Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030
Đăng ngày 05-10-2020 08:24, Lượt xem: 337

Ngày 18-3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 393/QĐ-TTg về Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Các mục tiêu cụ thể của việc Quy hoạch

Việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (gọi tắt là Quy hoạch) với mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 gồm: Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt 8-9%/năm. Cơ cấu kinh tế: khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 64-65%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm từ 33-34%; khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng từ 1-2%. Về văn hóa - xã hội, dự báo dân số khoảng 1,6 triệu người (cả quy đổi), trong đó dân số chính thức (không bao gồm khách vãng lai) khoảng 1,17 triệu người. Tỷ lệ việc làm tăng thêm từ 4-5%/năm, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50% vào năm 2020. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý đạt 95% (riêng huyện Hòa Vang đạt 80%); tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường đạt 60%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt từ 95-97%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 43-44%.

Việc điều chỉnh Quy hoạch cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 đạt 12%/năm. Cơ cấu kinh tế: ngành dịch vụ 67-68%, công nghiệp và xây dựng 31-32%, nông nghiệp 1%. Dự báo dân số khoảng 2,5 triệu người (cả quy đổi), trong đó dự báo dân số chính thức (không bao gồm khách vãng lai) khoảng 1,5 triệu người. Tỷ lệ việc làm tăng thêm đạt 5-5,5%/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70% vào năm 2030. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý đạt 100%, tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường đạt 80%, tỷ lệ cây xanh đô thị 6- 8m2/người; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Độ che phủ rừng đạt khoảng 45%.

Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực

Việc điều chỉnh Quy hoạch cũng đề ra định hướng phát triển cụ thể cho các ngành, lĩnh vực: Dịch vụ; Công nghiệp - Xây dựng; Nông nghiệp; Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đô thị

Đối với ngành dịch vụ, việc điều chỉnh Quy hoạch hướng đến phát triển dịch vụ du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; bao gồm việc nghiên cứu quy hoạch và đầu tư xây dựng Vịnh Đà Nẵng với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc tạo điểm nhấn cho Đà Nẵng; phát triển cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics. 4 trọng tâm đầu tư du lịch chính: (1) Sơn Trà thành khu du lịch sinh thái cao cấp; gắn kết du lịch với bảo tồn thiên nhiên, sự đa dạng sinh học; (2) Vịnh Đà Nẵng thành “đô thị biển” mang tính chất độc đáo, tạo nên điểm nhấn về kiến trúc và dịch vụ; (3) Khu trung tâm thành phố (downtown), phố mua sắm và nhà hàng truyền thống và (4) Các dự án vui chơi, giải trí, điểm du lịch ngoại vi và liên kết vùng. Với nhóm ngành thương mại, sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trên 8% trong giai đoạn đến năm 2020 và được đẩy nhanh hơn trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 8,4-11,0%; chiếm tỷ trọng trong GRDP của thành phố khoảng 12,9% vào năm 2020 và 15,4% vào năm 2030.

Trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng,thành phố chú trọng quy hoạch phát triển công nghiệp, không để xung đột các mục tiêu giữa phát triển công nghiệp và du lịch. Thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ, tập trung phát triển các dự án công nghiệp sạch, phù hợp với thế mạnh của thành phố. Đẩy mạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng khu công nghiệp sinh thái; chú trọng phân khu chức năng để tạo điều kiện hình thành các cụm liên kết ngành, hướng tới gia nhập các chuỗi cung ứng toàn cầu. Mục tiêu đến năm 2020, các ngành công nghiệp - xây dựng sẽ đóng góp khoảng 33-34% trong cơ cấu GRDP và đến năm 2030 đóng góp 31-32% trong cơ cấu GRDP.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, sẽ hình thành các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch để tạo ra các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Tập trung quản lý, bảo vệ diện tích 3 loại rừng, triển khai thực hiện đúng quy định về chính sách trồng rừng thay thế và phát triển trồng rừng kinh tế. Đến năm 2020, khu vực nông nghiệp đóng góp khoảng từ 1-2% trong cơ cấu GRDP, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt bình quân 1,5%/năm. Dự kiến trong giai đoạn 2021-2030 tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 2,2%, chiếm khoảng 1% trong cơ cấu GRDP của Đà Nẵng vào năm 2030.

Trong Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, việc điều chỉnh quy hoạch nêu rõ những việc cần làm và mục tiêu phát triển của các lĩnh vực:  Giao thông vận tải; Viễn thông; Mạng lưới cấp điện; Cấp nước; Thoát nước và xử lý nước thải; Hạ tầng xã hội.

Các vấn đề xã hội như: Lao động, việc làm; Giáo dục và đào tạo; Y tế và chăm sóc sức khỏe; Phát triển văn hóa, thông tin, thể thao; Các lĩnh vực xã hội khác; Phát triển khoa học và công nghệ; Quan trắc, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Đảm bảo an ninh - quốc phòng cũng được nêu rõ hướng phát triển khi Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch.

Định hướng tổ chức không gian lãnh thổ

Sản xuất công nghiệp của thành phố được phân bổ tại các khu vực: 08 khu công nghiệp (KCN) tập trung: KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Hòa Cầm giai đoạn 1, KCN Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng, KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, KCN Hòa Nhơn và KCN Hòa Ninh; 05 cụm công nghiệp (CCN): CCN Thanh Vinh mở rộng, CCN Cẩm Lệ, CCN Hòa Nhơn, CCN Hòa Khánh Nam và CCN Hòa Hiệp Bắc; 04 khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung: Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, Khu phụ trợ Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1 và giai đoạn 2, Khu công nghệ thông tin tập trung.

Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, thành phố sẽ tập trung vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp chủ yếu ở huyện Hòa Vang; hoạt động khai thác thủy sản và hậu cần nghề cá ở quận Sơn Trà; các hoạt động nông nghiệp đô thị ở các quận còn lại.

Đối với việc định hướng tổ chức lãnh thổ các ngành du lịch, thành phố hiện có các trung tâm dịch vụ du lịch: Dịch vụ du lịch biển (các khu nghỉ dưỡng cao cấp, hệ thống khách sạn, dịch vụ du lịch) bố trí từ khu vực bán đảo Sơn Trà đến giáp Quảng Nam, vịnh Đà Nẵng - mỏm Nam Ô - sông Trường Định - đèo Hải Vân; du lịch sinh thái sông, hồ bố trí dọc các sông Hàn - Vĩnh Điện - Cẩm Lệ, Cổ Cò, Cu Đê, hồ Đồng Nghệ. Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trên núi bố trí tại quần thể khu du lịch Bà Nà, Suối Mơ; phía nam đèo Hải Vân, khu du lịch Làng Vân, khu vực phía Tây. Du lịch di tích lịch sử tập trung ở khu công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, khu di tích K20, Bảo tàng điêu khắc Chăm, khu di tích Nghĩa Trũng Khuê Trung, khu di tích thành Điện Hải. Quy hoạch các sân golf ở khu Vực Hòa Vang, vùng bãi cát ven biển Ngũ Hành Sơn và các khu vực trọng điểm du lịch của thành phố.

Việc phát triển đô thị cũng được định hướng cụ thể, trong đó gồm mở rộng liên kết vùng, kết nối thành phố với các vùng phụ cận để tạo không gian phát triển đô thị. Xây dựng đô thị theo mô hình thành phố thông minh, tiện ích cao, có diện mạo quy hoạch kiến trúc đặc sắc và nhân văn. Phát triển hệ thống không gian xanh, hệ thống quảng trường, phố đi bộ gắn với các trung tâm, cửa hàng mua sắm, chợ đêm và các không gian công cộng. Xây dựng hình ảnh đô thị hài hòa, sinh động, phát huy tối đa các giá trị tự nhiên của một đô thị có sông, núi, biển, đảo. Thực hiện tái thiết khu trung tâm đô thị cũ theo hướng mô hình đô thị nén. Quy hoạch Vịnh Đà Nẵng thành “đô thị biển” với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc.

Việc điều chỉnh Quy hoạch cũng định hướng sử dụng đất phù hợp với định hướng phát triển không gian thành phố Đà Nẵng về lâu dài, đồng thời phù hợp các chỉ tiêu sử dụng đất của các ngành, các địa phương cụ thể đến năm 2030. Chú trọng nguồn đất dự trữ phát triển. Khoanh định, quản lý các loại đất hiện trạng, đề ra các giải pháp sử dụng đất phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội thành phố, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất hiện tại và tương lai của các ngành, các cấp. Phân bố đất đai sử dụng cho các ngành các cấp theo quy hoạch, kế hoạch phù hợp với vị trí và không gian đô thị trong tương lai, thúc đẩy kinh tế phát triển. Tạo cơ sở pháp lý và khoa học cho việc giao đất, thu hồi đất, sử dụng đất đúng pháp luật, đúng mục đích, có hiệu quả. Bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa khai thác sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội với sử dụng đất bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, chú trọng quỹ đất tại các khu vực nhạy cảm như bờ biển, vùng đệm các dòng sông, các triền đồi núi...

Để triển khai hiệu quả việc quy hoạch, một số giải pháp được đề ra như: Giải pháp vốn và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; Giải pháp đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Giải pháp về khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường; Giải pháp về hợp tác vùng, quốc gia và quốc tế; Giải pháp tổ chức thực hiện.

 
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT