Phát triển ngành dệt may và da giầy trở thành một trong những ngành công nghiệp chủ lực về xuất khẩu của thành phố
Đăng ngày 24-05-2023 17:32, Lượt xem: 188

UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 108/KH-UBND về triển khai Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, mục tiêu phát triển ngành dệt may và da giầy trở thành một trong những ngành công nghiệp chủ lực về xuất khẩu của thành phố trên cơ sở phù hợp với Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 theo Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ và định hướng Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, tập trung phát triển mạnh các sản phẩm có chất lượng, ưu tiên phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và da giầy; đẩy mạnh khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết hoàn thiện sản phẩm may mặc để thụ hưởng các chính sach xuất nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do với các điều kiện có quy mô đầu tư phù hợp, sử dụng công nghệ tiên tiến và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và cảnh quan.

Mục tiêu đến năm 2035, ngành dệt may và da giầy trên địa bàn thành phố phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn; phát triển được một số thương hiệu mang tầm khu vực trong nước và thế giới.

Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm của ngành dệt may và da giầy giai đoạn 2021 – 2025 đạt 11,2%/năm, giai đoạn 2026 – 2030 đạt 7,7%/năm và cả giai đoạn 2021 – 2030 đạt 9,5%/năm.

Định hướng phát triển chung của Chiến lược theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa trên cơ sở khai thác và phát huy lợi thế cạnh tranh của ngành để tăng tốc xuất khẩu và đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.

Song song đó, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và da giầy với điều kiện sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; hình thành và phát triển các mô hình liên kết theo “chuỗi giá trị” nhằm nâng cao sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của các sản phẩm.

Ngoài ra, tập trung đầu tư chiều sâu, theo hướng tự động hóa, phát triển các dòng sản phẩm tập trung và cao cấp; xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển để thiết kế mẫu, khai thác nguồn nguyên phụ liệu hướng đến các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi sản xuất; dịch chuyển dần may gia công vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và ra ngoài trung tâm thành phố.

THANH HẢI

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác