Quy hoạch tổng thể ngành văn hóa, thể thao và du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2020
Đăng ngày 10-04-2017 10:06, Lượt xem: 2012

Phê duyệt Quy hoạch tổng thể ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 với các nội dung như sau:

I. Mục tiêu phát triển

1. Mục tiêu tổng quát


Đến năm 2020, Đà Nẵng là một trong 3 địa phương có hoạt động văn hoá - thể thao lớn nhất trong cả nước về cơ sở vật chất, chất lượng vận động viên. Tạo dựng một xã hội ổn định và phát triển trên cơ sở gia đình là hạt nhân. Xây dựng và phát triển thành phố thành một trong những trung tâm văn hóa của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, gắn phát triển du lịch với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. 

Giá trị tăng thêm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân 18,8%. Nâng tỷ trọng ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong cơ cấu kinh tế của thành phố từ 6,56% năm 2010 lên 7,97% vào năm 2015 và 11,12% vào năm 2020.

2. Mục tiêu cụ thể 

2.1. Văn hóa


- 90% số hộ đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hoá.

- 60 - 65% số thôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa. 

- 35 - 45% số xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường văn hoá.

- 50% xã, phường có Nhà văn hóa.

- Số bản sách trong thư viện công cộng: 0,8 bản/người dân.

- 100% số quận, huyện có trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn quốc gia và tổ chức hoạt động hiệu quả. 

- 100% thiết chế văn hóa cấp thành phố được hoàn thành; đến năm 2015 đảm bảo theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến năm 2020 đạt chuẩn quốc gia.

- Đến năm 2020, hoàn thành tu bổ, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia và thành phố.

2.2. Gia đình

- 90% số hộ không có bạo lực trong gia đình.

- 80% nam, nữ thanh niên được trang bị kiến thức về hôn nhân và gia đình trước khi kết hôn.

- Xây dựng bộ chỉ số về tình hình bạo lực gia đình trên toàn địa bàn thành phố và thường xuyên được cập nhật, đảm bảo chính xác, khách quan.

- 100% số xã, phường thiết lập đường dây nóng, mạng lưới địa chỉ tin cậy tại cộng đồng dân cư.

- 50% quận, huyện thành lập được cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình trực thuộc Phòng Văn hóa, Thể thao.

- 100% cán bộ làm công tác gia đình của thành phố, quận, huyện, xã, phường được tập huấn công tác quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình hàng năm.

- 90% cán bộ thôn, tổ dân phố làm công tác gia đình được tập huấn về tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình hàng năm.

- Khuyến khích các cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện theo quy định thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; 

2.3. Thể thao

2.3.1. Thể thao quần chúng


- Phấn đấu đến  năm 2015, tỷ lệ dân số tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 30% dân số và tăng lên mức 35% vào năm 2020. 

- Tỷ lệ hộ gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 22% vào năm 2015 và đạt mức 26-28% vào năm 2020.

- Duy trì 100% số trường học thực hiện giáo dục thể chất nội khoá.

- 80-90% số trường phổ thông cơ sở và trung học có câu lạc bộ thể dục thể thao, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao, có đủ giáo viên và hướng dẫn viên thể dục thể thao.

- Số học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể thao ở mức 90% vào năm 2015 và 95% vào năm 2020.

- Nâng số trường học giảng dạy ngoại khoá về thể dục thể thao lên mức 100%.

- Tiếp tục duy trì 100% số cán bộ, chiến sĩ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo từng quân, binh chủng.

- 100% cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể thao vào năm 2015.

2.3.2. Thể thao thành tích cao

- Đến năm 2015, đào tạo từ 28 - 30 môn thể thao, khoảng 600 - 650 vận động viên, số lượng huấn luyện viên, chuyên gia khoảng 90 - 100 người; đến năm 2020, đào tạo từ 30 - 32 môn thể thao, khoảng 700 - 750 vận động viên, số lượng huấn luyện viên, chuyên gia khoảng 100 - 110 người.

- Đến năm 2015 đào tạo, liên kết đào tạo trong, ngoài nước khoảng 20 trọng tài quốc tế, 100 trọng tài cấp quốc gia. Đến năm 2020, đào tạo khoảng 30 trọng tài quốc tế và 130 trọng tài cấp quốc gia. Đảm bảo đầy đủ cán bộ khoa học, bác sĩ thể thao phục vụ cho hệ thống thể thao thành tích cao và thể thao trẻ.

- Đối với các giải quốc gia, đến năm 2015 đạt 620 - 650 huy chương các loại; trong đó, tại các giải vô địch quốc gia đạt từ 35 - 40 huy chương vàng. Đến năm 2020 đạt 720 - 750 huy chương các loại, trong đó tại các giải vô địch quốc gia đạt từ 50 huy chương vàng trở lên. 

2.4. Du lịch

Số lượt khách đến Đà Nẵng đến năm 2015 ước đạt khoảng 3,5 triệu lượt khách và đến năm 2020 đạt 8,1 triệu lượt khách, tốc độ tăng trung bình hàng năm giai đoạn 2011 - 2020 đạt 18,37%. Trong đó, khách quốc tế khoảng 700 ngàn lượt khách vào năm 2015 và 1,4 triệu lượt khách vào năm 2020.

Doanh thu chuyên ngành du lịch đạt 3,1 ngàn tỷ đồng vào năm 2015 và đến năm 2020 tăng lên đến 10,1 ngàn tỷ đồng. Giá trị tăng thêm lĩnh vực du lịch vào năm 2010 đạt 1,5 ngàn tỷ đồng; đến năm 2020 đạt 13,86 ngàn tỷ đồng, chiếm 9,25% GDP của thành phố, với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt từ 17-18%/ năm.

Đến năm 2015 tạo thêm khoảng 6,7 ngàn việc làm trực tiếp trong ngành du lịch và khoảng hơn 9 ngàn việc làm vào năm 2020. 

II. Định hướng phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch thành phố đến năm 2020

1. Định hướng chung


Tập trung xây dựng con người Đà Nẵng văn hóa - văn minh thông qua việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, nhân cách và nếp sống văn hóa - văn minh đô thị cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt đối với cán bộ công chức; quyết tâm chống các hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, thiếu trách nhiệm; chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Động viên, khích lệ cá nhân, gia đình phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

Phát triển thể dục, thể thao quần chúng một cách toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng. Gắn phát triển sự nghiệp thể thao với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Cải tạo và xây dựng mới hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao các cấp. Phát huy hiệu quả các công trình, dự án đã thực hiện. Hiện đại hóa thiết bị chuyên dùng đảm bảo hoạt động nhà văn hóa, nhà thi đấu đạt chất lượng cao.

Đẩy mạnh công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thể thao theo các đề án đã được HĐND và UBND thành phố thông qua. 

Phát triển du lịch Đà Nẵng đảm bảo đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí của nhân dân, kiều bào và khách du lịch quốc tế, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo việc làm và phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Xem phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát triển du lịch trong mối quan hệ hữu cơ với các ngành kinh tế - kỹ thuật của thành phố, đồng thời, bảo đảm yêu cầu giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường. Phát triển du lịch với nhiều thành phần kinh tế tham gia trong sự thống nhất quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Định hướng phát triển trên từng lĩnh vực 

2.1. Lĩnh vực văn hóa - gia đình

2.1.1. Lĩnh vực văn hóa


- Hoạt động tuyên truyền, cụm cổ động, cụm quảng cáo: Cần đưa ra các hình thức tuyên truyền mới, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thể hiện được phong cách văn hóa của địa phương và thu hút các thành phần kinh tế tham gia. Xây dựng các cụm cổ động chiến lược tại các cụm dân cư, đô thị, phù hợp với quy hoạch đô thị và quy hoạch các ngành. Công tác quy hoạch cụm quảng cáo phải mang tính ổn định lâu dài, đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị.

- Nội dung xây dựng đời sống văn hóa cơ sở: Duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, vận động toàn thể cán bộ, nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ý thức xây dựng nếp sống văn hoá - văn minh đô thị. Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các hoạt động văn hóa cơ sở phát triển.

- Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa: Phát triển hệ thống nhà văn hóa, trung tâm văn hóa tại các địa phương. Đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh của nhân dân.

- Hoạt động bảo tồn, bảo tàng: Gìn giữ, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của thành phố nhằm nâng cao lòng tự hào về truyền thống quê hương. Tiến hành quy hoạch tổng thể và khoanh vùng bảo vệ các di tích. Tiến hành trùng tu, tôn tạo các di tích, đặc biệt là các di tích đã được xếp hạng gồm 14 di tích cấp quốc gia và 27 di tích cấp thành phố. 

Quy hoạch phát triển theo hướng xây dựng mới các bảo tàng thuộc loại hình lịch sử tự nhiên, văn hoá xã hội và khoa học kỹ thuật. Phát triển bảo tàng thành một ngành kinh tế, tạo ra sự phát triển hài hòa về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và giữa con người với thiên nhiên. 

 - Hoạt động thư viện: Đến năm 2015 đảm bảo ứng dụng 100% công nghệ thông tin vào tất cả các khâu kỹ thuật nghiệp vụ thư viện, tăng cường bổ sung tài liệu điện tử (từ 10 - 15% tổng ấn phẩm bổ sung hàng năm), 50 - 70% số tư liệu trong thư viện được tin học hóa, số hóa 1 phần kho tư liệu địa chí Đà Nẵng. Đến năm 2020, hoàn thành xây dựng thư viện ở 7/8 quận, huyện, 100% thư viện quận, huyện được tin học hóa, phát triển thư viện, tủ sách mới ở 50% cơ sở xã, phường và duy trì các thư viện, tủ sách đã xây dựng.

- Hoạt động văn học - nghệ thuật: Tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động của các hội văn học - nghệ thuật. Xây dựng các chế độ, chính sách khuyến khích văn nghệ sĩ đi vào thực tiễn cuộc sống và sáng tác các tác phẩm có giá trị cao. Tạo điều kiện để công bố, quảng bá các công trình có chất lượng tốt. Chăm lo việc đào tạo các văn nghệ sĩ trẻ. Huy động nhiều nguồn lực của xã hội đầu tư cho văn học nghệ thuật.

- Hoạt động sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp: Kế thừa và phát triển nghệ thuật tuồng truyền thống của dân tộc tại thành phố Đà Nẵng, tại khu vực miền Trung. Phấn đấu đưa nghệ thuật tuồng vào với cuộc sống, trở thành một phần phổ biến trong hưởng thụ văn hóa của người dân thành phố, của du khách trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng. Từng bước đầu tư đưa Nhà hát Trưng Vương vào hoạt động với đầy đủ chức năng của một nhà hát hiện đại đa chức năng. Nâng cao chất lượng về nội dung, phong phú về hình thức để đáp ứng và nâng cao sự cảm thụ nghệ thuật cho công chúng.

- Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật: Đến năm 2015 phấn đấu nâng cấp lên thành trường cao đẳng, được Đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tốt công tác giảng dạy và học tập.

- Hoạt động phát hành phim và chiếu bóng: Duy trì hoạt động và phát triển đội chiếu bóng lưu động phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng ven thành phố. Quy hoạch lại mạng lưới chiếu bóng trên địa bàn thành phố cho phù hợp với các vùng miền. Phát triển mạng lưới phát hành phim với nhiều thành phần kinh tế tham gia, góp phần phát triển điện ảnh Việt Nam.

- Những lễ hội truyền thống và hiện đại: Nghiên cứu lập quy hoạch lễ hội nhằm thống kê, bổ sung nội dung, mô hình quản lý lễ hội, việc xã hội hóa, phân cấp mô hình tổ chức lễ hội và quản lý di tích cho cơ sở. Đối với các lễ hội lịch sử cách mạng và lễ hội văn hóa - du lịch, cần xây dựng đề án, kịch bản khoa học có sự phê duyệt của chính quyền và cơ quan chủ quản. Các lễ hội du nhập từ nước ngoài cần được quản lý, tổ chức phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội. Gắn hoạt động lễ hội với các tour, tuyến du lịch có tham quan di tích, lễ hội. 

2.1.2. Lĩnh vực gia đình

Mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con. Nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức về hôn nhân và gia đình. Thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp trong mỗi gia đình. Nghiên cứu, triển khai các chương trình, đề án về gia đình, từ đó huy động các nguồn lực vào thực hiện nội dung các đề án, hoàn thành tốt mục tiêu của đề án.

2.2. Lĩnh vực thể thao

2.2.1 Thể thao quần chúng


Phát triển thể thao quần chúng toàn diện trên cả ba mặt: thể thao trong trường học, trong lực lượng vũ trang, trong quần chúng nhân dân. Tạo điều kiện cho những người khuyết tật và người cao tuổi tham gia hoạt động thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe và hòa nhập với cộng đồng. 

Duy trì, mở rộng về quy mô và chất lượng các giải thể thao truyền thống của Đà Nẵng như: giải đua thuyền hàng năm trên sông Hàn; Giải Việt dã - chạy vũ trang truyền thống Báo Đà Nẵng... và công tác tổ chức thi đấu ở các kỳ Đại hội thể dục thể thao quận (huyện), Đại hội thể dục thể thao cấp thành phố. 

Tổ chức các giải thể thao dành cho người cao tuổi ở một số môn như: quần vợt, bóng bàn, cầu lông, bơi lội, cờ tướng… phấn đấu tổ chức từ 2 - 3 giải trong 1 năm. 

2.2.2 Thể thao thành tích cao

Căn cứ vào các môn thể thao có thế mạnh của thành phố như: bóng đá, bơi lội, điền kinh, cử tạ, đua thuyền truyền thống, các môn võ thuật… có kế hoạch đào tạo và tập huấn cụ thể, đặc biệt, tập huấn ở các nước có nền thể thao phát triển để đảm bảo vừa giữ vững, vừa phát huy thế mạnh những môn thể thao này.

Nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ chuyên môn, chuẩn hoá đội ngũ chuyên môn hiện có; thu hút các chuyên gia, huấn luyện viên giỏi trong, ngoài nước; ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào công tác huấn luyện, đào tạo vận động viên.

Kết hợp chặt chẽ giữa thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng, phát hiện những tài năng thể thao trong quần chúng nhân dân. Đặc biệt, kết hợp với ngành giáo dục và đào tạo phát hiện những tài năng thể thao trẻ, có triển vọng cho thành phố.

Nâng cao chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên, huấn luyện viên trong thời gian tập luyện cũng như trong thời gian tập trung thi đấu.

2.3. Lĩnh vực du lịch

2.3.1. Định hướng về thị trường và sản phẩm du lịch: 


Mở rộng và khai thác có hiệu quả quy mô các thị trường khách du lịch hiện có. Bên cạnh đó, chú trọng tìm kiếm và phát triển các thị trường mới, đặc biệt là các thị trường Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Ấn Độ. Phát triển du lịch Đà Nẵng theo 3 hướng chính:

- Du lịch biển, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái: 

+ Phát triển du lịch biển tại cả 3 vùng du lịch: Non Nước - Ngũ Hành Sơn - Bắc Mỹ An; Mỹ Khê - Sơn Trà; Xuân Thiều - Nam Ô - Hải Vân. Bên cạnh đó, cần chú trọng các dịch vụ khác như thuyền buồm, lướt ván, câu cá thể thao trên biển, lặn biển, du thuyền ban đêm... hình thành các khu nghỉ dưỡng ven biển quy mô lớn, chất lượng cao có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Xem đây là là hướng đột phá để xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

+ Tăng cường đầu tư, xây dựng Khu du lịch Bà Nà và vùng phụ cận trở thành khu nghỉ dưỡng núi đặc trưng, riêng có của thành phố. Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái vùng Sơn Trà, Hải Vân, Đồng Nghệ - Phước Nhơn kết hợp với vùng Bạch Mã, Cù Lao Chàm tạo thành liên vùng du lịch sinh thái đa dạng và đặc sắc. 

- Du lịch văn hoá, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề:

+ Tiếp tục nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Thành Điện Hải, Bảo tàng Đà Nẵng, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, nâng cấp hệ thống đường kết hợp xây dựng Khu du lịch sinh thái sông Cổ Cò gắn với văn hoá Phật giáo tại đây. Ngoài ra, phát triển du lịch văn hoá cần gắn với di tích văn hoá, lịch sử của các vùng phụ cận như: Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn.

+ Khai thác thế mạnh của các làng nghề, làng quê phía Nam và phía Tây thành phố Đà Nẵng, sông Hàn, sông Trường Định..., tạo thêm sự phong phú hấp dẫn cho các chương trình du lịch tại Đà Nẵng. 

- Du lịch công vụ, mua sắm, hội nghị - hội thảo: Đây là loại hình du lịch mới mà Đà Nẵng có lợi thế để phát triển nhằm thu hút nguồn khách công vụ trong và ngoài nước đến tổ chức, tham gia hội nghị, hội thảo, triển lãm kết hợp tham quan, nghỉ mát. 

2.3.2. Định hướng không gian phát triển du lịch: 

- Khoanh vùng để phát triển du lịch, tạo các điểm đến, kết nối với du lịch các địa phương, nâng cấp các tuyến du lịch. 

- Định hướng không gian mở, quy hoạch một cách tập trung và có hệ thống cũng như đáp ứng đủ nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng của du khách.

2.3.3. Định hướng tổ chức hoạt động du lịch: 

- Tổ chức các hoạt động du lịch một cách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và giữa các ngành. Có chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch phát triển. 

- Xây dựng các quy định nghiêm ngặt về môi trường, về dịch vụ, về văn hóa xã hội. 

- Xây dựng hệ thống lữ hành phục vụ khách tốt nhất, hiệu quả và uy tín nhằm làm cho khách yên tâm và quyết định nghỉ ở Đà Nẵng. Hướng thành phố trở thành trung tâm du lịch với các tiêu chí như thân thiện, an toàn, yên bình, xinh đẹp…

2.3.4. Định hướng liên kết, hợp tác trong hoạt động du lịch:

Tăng cường mối liên kết giữ ba lĩnh vực của ngành, liên kết các ngành, các lĩnh vực khác; đồng thời mở rộng liên kết, hợp tác với các địa phương trong nước, liên kết với các nước nằm trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông -Tây, liên kết, hợp tác với các nước trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch thành phố.

2.3.5. Định hướng đầu tư: 

Triển khai theo đúng quy hoạch trên cơ sở các dự án đầu tư được đánh giá tác động môi trường theo quy định, cần đặc biệt ưu tiên các dự án trọng điểm. 

2.3.6. Định hướng xúc tiến, quảng bá du lịch: 

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng để thu hút du khách đến với Đà Nẵng ngày càng tăng. 

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch không chỉ ở trong nước mà còn trên trường quốc tế, không ngừng tìm kiếm thị trường mới.

III. Các giải pháp thực hiện

1. Về phát triển nguồn nhân lực


Quy hoạch, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, lao động tham gia vào các hoạt động trong lĩnh vực của ngành; có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có.

Xây dựng cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thu hút các chuyên gia giỏi hoạt động trong các lĩnh vực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch

Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ hiện có, xây dựng các tiêu chí cho từng công việc. Từ đó, có kế hoạch bổ nhiệm, tuyển mới, đào tạo, luân chuyển, hoặc cho thôi việc những cán bộ không đáp ứng được nhu cầu của công việc.

2. Giải pháp về đầu tư tài chính

Sử dụng và khai thác có hiệu quả các nguồn vốn hiện có, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, huy động nhân dân và các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia vào các hoạt động đầu tư. Ngoài ra, có chính sách khuyến khích nhằm thu hút nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực của ngành, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Đảm bảo tốt nguồn vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch ngành.

3. Giải pháp về đổi mới cơ chế, chính sách và quản lý điều hành

Thực hiện đổi mới cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các lĩnh vực phát triển. Triển khai kịp thời, có chiều sâu các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước vào các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các thành phần kinh tế, đảm bảo tính công bằng và hiệu quả góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

4. Giải pháp về tuyên truyền, quảng bá

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông tin nhanh chóng, đầy đủ những chính sách của Đảng và nhà nước đến với người dân. Đa dạng hóa các hình thức quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng đến đông đảo bạn bè trong và ngoài nước, góp phần nâng cao vị thế du lịch Đà Nẵng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.

5. Giải pháp về đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch

Đa dạng hóa các loại hình hoạt động văn hóa, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Xây dựng mới những công trình văn hóa quan trọng, đặc sắc của thành phố trên cơ sở các dự án ưu tiên.

Nâng cao chất lượng các môn thể dục thể thao, chất lượng vận động viên, huấn luyện viên. Nghiên cứu, bổ sung các giải đấu, các môn thi cấp thành phố, đặc biệt là các giải phong trào để từ đó có điều kiện phát hiện, bồi dưỡng những nhân tài phục vụ sự nghiệp phát triển lĩnh vực thể thao của thành phố.

Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch mà thành phố có lợi thế để tập trung đầu tư phát triển, đưa du lịch thành phố trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần tích cực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

6. Giải pháp về đa dạng hóa và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất

Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đầy đủ và kịp thời. Đa dạng hóa, hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện hoạt động, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của ngành.

7. Giải pháp tổ chức liên kết, phối hợp trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch

Liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể đóng trên địa bàn thành phố, phối hợp tốt, có hiệu quả giữa các lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch, hợp tác với các địa phương khác trong và ngoài nước nhằm  thúc đẩy sự phát triển của ngành.

8. Giải pháp xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch

Đẩy nhanh quá trình xã hội hoá hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch góp phần tích cực để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đưa ngành văn hóa, thể thao và du lịch lên tầm cao mới.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác