhất để bước đầu giải bài toán bảo vệ môi trường.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, đến nay, hơn 93% số hộ gia đình và 91,83% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, trong đó tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái sử dụng và tái chế đạt từ 15 - 20%.

Ông Nguyễn Ngọc Hữu, Tổ trưởng Tổ dân phố số 21 (phường Thạch Thang) cho biết, hằng ngày từng hộ gia đình tự phân loại rác, để rác trong nhà và chờ xe rác đánh kẻng vào khung giờ cố định thì mới mang rác ra xe. Đây không chỉ dừng lại ở phong trào mà đã trở thành thói quen hiện hữu, đi vào nề nếp sinh hoạt của các gia đình.

Là người gắn liền với công tác mặt trận tại địa phương, bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng ban Công tác Mặt trận Thuận Lập B5 (phường Thạch Thang) cho hay, bà cùng người dân nơi đây ý thức được các loại rác không tái chế được sẽ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường.

“Sau khi được các cấp Hội phổ biến về việc phân loại rác tại nguồn thì chúng tôi ủng hộ điều này. Chúng tôi đã và đang thực hiện tốt công tác phân loại CTRSH tại nguồn để góp phần cùng thành phố bảo vệ môi trường sạch đẹp”, bà Dung nói.

Công tác thông tin, tuyên truyền phân loại CTRSH tại nguồn được đẩy mạnh tại các tổ dân phố

Qua các buổi giám sát, Đoàn đã đánh giá cao những nỗ lực của UBND phường, xã và hệ thống chính trị tại các địa phương trong công tác triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại hộ gia đình; ghi nhận ý thức của người dân về phân loại CTRSH tại nguồn ngày càng cao; nhiều việc làm hay, mô hình hiệu quả (như mô hình phân loại và thu gom rác tái chế, pin cũ, thực phẩm thừa, …).

Với vai trò là thành viên tổ giám sát công tác triển khai phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại khu dân cư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành Đoàn Trương Thị Ngọc Phương nhìn nhận, qua từng năm, ý thức phân loại CTRSH tại nguồn của người dân được nâng lên rõ rệt. Mỗi một truyến đường có một trạm thu gom, phân loại rác thải. Người dân chủ động trong việc phân loại rác, tập kết rác nhựa, chai, lon… đúng nơi quy định tại các trạm thu gom rác.

Thực hiện phân loại rác tại nguồn giúp bảo vệ môi trường

Thông qua các buổi giám sát, Đoàn giám sát nắm bắt tình hình phân loại CTRSH tại nguồn của một số địa phương, cũng như hiểu rõ hơn về tâm tư nguyện vọng và đề xuất của người dân về hoạt động phân loại rác thải. Mỗi hành động ý nghĩa tại cộng đồng dân cư sẽ góp phần chung tay xây dựng thành phố Đà Nẵng - thành phố môi trường.

BÁ VINH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT