Giữ rừng bền vững, bảo tồn các giá trị văn hóa, duy trì nông nghiệp sạch, tạo sinh kế cho người dân là các mục tiêu hoạt động Hợp Tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (huyện Hòa Vang). Từ đó, hướng đến sự phát triển bền vững cho địa phương và giữ gìn các nét văn hóa truyền thống của người Cơ Tu.
Xuất phát từ tình hình thực tế và mong muốn giữ gìn hệ sinh thái, phát triển bền vững cho khu vực xã Hòa Bắc, tháng 3-2023, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc chính thức ra mắt. Đây được xem là một trong những điểm nhấn nổi bật của địa phương trong quá trình vận động nhân dân tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Chị Đỗ Thị Huyền Trâm – Giám đốc HTX nhớ lại, những ngày đầu, HTX chỉ là một Tổ hợp tác chưa đến 10 thành viên là người dân địa phương, liên kết với nhau để phục vụ khách du lịch dựa trên nguồn lực sẵn có.
Sau 2 năm hoạt động, Tổ hợp tác đã tăng hơn 274 thành viên với rất nhiều thành phần là người dân địa phương, chính quyền, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, công ty, các trường đại học trong và ngoài nước,....
“Với sự tham gia hỗ trợ của các nhà khoa học, Tổ hợp tác đã nhìn nhận được tiềm năng cũng như những vấn đề mà địa phương đang gặp phải. Từ đó xác định mục tiêu hoạt động chính là hướng đến bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đây là những hoạt động đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Hòa Bắc”, chị Trâm bày tỏ.
Sau một khoảng thời gian hoạt động, ngày 16-03-2023, HTX Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc chính thức ra mắt, đặt trụ sở chính tại thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
“Việc chính thức ra mắt HTX đảm bảo tư cách pháp nhân cho quá trình hoạt động và từng bước hoàn thiện mô hình quản lý của HTX”, chị Trâm nói.
Đến nay, HTX có 19 thành viên chính thức và 250 thành viên liên kết. HTX đã xây dựng 9 tổ hợp tác gồm: homestay, văn nghệ, nghề truyền thống, thuyết minh, ẩm thực, vận chuyển... kết nối mạng lưới theo lưu vực sông Cu Đê gồm 7 thôn tham gia với nhiều ngành nghề và độ tuổi khác nhau. Cạnh đó, HTX còn kết nối các địa phương ngoài lưu vực như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sa Huỳnh cùng tham gia mạng lưới du lịch cộng đồng.
Đặc biệt, từ hoạt động ký kết các thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng; với các dự án quốc tế như dự án Implement (Đức), Quỹ môi trường toàn cầu,... đã đưa HTX trở thành “địa điểm” kết nối các đoàn nghiên cứu đến với Hòa Bắc để nghiên cứu, tìm hiểu về các vấn đề: nông lâm nghiệp bền vững, du lịch cộng đồng, năng lượng tái tạo...
“Để người dân tham gia làm du lịch cộng đồng không phải là điều đơn giản vì họ cần bổ sung thêm nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết. Từ sự kết nối với các trường đại học nên các bạn sinh viên, giảng viên đã hỗ trợ, trao đổi, chia sẻ để bà con có cơ hội luyện tập, nâng cao năng lực", chị Trâm nói.
Ngoài ra, HTX tổ chức nhiều chương trình du lịch học tập cộng đồng, đón hơn 120 đoàn với hơn 3.000 khách là học sinh, sinh viên trong và ngoài nước. Song song đó, HTX còn mở các tour trải nghiệm về Văn hóa, Nông nghiệp, tham quan cảnh đẹp...; đón hơn 100 đoàn với hơn 2.000 lượt khách đến tham quan nghỉ dưỡng.
“Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc trở thành mô hình mẫu cho các địa phương trên cả nước đến tham quan học tập”, chị Trâm bày tỏ.
Từ khi phát triển thêm mảng sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch, HTX đưa ra những quy định cho các vườn thành viên thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ, không phân hóa học, không thuốc trừ sâu.
Đến nay, HTX đã kết nối được 10 vườn và tạo thành các vùng liên kết sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tiêu thụ nghìn tấn thực phẩm ngay tại vườn. Ngoài ra HTX còn đưa khách đến tham quan, học tập tại các mô hình vườn mẫu giúp có thêm thu nhập cho người nông dân.
Các hoạt động của HTX đã giúp cải thiện sinh kế, tạo việc làm cho người dân có thêm thu nhập tùy vào ngành nghề.
Đặc biệt, các giá trị văn hóa đồng bào Cơ Tu được phát huy và giới thiệu rộng rãi đến nhiều du khách, các mặt hàng nông sản được thu mua với giá cao có thêm nguồn thu từ các đoàn khách tham quan, thông qua việc đón khách người dân có nhận thức về việc phải giữ gìn vệ sinh chung, phải hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, cộng đồng cùng đoàn kết thực hiện chương trình, chia sẻ và hỗ trợ nhau.
Việc đón các đoàn đến học tập, nghiên cứu đã mang lại “lợi ích kép” khi không chỉ giúp phát triển kinh tế địa phương mà còn tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với các kiến thức khoa học và được chia sẻ kiến thức bản địa của mình. Từ đó, bà con đã xây dựng được mô hình "Đồi giữ nước" là mô hình hướng tới phát triển rừng cách bền vững tại Hòa Bắc.
“Tất cả kết quả trên đều là sự nỗ lực của bà con mà thành. Mỗi đoàn khách đến là một bước tiến gần hơn nữa đến mục tiêu bảo vệ được rừng tự nhiên, nguồn nông nghiệp sạch, văn hóa bản địa và tạo được sinh kế mới. Du khách đến giúp bà con đồng bào gắn bó với điệu Tung tung da dá mà rời xa rừng để rừng tự nhiên được tự do phát triển và sẽ nhanh chóng phục hồi. Du khách về với nông nghiệp giúp bà con thấy được giá trị của nông sản sạch, thấy được vai trò của nguồn nước của mảnh đất ngọt phù sa. Du khách về giúp bà con tự hào với quê hương và với chính bản thân mình. Chỉ có vậy thì người dân mới yêu được quê hương, yêu được dòng sông, cánh đồng và chỉ khi yêu họ mới ra sức bảo vệ, phục hồi”, chị Trâm tâm sự.
Nói về tiềm năng, điều kiện phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái của xã Hòa Bắc, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng nhìn nhận: “Bối cảnh của Hòa Bắc trong giai đoạn hiện tại mang tính bền vững, ổn định cần có cho du khách. Từ xa xưa, tư duy của người dân luôn dựa vào rừng, trân trọng môi trường. Nghị quyết số 82/NQ-CP là nền tảng pháp lý để Hòa Vang phát triển du lịch trên đất nông nghiệp; đây cũng là cơ sở quan trọng giúp cho xã Hòa Bắc trong đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái. Những kinh nghiệm của Hòa Bắc đã đạt được sẽ cùng chia sẻ với các địa phương khác trong việc xây dựng kinh tế gắn với du lịch cộng đồng”.
Hiện nay, HTX vẫn đang nỗ lực đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động, tập trung nâng cao nhận thức người dân, tạo cơ hội để người dân được thực hành, mở rộng kết nối nhiều hơn nữa các thành viên tham gia đặc biệt chú trọng kết nối người trẻ, kết nối thêm nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp.
Với mục tiêu nói trên, HTX vẫn đang nỗ lực kết nối, thu hút sự tham gia của 4 bên: Nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân và nhà quản lý để cùng hướng đến mục tiêu chung "Giữ rừng tự nhiên, sản xuất nông nghiệp sạch, bảo tồn văn hóa đồng bào Cơ tu và tạo được sinh kế cho người dân".
MAI QUANG