Phòng trưng bày Sa Huỳnh - Champa tái hiện nghệ thuật chế tác gốm
Đăng ngày 18-12-2019 07:40, Lượt xem: 2727

Ở phòng trưng bày này, người xem có dịp hình dung được mối quan hệ tiếp nối giữa văn hóa Sa Huỳnh và Champa qua đặc trưng kiểu dáng, màu sắc, chất liệu và kỹ thuật chế tác thể hiện ở sản phẩm gốm.

Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng được xây dựng vào năm 1915 và chính thức khánh thành vào đầu năm 1919. Với kiến trúc Gothic độc đáo, tọa lạc trên một khuôn viên rộng lớn cùng những khóm hoa sứ tỏa hương dịu nhẹ khắp mọi ngóc ngách. Đây là nơi bảo quản và trưng bày các bộ sưu tập quý hiếm bậc nhất về nghệ thuật điêu khắc Champa. Trong đó, có lưu giữ 4 bảo vật quốc gia Việt Nam.

Bảo tàng điêu khắc Chăm – một trong những điểm thu hút du khách quốc tế khi đến thăm Đà Nẵng, đang sở hữu gần 2.000 hiện vật lớn nhỏ. Trong đó, tổng số hiện vật nghệ thuật trưng bày lên đến 500 món, được phân chia thành 12 phòng trưng bày: Trà Kiệu; Mỹ Sơn; Đông Dương; Tháp Mẫm; Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Bình Định – Kon Tum; Văn Khắc; Gốm Sa Huỳnh – Champa và Ninh Thuận.

Bên cạnh hệ thống trưng bày chính, Bảo tàng còn có 3 phòng trưng bày chuyên đề để giới thiệu một chủ đề lịch sự cụ thể, một sưu tập cổ vật đặc sắc hay một đặc trưng văn hóa độc đáo… Đó là các phòng trưng bày: Kết quả khai quật khảo cổ di tích tháp Chăm Phong Lệ (2011-2018); Trưng bày kho mở; Trưng bày ảnh Bảo tàng điêu khắc Chăm: 100 năm xây dựng và phát triển.

Phòng trưng bày gốm Sa Huỳnh - Champa là một trong những trung tâm quan trọng của vương quốc Champa.

Sa Huỳnh thuộc xã Phổ Thạch, huyện Đức Phổ, cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 60km về phía nam (tiếp giáp với Bình Định). Tại đây, trong cuộc khai quật vào năm 1909, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật đặc biệt và từ đó đặt tên là nền “Văn hóa Sa Huỳnh”.


Không gian tại phòng trưng bày gốm Sa Huỳnh - Champa (Ảnh: Bảo tàng Chăm)

Đặc trưng cơ bản của Văn hóa Sa Huỳnh là hình thức mai táng bằng mộ chum, đồ trang sức thủy tinh và đồ dùng chất liệu gốm. Mộ chum Sa Huỳnh đa dạng về kích thước và kiểu dáng như: Chum hình trụ, chum hình trứng, hình trung gian giữa hình trụ và hình trứng, hình cầu, chum lồng nhau,... Chum thường có nắp hình nón cụt đáy, loại gần hình chóp nón đáy gần nhọn, loại hình cầu đáy lòng chảo,... Kích thước chum khá đa dạng, lớn nhất có chiều cao tới 1,8 m, đường kính 1m còn đa phần cao dưới 1m, đường kính 50 cm - 60 cm. Ngoài mộ chum, văn hóa Sa Huỳnh còn có loại mộ đất, mộ nồi vò nhưng ít phổ biến hơn.

Hiện vật Sa Huỳnh có niên đại trước thế kỷ II, đồ sắt là hiện vật đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh. Đồ sắt khá đa dạng và phong phú về loại hình, kiểu dáng cũng như công dụng, thường được chia thành hai nhóm cơ bản là công cụ sản xuất và vũ khí. Bên cạnh đó, đồ gốm Sa Huỳnh cũng góp phần tạo nên bản sắc riêng cho nền văn hóa nổi tiếng này. Có thể dễ dàng nhận thấy mối liên hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh và Champa qua các đặc trưng thể hiện trên sản phẩm gốm của cư dân bản địa nơi đây.

Nghệ thuật chế tác gốm chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong văn hóa Champa. Tại nhiều di tích, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mảnh gốm vừa mang đặc điểm của gốm Sa Huỳnh và cả đặc điểm gốm Champa. Gốm Chăm thường được sử dụng trong kiến trúc và trang trí ở các bộ phận ngói lợp, gạch nền, góc tháp, trên tường... Ngoài ra, trong sinh hoạt hàng ngày của cư dân Champa, có thể dễ dàng nhận thấy các vật dụng mang chất liệu gốm xuất hiện như nồi nấu thức ăn. vò đựng nước…,

Trong cuộc khai quật khảo cổ ở tỉnh Bình Định, các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu tích nhiều lò gốm mang tên Gò Sành, có niên đại vào thế kỷ XIV, XV. Với các đặc tính nổi bật, gốm Gò Sành được xem là cầu nối giữa gốm Champa và gốm Đại Việt. Đến nay, gốm Gò Sành vẫn được duy trì, phát triển dưới bàn tay tài hoa, khéo léo của những người thợ thủ công ở dải đất miền Trung.

THỦY THANH

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT