Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng
Đăng ngày 10-05-2022 16:30, Lượt xem: 412

Sáng 10-5, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng”. Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn tham dự chương trình.

Chuyển đổi số, xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn cho biết, Đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được xác định là một trong các đề án mang tính “động lực” cho sự phát triển của thành phố.

Trong đó, ở lĩnh vực tài chính – ngân hàng, thương mại điện tử, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, tối thiểu 90% doanh nghiệp có tài khoản thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; tối thiểu 50% dân số tham gia các hoạt động mua sắm trực tuyến; doanh số thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp - khách hàng) chiếm ít nhất 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố.

“Đà Nẵng là một trong những đô thị tại Việt Nam có công nghệ thông tin khá phát triển. Đây là một trong những yếu tố tiền đề để các hoạt động công nghệ tài chính, công nghệ số trong lĩnh vực tài chính phát triển. Hiện nay, doanh nghiệp công nghệ số ở Đà Nẵng đã phát triển khá mạng mẽ và đóng vai trò quan trọng nền kinh tế địa phương”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn nhấn mạnh.


Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn, Đà Nẵng có chính sách thuận lợi cho phát triển công nghệ thông tin – truyền thông và nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào, tạo cơ hội cho việc nghiên cứu phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

“Hội thảo hôm nay là hoạt động cần thiết, giúp thành phố có thêm tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình cụ thể các chủ trương, chính sách lớn của thành phố trong giai đoạn sắp đến, trong đó có việc hoàn thiện Đề án “Xây dựng trung tâm tài chính khu vực” theo mục tiêu định hướng tại Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị”, Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn nói.


Ông Huỳnh Huy Hòa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội thành phố trình bày về Fintech và việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng

Theo ông Huỳnh Huy Hòa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội thành phố nhận định, Việt Nam chưa có khung pháp lý toàn diện hoặc quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh các mảng, lĩnh vực hoạt động của các công ty Fintech (tài chính số). 

Đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực hiện đang trình Chính phủ đã đề xuất một số cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động Fintech được kỳ vọng sẽ tạo thành nền tảng để thúc đẩy Đà Nẵng trở thành một Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính của quốc gia và khu vực.

Thành phố dự kiến sử dụng Khu công viên phần mềm số 2 mới được đầu tư để thu hút các tổ chức, các start-up Fintech trong nước và quốc tế.

Đến năm 2025: 50% dân số tham gia hoạt động mua sắm trực tuyến

Phát biểu tại Hội thảo, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Trần Ngọc Thạch cho biết, Đề án chuyển đổi số thành phố xác định 67 chỉ tiêu (bổ sung 48 chỉ tiêu so với quốc gia). Cụ thể: chính quyền số có 18 chỉ tiêu, kinh tế số có 12 chỉ tiêu, xã hội số có 4 chỉ tiêu; các ngành và lĩnh vực còn lại có 33 chỉ tiêu.

Lĩnh vực tài chính - ngân hàng đề ra một số chỉ tiêu như: Tỷ trọng kinh tế số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, thương mại điện tử đến năm 2025 đạt 20% và đến năm 2030 đạt 30%; Dân số tham gia hoạt động mua sắm trực tuyến đến năm 2025 đạt 50% và đạt 80% trong năm 2030;...

Riêng 2 chỉ tiêu: Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác và Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đến năm 2025 đều đạt đạt 100%.


Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Trần Ngọc Thạch trình bày một số nội dung chuyển đổi số tại Đà Nẵng

Với những chỉ tiêu đó, lĩnh vực này cũng đặt ra một số nhiệm vụ như: Triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, Triển khai các chính sách hạ tầng, nền tảng Fintech để phục vụ việc hình thành, hoạt động của Trung tâm tài chính quy mô khu vực; Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; Hình thành hệ sinh thái gắn kết doanh nghiệp thương mại điện tử với các nhà sản xuất, nhà phân phối để quản lý chuỗi cung ứng;...

Ông Trần Ngọc Thạch cho biết thêm, hiện nay, một số ứng dụng đã triển khai, mang lại hiệu quả như: Cổng thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thủ tục hành chính; Sàn Thương mại điện tử Đà Nẵng (đã có hơn 1.000 doanh nghiệp với 2.500 sản phẩm tham gia); Mô hình chợ 4.0.

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã thảo luận, trao đổi thông tin, trình bày tham luận về nhiều nội dung như: Xu hướng Fintech; Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng từ góc nhìn công nghệ; Ứng dụng blockchain trong lĩnh vực Fintech…

NGUYÊN THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác