Đài thờ Đồng Dương: Đài thờ có kích thước lớn nhất trong loại hình đài thờ của Chăm-pa
Đăng ngày 18-12-2019 07:40, Lượt xem: 1620

Đài thờ Đồng Dương có niên đại vào cuối thế kỉ IX – đầu thế kỉ X, được làm từ chất liệu sa thạch. Đài thờ Đồng Dương là bảo vật quốc gia, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Theo những cứ liệu văn khắc và khai quật khảo cổ cho thấy, vào thời vương quốc Chăm-pa, bên cạnh Hindu giáo, Phật giáo cũng phát triển khá mạnh. Năm 1902, cuộc phát quang và khai quật tại làng Đồng Dương (tỉnh Quảng Nam) đã phát lộ dấu tích một quần thể công trình Phật giáo quy mô lớn của vương quốc Chăm-pa. Di tích này được công bố với tên gọi “Di tích Đồng Dương”. Một số hiện vật thu thập được từ Di tích Đồng Dương được chuyển về Đà Nẵng năm 1953 và được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Trong đó có Đài thờ Đồng Dương – đài thờ đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni.

Đài thờ Đồng Dương được tìm thấy trong tình trạng bị đổ nát. Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã lắp đặt lại đài thờ dựa trên miêu tả, ảnh chụp trong tư liệu. Xung quanh bệ thờ lớn có hơn 30 khung hình chạm nổi với các khung cảnh khác nhau. Trong đó có một số bức chạm có nội dung liên qua đến cuộc đời đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni: cảnh hoàng hậu Maya ở vườn Lumbini; cảnh đức Phật xuống tóc, trao đổi y phục với người đi săn để đi tu; cảnh đạo quân Mara và các cô con gái Mara đang quấy phá đức Phật tu hành; cảnh người hầu Chankada và con ngựa Kauthaka trở về sau khi đức Phật vào rừng tu hành;…

Trên mặt bắc của đài thờ tái hiện lại quãng đời Thái tử Tất Đạt Đa trưởng thành và xuất gia. Mặt nam của đài thờ là các cảnh về quá trình tu tập và giác ngộ của đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni.

Trong cuốn Phật viện Đồng Dương, tác giả Ngô Văn Doanh đã giải thích ý nghĩa các mặt của đài thờ. Theo tác giả Ngô Văn Doanh, ba mặt đài thờ mô tả ba giai đoạn của cuộc đời đức Phật. Đó là hình ảnh chạm khắc Bồ tát từ cõi trời Đâu suất hạ sanh xuống cõi Ta bà; cảnh đức Phật đản sanh ở vườn Lumbini;…

Đài thờ Đồng Dương với các hình ảnh chạm khắc về sự tích đản sanh và giác ngộ của Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni là hiện vật hiếm hoi, chứng minh cho sự phát triển của Phật giáo thời bấy giờ. Hiện nay, kiến trúc của Phật viện Đồng Dương chỉ còn lại dấu vết nền móng. Các hiện vật đã được đưa về các bảo tàng. Đài thờ Đông Dương là đài thờ có kích thước lớn nhất trong loại hình đài thờ Chăm-pa được phát hiện.

THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT