Những vấn đề đặt ra đối với chỉ số PCI của thành phố
Đăng ngày 03-12-2022 16:18, Lượt xem: 167

Trên cơ sở phân tích chi tiết kết quả khảo sát PCI 2020 và một số nguyên nhân đối với sự tăng giảm của từng chỉ tiêu đối với từng nhóm chỉ số thành phần, có thể thấy một số vấn đề cần đặt ra đối với từng nhóm chỉ số thành phần cụ thể như sau:

1. Chỉ số thành phần giảm điểm và tụt hạng

Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo thành phố

Như đã phân tích ở trên, Chỉ số thành phần Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo thành phố đã từng là chỉ số thành phần thế mạnh của Đà Nẵng, tuy nhiên thời gian gần đây, điểm số và vị trí xếp hạng của chỉ số thành phần này đều suy giảm. Điều này, đòi hỏi chính quyền thành phố Đà Nẵng phải có giải pháp mạnh mẽ để có thể ngăn đà sụt giảm và lấy lại vị thế của thành phố đối với chỉ số thành phần này như những năm trước đây. Theo đó, trong thời gian đến chính quyền thành phố cần tập trung cải thiện các chỉ tiêu sau:

- Cần thể hiện thái độ tích cực hơn nữa của chính quyền thành phố với khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn thành phố.

- Chính quyền thành phố hay cụ thể ở đây là các cán bộ trực tiếp tham mưu, giải quyết TTHC cho doanh nghiệp cần thể hiện sự “chủ động” khi chính sách, pháp luật Trung ương có điểm chưa rõ hơn là phải “đợi xin ý kiến chỉ đạo” hoặc “không làm gì”.

- Chính quyền thành phố cần quan tâm hơn đối với việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn của DN. Đặc biệt cần phải có phản hồi cho DN đối với những khó khăn, vướng mắc mà họ phản ánh. Ngoài ra, trong năm qua, việc giải quyết vướng mắc, khó khăn của DN kịp thời qua đối thoại doanh nghiệp cũng suy giảm, tuy nhiên điều này có thể một phần do ảnh hưởng của COVID-19 đã liên tục bùng phát tại thành phố Đà Nẵng, hy vọng điều này có thể được cải thiện hơn khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

- Bên cạnh đó, các chỉ tiêu liên quan đến việc triển khai các sáng kiến hay chủ trương xuống cấp sở, ngành và quận, huyện cũng chưa thật sự tốt. Đòi hỏi chính quyền thành phố cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn trong thời gian đến.

Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

Kết quả phân tích đối với chỉ số thành phần Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua cho thấy sự không ổn định của chỉ số thành phần này, ngoài ra, việc cải thiện của chỉ số thành phần này nhìn chung vẫn chưa theo kịp so với các địa phương khác. Đà Nẵng xếp hạng cuối trong tốp 10 địa phương dẫn đầu PCI ở chỉ số thành phần này.

Kết quả điểm chỉ số thành phần cho thấy các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, như tìm kiếm thông tin, tư vấn pháp luật, xúc tiến thương mại, công nghệ, kế toán - tài chính, quản trị kinh doanh đều không được các doanh nghiệp Đà Nẵng sử dụng nhiều; và các doanh nghiệp đã và đang sử dụng các dịch vụ này đa phần đều không có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ (ngoại trừ dịch vụ kế toán-tài chính).

Bên cạnh đó, kết quả PCI 2020 cho thấy, Tỷ lệ DN cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (CCDV) trên tổng số DN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn còn khá thấp và có xu hướng giảm. Vì vậy, thành phố cần phải có chính sách, giải pháp để phát triển, nâng cao số lượng và đặc biệt là chất lượng cộng đồng DN cung cấp dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Chất lượng đào tạo lao động

Đây là chỉ số thành phần mặc dù vẫn nằm trong nhóm 03 địa phương dẫn dầu nhưng đang có dấu hiệu chững lại. Một phần nguyên nhân là do các chỉ tiêu liên quan về dịch vụ giới thiệu việc làm đã liên tục suy giảm trong những năm gần đây. Điều này một lần nữa khẳng định các dịch vụ hỗ trợ DN của Đà Nẵng đang giảm sút.

Một điểm cần đáng lưu ý nữa là doanh nghiệp tại Đà Nẵng phải chi trả tỷ lệ lớn trong tổng chi phí kinh doanh dành cho Tuyển dụng lao động (4,76%) và Đào tạo lao động (5,49%); trong khi tỷ lệ tương ứng của tỉnh đứng đầu PCI 2020 - Quảng Ninh - chỉ là 2,65% và 3,58%.

2. Chỉ số thành phần giảm điểm và có cải thiện về thứ hạng

Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất

Đây là chỉ số thành phần khá nhạy cảm đối với thành phố Đà Nẵng. Theo đó, vấn đề liên quan đến TTHC đất đai trong vòng 2 năm qua và việc cấp GCNQSDĐ cần phải được tiếp tục rà soát tháo gỡ và rút ngắn.

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cần có những giải pháp để cải thiện khó khăn về thiếu quỹ đất sạch trong thời gian đến.

Ngoài ra, để có thể góp phần cải thiện chỉ số Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, trong thời gian đến thành phố cần quan tâm hơn đến mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và việc bồi thường thỏa đáng cho doanh nghiệp khi bị thu hồi đất, bởi vì đây là nhóm chỉ tiêu mà các địa phương khác đang làm khá tốt.

Tính minh bạch và tiếp cận thông tin

Chỉ số thành phần Tính minh bạch và tiếp cận thông tin đã từng là chỉ số thành phần thế mạnh của Đà Nẵng, tuy nhiên, kết quả chỉ số thành phần Tính minh bạch và tiếp cận thông tin năm 2020 có điểm số đạt mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Điều này, đòi hỏi chính quyền thành phố Đà Nẵng phải có giải pháp mạnh mẽ để có thể ngăn đà sụt giảm và lấy lại vị thế của thành phố đối với chỉ số thành phần này như những năm trước đây. Theo đó, trong thời gian đến chính quyền thành phố cần tập trung cải thiện các chỉ tiêu sau:

- Chính quyền thành phố cần lưu ý đối với việc cung cấp thông tin, văn bản khi có những yêu cầu hoặc đề nghị từ phía DN. Đặc biệt, cần quan tâm đến thời gian xử lý, để kịp thời có phản hồi cho doanh nghiệp.

- Cần quan tâm hơn nữa vai trò của Hiệp hội, hội DN trên địa bàn trong việc xây dựng chính sách, quy định của thành phố, đặc biệt là các chính sách, quy định liên quan đến quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

- Bên cạnh đó, cần rà soát lại các quy trình, cách thức trong việc công khai các tài liệu quy hoạch và tài liệu pháp lý, để doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các tài liệu này.

- Ngoài ra, chỉ tiêu “Thỏa thuận” khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng mặc dù có cải thiện nhưng vẫn còn bị đánh giá khá thấp so với các địa phương trong tốp 10.

3. Chỉ số thành phần tăng điểm và tụt hạng

Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự

Chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự của Đà Nẵng mặc dù liên tục được cải thiện về mặt điểm số tuy nhiên vị trí xếp hạng lại cũng liên tục giảm từ năm 2018 đến nay, cho thấy những nỗ lực cải thiện của Đà Nẵng vẫn chưa theo kịp với tốc độ cải thiện của các địa phương khác trong cả nước. Điều này, cho thấy chính quyền thành phố cần phải có sự cải thiện tích cực và mạnh mẽ hơn nữa đối với chỉ số thành phần này trong thời gian đến.

Đặc biệt tập trung vào hệ thống các giải pháp nhằm tăng cường sự tin tưởng của doanh nghiệp rằng hệ thống pháp luật có cơ chế giúp DN tố cáo cán bộ nhũng nhiễu hay tin rằng lãnh đạo thành phố sẽ không bao che và sẽ nghiêm túc kỷ luật cán bộ nhũng nhiễu DN.

Bên cạnh đó, có thể do tác động của dịch bệnh COVID-19 mà trong năm qua, tỷ lệ DN bị mất trộm tài sản có dấu hiệu tăng trở lại.

4. Chỉ số thành phần tăng điểm và có cải thiện về thứ hạng

Chi phí thời gian để thực hiện các quy định Nhà nước

Chỉ số thành phần chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước của Đà Nẵng đã được cải thiện mạnh, điểm số của chỉ số thành phần này đã đạt điểm cao nhất trong hơn 10 năm qua. Hầu hết các chỉ tiêu thành phần đều cải thiện so với năm 2019. Tuy nhiên, so với tốp 10 địa phương dẫn đầu PCI thì thành phố cần tập trung cải thiện các vấn đề liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra đối với DN. Trong đó, cần phải có những giải pháp để có thể kiểm soát tốt quá trình thanh tra, kiểm tra để không tạo cơ hội cho cán bộ nhũng nhiễu DN. Đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu đơn giản TTHC, đặc biệt đối với các TTHC ở những lĩnh vực còn phiền hà, chủ yếu tập trung đối với các TTHC ở các lĩnh vực liên quan đến Đất đai, giải phóng mặt bằng; Bảo hiểm xã hội; Thuế, phí, lệ phí và Quản lý thị trường.

Chi phí gia nhập thị trường

Cần phải tập trung rà soát đối với việc thay đổi đăng ký kinh doanh. Theo đó, cần có những giải pháp để rút ngắn số ngày thay đổi đăng ký kinh doanh.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu liên quan đến cán bộ trong thủ tục đăng ký cũng như thay đổi đăng ký kinh doanh của DN vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện.

Đồng thời, việc ứng dụng CNTT liên quan đến thủ tục (thay đổi) đăng ký DN, mặc dù cũng đã rất phát triển trong công cuộc chuyển đổi sang thủ tục hành chính công trực tuyến, nhưng cũng cần phải rà soát để tiếp tục cải thiện về hiệu quả và chất lượng trong thời gian đến để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của DN.

Cạnh tranh bình đẳng

Như đã phân tích ở trên, qua 8 năm đánh giá, chỉ số thành phần Cạnh tranh bình đẳng chưa bao giờ là thế mạnh của Đà Nẵng. Mặc dù trong những năm gần đây điểm số của chỉ số thành phần này đang có xu hướng cải thiện, tuy nhiên về vị trí xếp hạng vẫn nằm ở nhóm thấp của bảng xếp hạng. Vì vậy, nếu có thể cải thiện chỉ số thành phần này, nó sẽ có những đóng góp mạnh mẽ đối với mức độ cải thiện của Đà Nẵng trong điểm tổng hợp của PCI cũng như sẽ góp phần cải thiện đáng kể vị trí xếp hạng của Đà Nẵng.

Trong thời gian đến, các vấn đề liên quan đến việc phân biệt đối xử giữa DN dân doanh với các loại hình DN FDI cần phải được cải thiện mạnh mẽ. Trong đó, lưu ý hạn chế sự đối xử ưu ái, thiên vị đối với loại hình DN FDI trong các hoạt động tiếp cận đất đai, trong miễn/giảm thuế TNDN, hay trong việc tiếp nhận và giải quyết các khó khăn so với các DN dân doanh trên địa bàn.

Chi phí không chính thức

Như đã đề cập chỉ số Chi phí không chính thức trong những năm gần đây đang liên tục có sự cải thiện về mặt điểm số tuy nhiên về thứ hạng thì vẫn đang ở nhóm trên chứ chưa có thể vào nhóm các địa phương dẫn đầu của bảng xếp hạng.

Tuy nhiên đáng chú ý là các khoản chi phí không chính thức đang có xu hướng gia tăng ở Đà Nẵng. So với các địa phương trong tốp 10 địa phương dẫn đầu PCI thì Đà Nẵng có đến 6,37% DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại CPKCT (trong khi tỉnh đứng đầu Quảng Ninh chỉ có 2,86%). Bên cạnh đó, việc chi trả CPKCT trong thực hiện TTHC liên quan đến đất đai đã tăng trở lại.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT