Đài Tưởng niệm - nơi ghi công các anh hùng liệt sỹ
Những hy sinh, mất mát trong chiến tranh là điều không thể tránh khỏi. Đất nước ta, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước đã biết bao nhiêu lần phải đối diện với nạn ngoại xâm, từng lớp lớp người dân Việt Nam đã bỏ ruộng cày, xếp bút nghiên theo tiếng gọi của quê hương lên đường gìn giữ nền độc lập, bảo vệ từng mét vuông đất đai bờ cõi, từng vùng biển, vùng trời, từng cột mốc biên giới hải đảo.

 Trong chiến tranh ác liệt đó, đã có không biết bao nhiêu người dân Việt Nam đã ngã xuống trên đất này. Xương máu của cha anh chúng ta thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương suốt từ Nam chí Bắc. Và hôm nay đây khi hòa bình lặp lại, không một ai bị lãng quên và không một ai được phép quên lãng những người đã ngã xuống vì nền Độc lập Tự do, về lịch sử hào hùng của cả một dân tộc. 

Chính vì lẽ đó, ở hầu hết các vùng miền ở nước ta đều xây dựng các đền, đài tưởng niệm để tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Cùng chung truyền thống ấy, trên mảnh đất anh hùng Đà Nẵng – nơi sản sinh những người con anh dũng, kiên trung – đã xây dựng 27 nghĩa trang và đài tưởng niệm, trong đó Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ thành phố là một trong những công trình tiêu biểu.

Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ của thành phố vốn quen thuộc với người dân Đà Nẵng qua tên gọi Tượng đài 2/9. Đài nằm đối diện Quảng trường 2/9, phía sau là dòng sông Hàn thơ mộng chảy qua tạo nên một không gian thoáng mát, yên tĩnh và trang nghiêm. Đài cao 45m là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và thiết kế sáng tạo nhưng không mất đi tinh thần dân tộc. Với cái tâm của người làm nghề và tinh thần trách nhiệm đối với quê hương, kiến trúc sư Phạm Sỹ Chức và nhà điêu khắc giàu cá tính Phạm Văn Hạng cùng với cố họa sỹ, nhà điêu khắc Đỗ Toàn đã thiết kế công trình mang đậm tính nhân văn và dân tộc sâu sắc. Với bố cục chính gồm ba cánh tạo thành chân vạc chụm lại và đẩy lên cao tạo thế đứng vững chắc của tượng đài giữa đất trời, vừa bộc lộ ý tưởng vĩnh hằng vừa thể hiện tinh thần của người dũng sĩ cách mạng Việt Nam.

 

Điểm sáng tạo trong kiến trúc và thiết kế của công trình không chỉ thể hiện qua những đường nét của phần chân và thân tượng mà còn ở cấu trúc lồng ghép chức năng của phần chân đế. Dưới khối kiến trúc cao vút của tượng, một không gian trang nghiêm được xây dựng là nơi đặt lư hương, vòng hoa và tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Giữa làn khói nghi ngút và không gian thiêng liêng, thế hệ trẻ hôm nay như được sống giữa thời kỳ oai hùng nhưng cũng đầy gian khổ của các bậc cha anh, đồng thời thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ và tinh thần không ngừng vươn lên, đóng góp vào công cuộc đổi mới của thành phố và sự phát triển của nước nhà. 

Tương đồng với Đài Tưởng niệm ở các địa phương khác, dòng chữ “Tổ quốc ghi công” được in trên nền cờ đỏ sao vàng đặt dọc chính giữa thân đài tạo nên sự trang trọng, bề thế cho công trình đồng thời thể hiện sự biết ơn sâu sắc đến các thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, mang lại nền hòa bình, độc lập cho dân tộc. Từ sau mô hình tượng đài “Tổ quốc ghi công” đặt tại Quảng trường Ba Đình năm 1955, mô hình này được xây dựng ở khắp mọi miền Tổ quốc như một biểu tượng chung cho đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt.

Cụm tượng “Người mẹ Việt Nam” tại Đài tưởng niệm thành phố Đà Nẵng của cố Họa sỹ, nhà điêu khắc Đỗ Toàn
 

Đây là nơi ghi danh những người con xứ Quảng anh hùng với những nhà yêu nước ưu tú như Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Trỗi. Tượng đài là biểu tượng của sức mạnh, ý chí quyết thắng, tinh thần vươn lên vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy của bao lớp người đi trước đồng thời nhắc nhở các thế hệ hôm nay luôn nêu cao ý chí và tinh thần vượt khó để gìn giữ và xây dựng thành phố ngày càng phát triển. 

Những buổi chiều ngồi tại nơi đây, trong làn gió mát thổi từ phía sông Hàn, những cựu chiến binh có dịp ôn lại kỷ niệm xưa, khoảng thời gian gian lao nhưng thấm đậm nghĩa tình. Thi thoảng gặp những bạn trẻ yêu thích lịch sử, những mẫu chuyện lại càng như sống động và hào hùng hơn vì sự giao hòa giữa người kể và người nghe. Khi ấy, khoảng cách tuổi tác được kéo lại gần hơn vì trong lòng mỗi người đều dâng tràn niềm tự hào dân tộc và niềm vui vì quê hương đã sản sinh ra những người con anh hùng xuyên suốt bao thế hệ. 

Hàng ngày, nhiều người dân Đà Nẵng vẫn đến đây dạo mát, hít thở không khí trong lành. Không ít du khách và các bạn trẻ đến đây viếng thăm và chụp hình lưu niệm. Dù vậy, không ai bảo ai, tất cả đều giữ im lặng và thái độ lịch sự tại nơi trang nghiêm này. Những ngày giáp Tết, khu vực Quảng trường đối diện Tượng đài là nơi bày bán các loại cây cảnh và hoa từ nhiều vùng trên cả nước, phục vụ nhu cầu của người dân thành phố đồng thời mở ra một không gian đẹp và tươi mới cho khu vực Tượng đài. 

 
Năm tháng có thể trôi qua nhưng những chiến công của dân tộc sẽ không bao giờ phai trong lòng mỗi người dân thành phố, vững chắc như sự tồn tại của tượng đài suốt mấy thập niên qua. Đến với nơi đây, thế hệ trẻ chúng tôi không chỉ nghiêng mình trước những hy sinh của những vị anh hùng dân tộc, tưởng nhớ công lao của các nhà yêu nước mà còn nuôi dưỡng và phát huy hơn nữa lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, kiên trung bất khuất vốn có của con người đất Quảng. Nơi đây giúp chúng tôi ghi nhớ những chiến công và noi gương các thế hệ đi trước để không ngừng phát huy tinh thần dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
HƯƠNG XUÂN
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT