Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19
Đăng ngày 10-08-2020 17:07, Lượt xem: 7768

Nhằm tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác, nhận thức của nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Đà Nẵng vừa có văn bản đề nghị các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19, tại Công văn số 183/HĐ-CV ngày 10-8-2020.

Cụ thể, đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố; UBND quận, huyện, phường, xã tập trung tuyên truyền kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó chú trọng tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân thông tin chính xác, kịp thời diễn biến tình hình, tính chất nguy hiểm, nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, tập trung vào các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử phạt như: hành vi cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh dịch; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật, từ chối hoặc trốn tránh các biện pháp cách ly theo quy định; phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh; không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...; chế độ, quyền lợi đối với người áp dụng biện pháp cách ly y tế; chế độ khám, điều trị đối với người mắc bệnh, người tham gia công tác phòng, chống dịch; các quy định khai báo y tế đối với người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh...

Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố cũng đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung tuyên truyền Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó chú trọng các quy định quyền và nghĩa vụ đối với người khám bệnh, chữa bệnh, các hành vi nghiêm cấm trong khám bệnh, chữa bệnh...

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, tập trung vào các quy định quyền lợi và nghĩa vụ của người nước ngoài nhập cảnh, xuât cảnh, quá canh, cư trú tại Việt Nam, các quy định của người nước ngoài trong việc tuân thủ khai báo và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Các văn bản quy phạm pháp luật về cấm nhập khẩu, tiêu thụ động vật hoang dã và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và phát sinh trong việc phòng, chống dịch bệnh như hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân, những hành vi đầu cơ, tích trữ, buôn bán khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, thuốc men, vật tư y tế... trái phép, những hành vi che giấu thông tin, đưa thông tin sai lệch về dịch bệnh gây hoang mang trong nhân dân, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch, hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường như vứt khẩu trang bừa bãi, xả thải không đúng nơi quy định...

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền các thủ tục hành chính hiện đang thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến, kết hợp hướng dẫn các bước thực hiện trên cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố để tăng cường tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh.

Kết hợp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật với tuyên truyền kỹ năng, biện pháp phòng, chống dịch; tuyên truyền các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, kết hợp với vận động, thuyết phục nhân dân không tụ tập đông người, dự liên hoan, đám cưới chuyển thành hình thức báo hỷ, đeo khẩu trang tại nơi công cộng như siêu thị, sân bay, nhà ga, bên xe, trên các phương tiện giao thông công cộng... Đồng thời, tuyên truyền, biểu dương các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đấu tranh phê phán đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh.

Các hình thức tuyên truyền được đề xuất gồm: thông tin, tuyên truyền trên báo, đài; tuyên truyền qua các ấn phẩm như tờ rơi, tờ gấp, bản tin, thông báo nội bộ, tài liệu hỏi - đáp...; tuyên truyền trên các Website, trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương; tuyên truyền trực quan tại nơi công cộng bằng băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, bảng LED; tuyên truyền bằng xe lưu động đến từng địa bàn khu dân cư, chú trọng các thôn, xã vùng xa khu vực trung tâm.

Bên cạnh đó, sử dụng biện pháp tuyên truyền trên intermet, mạng xã hội bằng cách tích cực đăng tải các tin, bài viết, thông tin chính thống về nguyên nhân, tác hại cách phòng, chống dịch trên mạng xã hội, hành vi vi phạm và chế tài xử lý đối với vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 qua Facebook, Zalo, Youtube, VCNET...; tuyên truyền qua tin nhắn điện tử, thiết bị điện tử (video, hình ảnh). Đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở; thường xuyên biên tập tin, bài viết hàng ngày về tuyên truyền pháp luật phù hợp để phát trên hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, và các hình thức khác phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của cơ quan, đơn vị, địa phương.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác