Góp sức trẻ cùng cộng đồng trong cuộc chiến chống rác thải nhựa, lan tỏa những hành động tử tế vì một môi trường xanh - sạch - đẹp, hàng trăm bạn trẻ trên khắp địa bàn thành phố đã cùng nhau lên rừng, xuống biển để… dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải.
Sáng cuối tháng 8, hơn 200 bạn trẻ là sinh viên Trường Đại học (ĐH) Thể dục Thể thao Đà Nẵng; Câu lạc bộ bơi Thanh Khê; Da Nang Free Diving; Sup, Kayak Đà Nẵng… tham gia dọn vệ sinh tại khu vực Hòn Sụp và bán đảo Sơn Trà (đoạn từ nút giao đường Hoàng Sa - Lê Văn Lương đến Bảo tàng Đồng Đình) theo chương trình “Clean up Son Tra - Lặn biển nhặt rác - Giải cứu san hô”.
Đây là chương trình do Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phối hợp Thành đoàn - Hội Sinh viên thành phố, Trường ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng và một số đơn vị phối hợp tổ chức.
Anh Bùi Đăng Toản - Bí thư Đoàn Trường ĐH Thể dục Thể thao Đà Nẵng cho biết, qua khảo sát ở bán đảo Sơn Trà và các rạn san hô cho thấy có nhiều rác thải nhựa vương vãi, đặc biệt là tại rạn san hô, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển cũng như tái tạo của hệ sinh thái dưới nước. Đà Nẵng được thiên nhiên ưu đãi những tài nguyên rất vô giá, do đó rất cần sự chung tay bảo vệ, gìn giữ di sản thiên nhiên.
Từ thực trạng nói trên, Đoàn Trường phối hợp các đơn vị liên quan kêu gọi sinh viên cùng tham gia các hoạt động thu gom rác ở bán đảo Sơn Trà và các rạn san hô.
“Khi phát động chương trình có rất đông các bạn trẻ đăng ký tham gia. Qua quá trình khảo sát và tập huấn, Ban tổ chức đã chọn ra được 200 bạn đạt các yêu cầu, tiêu chí về kỹ năng bơi lội, giữ an toàn dưới nước và kỹ năng thu gom rác, gỡ lưới “ma” để tham gia hoạt động ý nghĩa này”, anh Bùi Đăng Toản chia sẻ.
Cùng các bạn trong nhóm vượt sóng hơn 1,5 km để đến Hòn Sụp, Huỳnh Thị Thanh Ngân (Sinh viên Trường ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng) vẫn giữ tinh thần hăng hái: “Là sinh viên chuyên ngành Bơi lội nên em rất hào hứng khi được tham gia lặn biển dọn rác, góp sức trẻ bảo vệ môi trường biển. Em nghĩ cần lan tỏa hơn nữa những chương trình, thông điệp để không chỉ người trẻ mà cả cộng đồng, xã hội sẽ chung tay bảo vệ hệ sinh thái, môi trường biển”.
Trước khi xuống nước, các bạn chia thành nhiều nhóm nhỏ và được hướng dẫn các bài tập vận động; kỹ năng bảo đảm an toàn trong quá trình dọn vệ sinh khu vực san hô và những lưu ý cần thiết để không làm ảnh hưởng đến rạn san hô. Mỗi nhóm được phát dụng cụ để dọn vệ sinh và gỡ lưới “ma” tại khu vực có san hô.
“Đây là lần đầu tiên hoạt động lặn biển nhặt rác được tổ chức ở quy mô lớn. Từ hiệu quả của chương trình lần này, Ban tổ chức dự kiến phối hợp với các đơn vị để duy trì và tiếp tục tổ chức chương trình vào đầu năm 2025. Hy vọng rằng những hoạt động này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân và du khách về bảo vệ rạn san hô ở Đà Nẵng, bảo vệ môi trường biển”, anh Bùi Đăng Toản bày tỏ.
Theo kết quả của đề tài “Nghiên cứu bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng” của Viện sinh thái học Miền Nam thực hiện năm 2019 cho thấy, độ phủ trung bình của san hô sống đạt khoảng 23% tổng hợp phần nền đáy, trong đó san hô cứng chiếm khoảng 20% và san hô mềm chiếm khoảng 3%. Trong Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 18-2-2019 của Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển thủy sản bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có mục tiêu: Quản lý và phục hồi hệ sinh thái rạn san hô và thảm cỏ biển; tăng diện tích các khu vực phục vụ cho bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái biển, diện tích các khu bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển thành phố. Ngày 9-3-2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nội dung điều tra, khảo sát bổ sung tại Bán đảo Sơn Trà về tiềm năng thành lập khu bảo tồn biển; phục hồi một số hệ sinh thái điển hình gồm: san hô, cỏ biển. |
Không chỉ lặn xuống biển dọn rác, trước đó, vào giữa tháng 8, hơn 150 đoàn viên thanh niên, tình nguyện viên đến từ Đoàn khối các cơ quan thành phố, Quận Đoàn Sơn Trà, Trường Du lịch - Đại học Duy Tân, Nhóm Hand in Hand chia thành nhiều nhóm nhỏ, ra quân thu gom, dọn dẹp rác thải tại khu vực Hồ Xanh, Bãi Cháy.
Kết hợp với việc dọn dẹp, các bạn còn tuyên truyền, vận động người dân và du khách không sử dụng rác thải nhựa, bỏ rác đúng nơi quy định, không cho động vật hoang dã ăn.
Các hoạt động nói trên nằm trong khuôn khổ chương trình “Clean up Son Tra - Vì một Sơn Trà Xanh” do Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phối hợp các đơn vị, câu lạc bộ, đội, nhóm trên địa bàn thành phố tổ chức định kỳ.
Từ chương trình đầu tiên được thực hiện năm 2011 với khoảng 50 tình nguyện viên. Qua các năm tổ chức đã thu hút đông đảo các tình nguyện viên tham gia với mong muốn chung tay làm sạch, giữ gìn màu xanh cho bán đảo Sơn Trà.
Ông Phan Minh Hải, Phó trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết: "Hoạt động ra quân thu gom rác, làm sạch môi trường tự nhiên trên cạn và dưới nước được phối hợp tổ chức thường xuyên, liên tục nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, du khách về bảo vệ môi trường biển, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên khi tham quan bán đảo Sơn Trà. Đồng thời, kết nối với các câu lạc bộ, hội, đội, nhóm cùng chung tay giữ gìn, bảo vệ, tạo điều kiện để phát triển rạn san hô và hệ sinh thái biển. Thông qua các hoạt động, chúng tôi mong muốn lan tỏa thông điệp sống xanh, kêu gọi cộng đồng chung tay xây dựng và quảng bá hình ảnh du lịch xanh tại bán đảo Sơn Trà với thông điệp “Bán đảo Sơn Trà - Điểm đến xanh”.
Xác định thế hệ trẻ, đặc biệt là lực lượng sinh viên, học sinh là những người nòng cốt, mầm tương lai sẽ áp dụng những kiến thức về chống ô nhiễm rác thải nhựa vào thực tiễn và lan tỏa trong cộng đồng, tháng 9-2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, Trung tâm An toàn Môi trường và Hóa học (CENTEC) phối hợp Khoa Sinh – Môi trường (Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng), Thành Đoàn, Trung tâm Nghiên cứu xây dựng Năng lực Thích ứng (CAB) tổ chức Tập huấn “Giới trẻ Đà Nẵng - Chung tay nói không với rác thải nhựa” cho hơn 150 sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố tham gia.
Lý giải về việc mở rộng đối tượng tham gia chương trình là sinh viên đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố, ông Bùi Văn Xuân - Giám đốc Trung tâm An toàn Môi trường và Hóa học cho biết, hiện nay, tình hình ô nhiễm môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa thì Việt Nam cũng nằm trong nhóm báo động cần chú ý.
Theo một nghiên cứu do Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thực hiện trong năm 2020, có đến 40% nhóm học sinh/sinh viên ít có hiểu biết về các vấn đề liên quan đến nhựa dùng một lần. Trong khi đó, ở những nơi có các phong trào bảo vệ môi trường, có các biện pháp truyền thông thì các nhóm học sinh, sinh viên tỏ ra tích cực hơn.
Tại Đà Nẵng, các sở, ban, ngành, địa phương và cả người dân đang tích cực triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa. Nhân hoạt động này, Ban tổ chức một lần nữa lan tỏa được thông điệp Đà Nẵng - Thành phố môi trường.
“Các bạn sinh viên chính là đội ngũ tri thức tuyên truyền, giảm thiểu rác thải nhựa trong cộng đồng. Đặc biệt, chúng tôi mong muốn không chỉ các bạn trẻ Đà Nẵng mà ngay cả các bạn ở nhiều tỉnh, thành khác đang học tập tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng sẽ trở thành những “chiến sĩ trẻ” trên mặt trận chống và giảm thiểu rác thải nhựa”, ông Bùi Văn Xuân nói.
Trong 150 sinh viên tham gia chương trình, có khá đông sinh viên đến từ Khoa Sinh - Môi trường (Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) tham gia.
ThS Nguyễn Thị Bích Hằng – Phó khoa Khoa Sinh - Môi trường cho biết, Khoa Sinh - Môi trường hiện tại đang đào tạo 3 ngành, trong đó có ngành Quản lý tài nguyên môi trường liên quan trực tiếp đến việc xử lý các loại chất thải. Nội dung về chất thải nhựa rất được quan tâm trong chương trình đào tạo cũng như trong việc hỗ trợ cộng đồng.
Bên cạnh các học phần trên lớp, sinh viên được tham gia thực hành thực tế tại cơ sở và từ đó đề xuất các giải pháp trong các nghiên cứu khoa học; hoặc làm khóa luận tốt nghiệp, đề xuất các giải pháp, phương thức hoặc các hoạt động liên quan đến cộng đồng phục vụ du lịch.
“Dù đã tổ chức nhiều chương thực tế cho sinh viên tiếp cận với kiến thức về rác thải nhựa song chương trình Tập huấn “Giới trẻ Đà Nẵng - Chung tay nói không với rác thải nhựa” rất thiết thực, bổ ích và kết nối sinh viên trên toàn địa bàn thành phố. Qua buổi tập huấn, các bạn sinh viên sẽ nâng cao nhận thức, từ đó dẫn đến thay đổi về hành động, hành động lặp đi lặp lại sẽ dần thành thói quen, thói quen đó sẽ tác động tích cực đến môi trường một cách tự nhiên và sẽ trở thành một văn hóa, từ đó lan tỏa trong cộng đồng”, ThS Nguyễn Thị Bích Hằng bày tỏ.
Tại chương trình, các chuyên gia đầu ngành, tổ chức quốc tế cung cấp đến cho các sinh viên những thông tin mới nhất, thực trạng và tác hại của rác thải nhựa đối với đời sống và môi trường; Giới thiệu nguyên tắc 6Rs trong việc giảm thiểu rác thải nhựa; Chia sẻ các mô hình thành công trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt là mô hình tại Cù Lao Chàm, Quảng Nam...
Từ chia sẻ của các chuyên gia, các bạn sinh viên đề xuất ý tưởng hành động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại khu dân cư/địa phương hoặc trường học, hướng tới thông điệp chung “Rác thải nhựa - Tiện một phút, phải trả giá ô nhiễm nghìn năm".
Sau một ngày tham gia lớp tập huấn, sinh viên Nguyễn Thị Kim Phương (Khoa Sinh – Môi trường, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) đã tích lũy thêm cho mình nhiều kiến thức mới, hữu ích về rác thải nhựa.
"Mình mong sẽ có nhiều cơ hội để chia sẻ những thông tin, kiến thức lĩnh hội từ chương trình tập huấn đến các bạn sinh viên, các bạn trẻ bởi rác thải nhựa không chỉ gây hại cho các sinh vật biển mà còn đe dọa sức khỏe con người thông qua chuỗi thức ăn, đồng thời cũng ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị. Hy vọng mỗi bạn trẻ sẽ tự nâng cao ý thức, chung tay cùng nhau lan tỏa thông điệp đến cộng đồng”, Kim Phương bày tỏ.
Với sự tham gia tích cực của các bạn sinh viên và những ý tưởng mới mẻ do các bạn đề xuất, ông Bùi Văn Xuân - Giám đốc Trung tâm An toàn Môi trường và Hóa học kỳ vọng: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, Thành Đoàn để mở rộng chương trình, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho các bạn học sinh, thậm chí cả học sinh tiểu học để các em có những thông tin hữu ích. Dần dần, các em tự biết điều chỉnh hành vi cũng như có thể về nhà trò chuyện, cùng ba mẹ phân loại rác một cách cơ bản,... Từng hành động nhỏ sẽ góp phần mang lại hiệu lớn".
Với sức trẻ cùng sự năng động, sáng tạo, không ngại khó khăn, bằng nhiều cách khác nhau, các bạn trẻ đang từng ngày lan tỏa trong cộng đồng thông điệp về giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường. Từ đó, góp phần cùng thành phố thực hiện hiệu quả Đề án "Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường giai đoạn 2021-2030.
MAI QUANG