Đánh giá chung về kết quả PCI 2020 của Việt Nam từ cảm nhận của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Đăng ngày 03-12-2022 16:11, Lượt xem: 93

Điều tra PCI - FDI năm nay có sự tham gia của 1.564 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 22 tỉnh thành có nhiều dự án đầu tư nước ngoài nhất của Việt Nam. Các DN FDI đến từ 44 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, phần lớn các doanh nghiệp FDI trong mẫu điều tra năm nay là đến từ Châu Á, chiếm tỷ lệ lớn nhất là doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.

Doanh nghiệp FDI được khảo sát năm 2020 chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất với tỷ trọng 34,5%. Kế tiếp là nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ/thương mại (28%). Doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực xây dựng chỉ chiếm 4,9% mẫu và ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 3,8%.

Kết quả khảo sát các doanh nghiệp FDI 2020 cho thấy một số điểm tích cực như:

- Việt Nam nhiều lợi thế so sánh trong thu hút đầu tư nước ngoài:

+ Lợi thế lâu dài: Yếu tố Chính trị ổn định của Việt Nam luôn có sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài. Yếu tố này của Việt Nam liên tục được các doanh nghiệp FDI đánh giá cao, với tỷ lệ trên 90%.

+ Lợi thế mới nổi: Các doanh nghiệp FDI ngày càng coi Việt Nam là điểm đến có rủi ro bị thu hồi mặt bằng sản xuất kinh doanh và rủi ro bất ổn chính sách thấp hơn, sau những bước tiến ấn tượng trong các năm qua.

+ Lợi thế còn tiềm năng: Dù đã có một số bước tiến song hai yếu tố thuế và vai trò của doanh nghiệp trong hoạch định chính sách vẫn còn là điểm yếu của môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

- Công cuộc chống tham nhũng của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Năm 2016, ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã xác định chống tham nhũng là một nhiệm vụ trọng tâm. Số liệu từ điều tra PCI-FDI 2020 một lần nữa khẳng định tính vững chắc của các thành quả này trên nhiều lĩnh vực của môi trường kinh doanh Việt Nam.

+ Tỷ lệ doanh nghiệp FDI cho biết đã phải chi trả chi phí không chính thức trong khi thực hiện thủ tục đất đai, các cuộc thanh kiểm tra, thủ tục xuất nhập khẩu đều giảm qua thời gian.

+ Chi phí không chính thức cũng có dấu hiệu giảm dần theo thời gian. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI phải dành từ 10% doanh thu trở lên để chi trả các khoản chi không chính thức giảm từ mức hơn 2% những năm 2016-2017 xuống 1,2% năm 2020.

+ Số cuộc thanh tra, kiểm tra bình quân năm của các doanh nghiệp FDI giảm dần qua thời gian, từ mức trung bình 2,85 cuộc/doanh nghiệp năm 2016 xuống còn 2,1 cuộc/doanh nghiệp năm 2020.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát DN FDI cũng ghi nhận vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại cần khắc phục:

- Tác động tiêu cực của COVID-19 thể hiện rõ nét đối với hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như hiệu quả của các DN FDI.

+ Doanh thu trung vị của các doanh nghiệp FDI sụt giảm chỉ còn 0,67 triệu USD - mức thấp nhất kể từ năm 2012. Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lỗ tăng lên 47,1% năm 2020 - mức cao nhất từ trước đến nay.

+ Dịch bệnh khiến tình hình kinh tế trở nên bất trắc và tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển của doanh nghiệp FDI. Kết quả khảo sát doanh nghiệp FDI cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh đã giảm từ 53% năm 2019 xuống 41% năm 2020.

- Lĩnh vực hệ thống thủ tục, quy định và cơ sở hạ tầng chưa có sự cải thiện đáng kể trong các năm gần đây. Hệ thống thủ tục, quy định ở Việt Nam tiếp tục là lĩnh vực cần đẩy mạnh cải thiện, theo cảm nhận của các nhà đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI phản ánh gặp khó khăn với các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực hải quan, thuế, an toàn phòng chống cháy nổ, thành lập doanh nghiệp và bảo hiểm xã hội vẫn quanh mức 23-24%.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT