Khám phá nền văn hóa cổ của vương quốc Champa tại phòng trưng bày Trà Kiệu
Đăng ngày 18-12-2019 07:41, Lượt xem: 3686

Qua những hiện vật quý hiếm đang được trưng bày tại phòng Trà Kiệu (Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng), người xem như được “mục sở thị” nền văn hóa của kinh đô đầu tiên và cổ nhất của vương quốc Champa xưa.

Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng được xây dựng vào năm 1915 và chính thức khánh thành vào đầu năm 1919. Với kiến trúc Gothic độc đáo, tọa lạc trên một khuôn viên rộng lớn cùng những khóm hoa sứ tỏa hương dịu nhẹ khắp mọi ngóc ngách. Đây là nơi bảo quản và trưng bày các bộ sưu tập quý hiếm bậc nhất về nghệ thuật điêu khắc Champa. Trong đó, có lưu giữ 4 bảo vật quốc gia Việt Nam.

Bảo tàng điêu khắc Chăm – một trong những điểm thu hút du khách quốc tế khi đến thăm Đà Nẵng, đang sở hữu gần 2.000 hiện vật lớn nhỏ. Trong đó, tổng số hiện vật nghệ thuật trưng bày lên đến 500 món, được phân chia thành 12 phòng trưng bày: Trà Kiệu; Mỹ Sơn; Đông Dương; Tháp Mẫm; Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Bình Định – Kon Tum; Văn Khắc; Gốm Sa Huỳnh – Champa và Ninh Thuận.

Bên cạnh hệ thống trưng bày chính, Bảo tàng còn có 3 phòng trưng bày chuyên đề để giới thiệu một chủ đề lịch sự cụ thể, một sưu tập cổ vật đặc sắc hay một đặc trưng văn hóa độc đáo… Đó là các phòng trưng bày: Kết quả khai quật khảo cổ di tích tháp Chăm Phong Lệ (2011-2018); Trưng bày kho mở; Trưng bày ảnh Bảo tàng điêu khắc Chăm: 100 năm xây dựng và phát triển.

Phòng trưng bày Trà Kiệu là một trong 12 phòng trưng bày thuộc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Di tích Trà Kiệu cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 50 km về phía nam,thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.


Không gian trưng bày tại phòng Trà Kiệu (Ảnh: Bảo tàng Chăm)


Hiện tại phòng này có 43 tác phẩm. Phần lớn hiện vật trong bộ sưu tập Trà Kiệu được xác định niên đại vào khoảng thế kỷ X - XI, nhưng cũng có hiện vật được số đông các nhà nghiên cứu xác định vào thế kỷ V - VI (Yaksa, BTC 136 – 20.2 ) hoặc cũng có hiện vật đang còn những ý kiến xác định niên đại khác xa nhau đến 3 – 4 thế kỷ (Đài thờ, BTC 95 - 22.5).

Các nhà sưu tầm đã tìm thấy ở khu vực này một số hiện vật điêu khắc đá thuộc văn hóa Champa vào những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, bao gồm các mảnh vỡ của đài thờ, một chiếc linga và những phù điêu trang trí.

Sau đó trong hai năm 1927-1928, nhiều hiện vật điêu khắc cùng với nền móng các đền tháp và dấu vết các tường thành cũng đã được phát hiện tại Trà Kiệu do trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp thực hiện.

Đối chiếu những phát hiện khảo cổ với ghi chép trong tài liệu địa chí xưa, một số nhà nghiên cứu xác định Trà Kiệu từng là kinh đô của vương quốc Champa thời sơ kỳ, tương ứng với tên gọi Simhapura được nhắc đến trong một vài văn bia Chăm. Simhapura nghĩa là thành phố Sư Tử.

Đặc điểm nghệ thuật của hiện vật Trà Kiệu có nét chung là tính mềm mại, sống động, và cũng hết sức đa dạng về trang phục, trang sức, động tác.


Đài thờ Trà Kiệu (Ảnh: Bảo tàng Chăm)

Đặc biệt tại phòng trưng bày này có Đài thờ Trà Kiệu được công nhận là bảo vật quốc gia. Đài thờ được làm bằng đá sa thạch xanh xám, có niên đại trong khoảng từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 10. Đây là một đài thờ còn nguyên vẹn 3 phần, gồm: Đế thờ, thân thờ và vật thờ với 4 cạnh chạm nổi hoạt cảnh đám cưới của chàng Rama và nàng Sita trong tác phẩm văn học Ramayana - bộ sử thi vĩ đại của người Ấn Độ.

THỦY THANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT