Phòng trưng bày Văn khắc - Bức tranh sống động về đời sống và tín ngưỡng của vương quốc Champa
Đăng ngày 18-12-2019 07:41, Lượt xem: 571

Ở thời vương quốc Champa, các bản văn quan trọng và chi tiết chủ yếu được khắc trên các tấm bia đá, qua đó cho chúng ta biết những thông tin về đời sống xã hội và tín ngưỡng của vuong quốc này.

Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng được xây dựng vào năm 1915 và chính thức khánh thành vào đầu năm 1919. Với kiến trúc Gothic độc đáo, tọa lạc trên một khuôn viên rộng lớn cùng những khóm hoa sứ tỏa hương dịu nhẹ khắp mọi ngóc ngách. Đây là nơi bảo quản và trưng bày các bộ sưu tập quý hiếm bậc nhất về nghệ thuật điêu khắc Champa. Trong đó, có lưu giữ 4 bảo vật quốc gia Việt Nam.

Bảo tàng điêu khắc Chăm – một trong những điểm thu hút du khách quốc tế khi đến thăm Đà Nẵng, đang sở hữu gần 2.000 hiện vật lớn nhỏ. Trong đó, tổng số hiện vật nghệ thuật trưng bày lên đến 500 món, được phân chia thành 12 phòng trưng bày: Trà Kiệu; Mỹ Sơn; Đông Dương; Tháp Mẫm; Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Bình Định – Kon Tum; Văn Khắc; Gốm Sa Huỳnh – Champa và Ninh Thuận.

Bên cạnh hệ thống trưng bày chính, Bảo tàng còn có 3 phòng trưng bày chuyên đề để giới thiệu một chủ đề lịch sự cụ thể, một sưu tập cổ vật đặc sắc hay một đặc trưng văn hóa độc đáo… Đó là các phòng trưng bày: Kết quả khai quật khảo cổ di tích tháp Chăm Phong Lệ (2011-2018); Trưng bày kho mở; Trưng bày ảnh Bảo tàng điêu khắc Chăm: 100 năm xây dựng và phát triển.

Phòng trưng bày Văn khắc là một trong những trung tâm quan trọng của vương quốc Champa.


Phòng trưng bày Văn Khắc (Ảnh: Bảo tàng Chăm)

Từ xa xưa, các nhà khảo cổ đã tìm thấy văn khắc Champa trên vách đá, trong các chi tiết trang trí kiến trúc, các bệ tượng thần, vật dụng bằng kim loại hoặc đất nung. Tuy nhiên, các bản văn quan trọng và chứa nội dung chi tiết về việc xây dựng, trùng tu, dân cúng đất đại và giao người trông coi ngôi đền tháp lại được khắc trên các tấm bia đá. Bia đá thường được dựng trước những ngôi tháp thờ các vị thần Hindu giáo hoặc Phật giáo.

Các văn bản khắc trên bia thường nhân danh những vị vua, người trong hoàng tộc hoặc quan lại cao cấp. Có thể nhận thấy rằng, nội dung trên văn bia cung cấp cho chúng ta thông tin về đời sống xã hội, tín ngưỡng của vương quốc Champa, mối quan hệ của Champa với các nước láng giềng.


 Bia được lập vào ngày 19 tháng 5 năm 687 sau CN (609 theo lịch Saka), được viết bằng chữ Sanskrit (Ảnh: Bảo tàng Chăm)

Niên đại ghi trên các văn bia có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xác định thời kỳ xây dựng ngôi tháp, là nền tảng vững chắc giúp các nhà khảo cổ đoán được niên đại của những hiện vật điêu khắc gắn với công trình kiến trúc. Trước thế kỷ X, các văn bia thường sử dụng tiếng Sanskrit và hệ thống chữ viết Brahmi (chữ Phạn). Sau thế kỷ X, tiếng Chăm cổ được sử dụng thay thế và phổ biến rộng rãi đến nay.

THỦY THANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT