Có một trung tâm Phật giáo của văn hóa Champa tại Đà Nẵng
Đăng ngày 11-12-2019 03:44, Lượt xem: 1074

Đến phòng trưng bày Đồng Dương, người dân và du khách sẽ có dịp hình dung phần nào sự nguy nga, tráng lệ của khu đền tháp Đồng Dương và Phật viện này. Đặc biệt tại phòng trưng bày này có 2 bảo vật quốc gia là Tượng Bồ tát Laskmindra Avalokitesvara (sau này gọi là Tượng Bồ tát Tara) và đài thờ Đồng Dương.

Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng được xây dựng vào năm 1915 và chính thức khánh thành vào đầu năm 1919. Với kiến trúc Gothic độc đáo, tọa lạc trên một khuôn viên rộng lớn cùng những khóm hoa sứ tỏa hương dịu nhẹ khắp mọi ngóc ngách. Đây là nơi bảo quản và trưng bày các bộ sưu tập quý hiếm bậc nhất về nghệ thuật điêu khắc Champa. Trong đó, có lưu giữ 4 bảo vật quốc gia Việt Nam.

Bảo tàng điêu khắc Chăm – một trong những điểm thu hút du khách quốc tế khi đến thăm Đà Nẵng, đang sở hữu gần 2.000 hiện vật lớn nhỏ. Trong đó, tổng số hiện vật nghệ thuật trưng bày lên đến 500 món, được phân chia thành 12 phòng trưng bày: Trà Kiệu; Mỹ Sơn; Đông Dương; Tháp Mẫm; Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Bình Định – Kon Tum; Văn Khắc; Gốm Sa Huỳnh – Champa và Ninh Thuận.

Bên cạnh hệ thống trưng bày chính, Bảo tàng còn có 3 phòng trưng bày chuyên đề nhằm giới thiệu một chủ đề lịch sự cụ thể, một sưu tập cổ vật đặc sắc hay một đặc trưng văn hóa độc đáo… Đó là các phòng trưng bày: Kết quả khai quật khảo cổ di tích tháp Chăm Phong Lệ (2011-2018); Trưng bày kho mở; Trưng bày ảnh Bảo tàng điêu khắc Chăm: 100 năm xây dựng và phát triển.

Phòng trưng bày Đồng Dương là một trong 12 phòng trưng bày thuộc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Đồng Dương - Trung tâm Phật giáo của Champa với tên gọi “Phật viện Đồng Dương”, cách Mỹ Sơn khoảng 20km về phía nam và cách Đà Nẵng khoảng 60 km về phía tây nam.


Phòng trưng bày Đồng Dương (Ảnh: Bảo tàng Chăm)

Theo văn bia, năm 875, vua Indravarman II đã thúc đẩy Phật giáo phát triển mạnh khắp vùng bắc Champa, nhất là cho xây dựng ở Đồng Dương công trình tu viện và đền tháp để thờ Bồ tát Laksmindra Lokesvara (một dạng của Bồ tát Quán thế âm). Vì thế, một giai đoạn nghệ thuật Phật giáo đã bùng nổ ở Champa trong suốt gần nửa thế kỷ Itừ năm 875 đến năm 915) và đã để lại đến hôm nay nhiều công trình kiến trúc Phật giáo đặc sắc.

Sự phát triển của Phật giáo Đại thừa tại Champa có thể nhìn thấy qua các tác phẩm điêu khắc Phật giáo tại Đồng Dương như Tượng Phật, tượng Bồ Tát, tượng Deva... Kiến trúc và điêu khắc Đồng Dương có một số nét ảnh hưởng từ Trung Hoa, Ấn Độ và các nước lân cận, tuy nhiên nhìn chung chúng vẫn mang đậm yếu tố bản địa.

Khu di tích tháp Đồng Dương được các nhà nghiên cứu Pháp khai quật vào mùa thu năm 1902. Nó được mệnh danh là “tòa tu viện Phật giáo giữa đô thành”. Hiện di tích này đã bị hủy hoại bởi chiến tranh, thiên tai và cả con người, chỉ còn lại nền chính và một ít dấu tích của các bức tường, các thềm cửa.


Tượng Bồ tát Laskmindra Avalokitesvara (Ảnh: Bảo tàng Chăm)

Đến phòng trưng bày Đồng Dương, người dân và du khách sẽ có dịp hình dung phần nào sự nguy nga, tráng lệ của khu đền tháp Đồng Dương và Phật viện này. Đặc biệt tại phòng trưng bày này có 2 bảo vật quốc gia là Tượng Bồ tát Laskmindra Avalokitesvara (sau này gọi là Tượng Bồ tát Tara) và đài thờ Đồng Dương.

THỦY THANH

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT