Chợ Cồn nằm ở trung tâm thành phố, có một mặt hướng về đường Hùng Vương, một mặt hướng về đường Ông Ích Khiêm, được khởi công xây dựng từ tháng 12/1984, với 3 tầng có tổng diện tích 14.000 m2 , và được đặt tên chính thức là Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng. Dù vậy, người dân thành phố vẫn quen gọi là “chợ Cồn”. Cái tên "chợ Cồn" có từ thập niên 40 của thế kỷ trước, do chợ nằm trên một cồn đất cao giữa lòng thành phố nên người dân địa phương quen miệng gọi thành tên. Thời đầu, chợ được xây dựng trên một cồn cát đầy lau sậy và lạch nước, các gian chợ là những nhà chòi tre. Theo thời gian, người kinh doanh tu bổ bằng những vật liệu kiên cố hơn. Đã có thời kỳ, chợ Cồn là chợ bán sỉ và lẻ lớn nhất của Đà Nẵng và cả miền Trung. Năm 2012, dựa theo tính chất hoạt động của các hộ kinh doanh buôn bán tại đây, và theo nguyện vọng của người dân thành phố, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết đổi tên Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng thành Chợ Cồn.
Chợ Cồn có khoảng hơn 2.000 hộ kinh doanh với đủ các mặt hàng phong phú và đa dạng, mỗi ngày lượng người ra vào chợ mua sắm khoảng hơn 11.000 lượt. Đến du lịch Đà Nẵng, ngoài chợ Hàn, du khách có thể đến chợ Cồn để mua sắm những đặc sản của Đà Nẵng cũng như của miền Trung với giá cả phù hợp.
Đặc biệt, người mua có thể yên tâm về chất lượng thực phẩm mua tại chợ Cồn khi các tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn, rau củ quả, ăn uống tại chợ thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm do Sở Công thương thành phố tổ chức. Nhờ đó, nhận thức về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm của các tiểu thương kinh doanh tại chợ được nâng cao, luôn ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong đời sống hàng ngày cũng như trong hoạt động kinh doanh, mua bán các mặt hàng thực phẩm.
Chợ Cồn vẫn tấp nập mua bán vào cuối ngày
Những năm qua, hàng loạt siêu thị, trung tâm thương mại,… được xây dựng trên địa bàn thành phố, nhưng chợ Cồn không vì thế mà mất đi không khí sầm uất, hoạt động mua bán tại chợ vẫn diễn ra tấp nập, đông đúc, nhộn nhịp mỗi ngày, như chính nhịp sống năng động của người dân thành phố.
NGÔ HUYỀN