Phê duyệt Đề án bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Đăng ngày 16-12-2020 09:39, Lượt xem: 461

Nhằm bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đặc thù của thành phố Đà Nẵng gồm các loài, nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học theo hướng bền vững "phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường của thành phố; duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả công tác quản lý và nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học; từng bước tạo sự chia sẻ trách nhiệm và lợi ích cộng đồng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2025: Rà soát, phê duyệt quy hoạch các phân khu rừng đặc dụng để quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học; xây dựng lộ trình để nghiên cứu, đề xuất nâng cấp, đầu tư phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên hiện trạng (Bà Nà - Núi Chúa, Sơn Trà, Nam Hải Vân...). Đến năm 2030, tiếp tục bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng của thành phố (như Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân...); các hệ sinh thái san hô, thảm cỏ biển, các khu vực đất ngập nước... Đến năm 2045, nâng hạng hoặc thành lập mới các khu bảo tồn của thành phố theo hướng trở thành Vườn quốc gia, Khu dự trữ sinh quyển... theo các tiêu chí quốc gia;

Đề án đã đề ra các giải pháp thực hiện như sau:

- Giải pháp về cơ chế, chính sách: Gắn kết hài hòa nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học trong các quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố; Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; Xây dựng, ban hành cơ chế chính sách, các văn bản liên quan đến lĩnh vực bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học của thành phố, đặc biệt là các cơ chế phối hợp, hợp tác trong quản lý, đa dạng sinh học; cơ chế chính sách về tài chính (các ưu đãi) để thúc đẩy phát triển hiệu quả các cơ sở bảo tồn đa  dạng sinh học và thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị đa dạng sinh học trên địa bàn thành phố.

- Giải pháp về khoa học công nghệ: Tiếp cận các công nghệ mới phục vụ cho công tác chuyên môn của Khu bảo tồn, đầu tư trang thiết bị để kiểm tra, giám sát; xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, xây dựng mạng lưới giám sát đa dạng sinh học. Chú trọng kỹ năng quản lý các hệ sinh thái trên GIS phù hợp với chức năng bảo tồn của từng khu bảo tồn.

- Giải pháp về đào tạo, nâng cao nhận thức cộng đồng: Tổ chức đào tạo, tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý, giám sát đa dạng sinh học của thành phố và cán bộ có liên quan đến bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học thông qua việc trao đổi, hợp tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ tại các trường đại học, viện nghiên cứu. Đồng thời, đào tạo tại chỗ, đào tạo thông qua hội thảo, diễn đàn, tập huấn các chương trình liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học.

- Giải pháp về hợp tác: Tăng cường liên kết với các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, xây dựng các hành lang bảo tồn đa dạng sinh học để đảm bảo sự thống nhất, cùng nhau phát triển. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức hợp tác với các tổ chức nước ngoài trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học để học tập, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và tìm kiếm hỗ trợ kỹ thuật, tài chính; tăng cường hợp tác về nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thu hút chuyên gia, thu hút vốn đầu tư vào các dự án bảo vệ và phát triển rừng và biển, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.

UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu triển khai thực hiện Đề án theo tiến độ, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách và huy động các nguồn lực để thực hiện Đề án. Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và cơ quan, đơn vị có liên quan quán triệt tổ chức thực hiện Đề án bảo tồn đa dạng sinh học thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chủ động lồng ghép mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học trong các chương trinh, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành/địa phương.

File đính kèm
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác