Văn hóa Champa xưa tại phòng trưng bày Đà Nẵng
Đăng ngày 11-12-2019 03:44, Lượt xem: 772

Phòng trưng bày Đà Nẵng là một trong 12 phòng trưng bày thuộc Bảo tàng điêu khắc Chăm. Nơi đây lưu giữ nhiều hiện vật được sưu tầm trước năm 1975 từ các di tích Phong Lệ, Quá Giáng, Xuân Dương.

 

Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng được xây dựng vào năm 1915 và chính thức khánh thành vào đầu năm 1919. Với kiến trúc Gothic độc đáo, tọa lạc trên một khuôn viên rộng lớn cùng những khóm hoa sứ tỏa hương dịu nhẹ khắp mọi ngóc ngách. Đây là nơi bảo quản và trưng bày các bộ sưu tập quý hiếm bậc nhất về nghệ thuật điêu khắc Champa. Trong đó, có lưu giữ 4 bảo vật quốc gia Việt Nam.

Bảo tàng điêu khắc Chăm – một trong những điểm thu hút du khách quốc tế khi đến thăm Đà Nẵng, đang sở hữu gần 2.000 hiện vật lớn nhỏ. Trong đó, tổng số hiện vật nghệ thuật trưng bày lên đến 500 món, được phân chia thành 12 phòng trưng bày: Trà Kiệu; Mỹ Sơn; Đông Dương; Tháp Mẫm; Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Bình Định – Kon Tum; Văn Khắc; Gốm Sa Huỳnh – Champa và Ninh Thuận.

Bên cạnh hệ thống trưng bày chính, Bảo tàng còn có 3 phòng trưng bày chuyên đề nhằm giới thiệu một chủ đề lịch sự cụ thể, một sưu tập cổ vật đặc sắc hay một đặc trưng văn hóa độc đáo… Đó là các phòng trưng bày: Kết quả khai quật khảo cổ di tích tháp Chăm Phong Lệ (2011-2018); Trưng bày kho mở; Trưng bày ảnh Bảo tàng điêu khắc Chăm: 100 năm xây dựng và phát triển.


Phòng trưng bày Đà Nẵng (Ảnh: Bảo tàng Chăm)

Phòng trưng bày Đà Nẵng là một trong 12 phòng trưng bày thuộc Bảo tàng điêu khắc Chăm. Nơi đây lưu giữ nhiều hiện vật được sưu tầm trước năm 1975 từ các di tích Phong Lệ, Quá Giáng, Xuân Dương.

Qua nhiều cuộc khảo sát kéo dài hàng chục năm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thêm nhiều hiện vật và dấu vết kiến trúc thuộc thời kỳ Champa ở các địa phương khác của thành phố Đà Nẵng như các di tích An Sơn, Khuê Trung, Gò Đùi, chủ yếu từ sau năm 1975.

Trong các năm 2012- 2014, các cuộc khai quật được mở ra và đã phát hiện những hiện vật mang ý nghĩa tín ngưỡng tại các lòng tháp Chăm sâu dưới mặt đất tại di tích Phong Lệ và Cấm Mít.


Hiện vật Siva Nataraja đang thực hiện điệu múa Tandava trong điêu khắc đá Champa (Ảnh: Bảo tàng Chăm)

Có thể nói rằng khu vực Đà Nẵng là một vùng phát triển về kinh tế và giao thương của vương quốc Champa trong các thế kỷ IX đến XIII thông qua những hiện vật điêu khắc, văn bia và dấu vết kiến trúc, góp phần trong đó là những hiện vật đang tồn tại ở phòng trưng bày này.

THỦY THANH

 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT