Quy hoạch hành chính, thương mại và sử dụng hỗn hợp
Đăng ngày 08-11-2021 10:30, Lượt xem: 32

Đà Nẵng được định vị là trung tâm dịch vụ của khu vực miền Trung Việt Nam. Theo đó, một loạt các sử dụng thương mại và hành chính được định hướng. Hiện tại, Đà Nẵng phát triển theo hướng đô thị đơn tâm, với các chức năng thương mại và hành chính quan trọng nằm chủ yếu ở trung tâm thành phố hiện tại. Do đó, quy hoạch năm 2030 định hướng một hệ thống phân cấp cho mục đích thương mại và hành chính để phân bổ các chức năng này rộng khắp địa bàn thành phố, đảm bảo phạm vi tiếp cận dịch vụ và chuyên biệt hóa chức năng của từng đô thị.

Về hệ thống trung tâm đô thị, đây được xem là khu vực hành chính và thương mại cốt lõi của Đà Nẵng, bao gồm trung tâm hành chính, bảo tàng sống, khu trung tâm thương mại mới (CBD) và phố tài chính mới.

Hệ thống trung tâm đô thị Đà Nẵng gồm, các trung tâm đô thị phân tán đóng vai trò là trung tâm chuyên ngành cung cấp các chức năng hành chính và thương mại tại tất cả các nút kinh tế lớn ở Đà Nẵng, bao gồm: Trung tâm dịch vụ công nghệ cao, Trung tâm Đổi mới sang tạo và Trung tâm thương mại dịch gắn với ga đường sắt mới.

Trung tâm phân khu được định hướng để đảm bảo tiếp cận dễ dàng tới các chức năng công cộng từ các khu dân cư lân cận. Các trung tâm đô thị phân khu được định hướng theo các chiến lược sau: Gần các trạm giao thông công cộng là được kết nối tốt với các tuyến đường để đảm bảo tiếp cận dễ dàng; tại trung tâm địa lý của mỗi khu đô thị để đảm bảo các khu dân cư trong phạm vi gần và dễ tiếp cận với các khu việc làm; gần các cơ sở hạ tầng xã hội và công viên, tiếp cận tốt cho người đi bộ để góp phần tạo nên một không gian đô thị đáng sống.

Còn các trung tâm dịch vụ được định hướng để cung cấp dịch vụ cho các khu vực không dân cư, bao gồm Khu đô thị cảng, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tại Đà Nẵng, các chức năng dịch vụ và hành chính được phân bố theo các mục đích sử dụng đất sau đây để cho phép linh hoạt và bao phủ tốt hơn trên toàn thành phố.


Quy hoạch hành chính – thương mại định hướng (2030)

Liên quan đến đất hành chính, có thể hiểu nó bao gồm các chức năng chính trị và hành chính quan trọng, như các cơ quan Đảng, chính quyền và các cơ quan khác.

Hiện tại, khu vực hành chính cốt lõi nằm trong trung tâm thành phố Đà Nẵng, thuộc quận Hải Châu. Do những hạn chế mở rộng của trung tâm hành chính hiện tại, các chức năng hành chính tại Đà Nẵng được định hướng phân cấp. Các công sở chính sẽ vẫn ở trong trung tâm hành chính hiện tại, trong khi các sở ban ngành có thể được chuyển đến từng trung tâm phân tán được định hướng nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp với các ngành, lĩnh vực tập trung tại đó.

Một khu cơ quan mới dự kiến sẽ được bố trí khoảng 15 ha.

Tổng diện tích đất cơ quan hành chính đến năm 2030 khoảng 43 ha.

Về đất dịch vụ - công cộng cấp đô thị, được sử dụng cho các chức năng công cộng cốt lõi, thương mại dịch vụ và các hoạt động văn hóa. Trong đó bao gồm văn phòng, cửa hàng bán lẻ, chợ, khách sạn, dịch vụ, MICE, thư viện, rạp hát và các tiện ích công cộng khác.

Đất dịch vụ - công cộng cấp đô thị định hướng bao gồm: Ba trung tâm phân tán: Là các khu vực hành chính và dịch vụ phi tập trung trong thành phố; một trung tâm CBD mới tại khu vực trước đây dự kiến là ga đường sắt thuộc quận Liên Chiểul; các khu dịch vụ - công cộng cấp đô thị mới ở mỗi khu đô thị; trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố tại công viên Thanh Niên; Nhà hát lớn cấp vùng tại khu Đa Phước, Thư viện khoa học tổng hợp tại phân khu Đổi mới sang tạo,…;ác dự án thương mại khác trong thành phố như Khu phi thuế quan.

Qũy đất định hướng cho đất dịch vụ - công cộng cấp đô thị khoảng 456 ha.

Ngoài ra, các khu vực sử dụng đất hỗn hợp nhằm để tạo ra những khu vực đô thị năng động, hấp dẫn và linh hoạt để phù hợp cho cả phát triển thương mại và nhu cầu của dân cư. Từ đó cho phép sự kết nối tối đa các hoạt động sinh sống, làm việc và vui chơi giải trí, cho phép Đà Nẵng đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường. Mục đích là tạo ra các không gian kết nối và hoạt động 24/7 nhằm tăng cường sự thu hút của Đà Nẵng.

Đối với các khu vực nhạy cảm cần quản lý như Sơn Trà, Bà Nà, Làng Vân,… đất sử dụng hỗn hợp được nghiên cứu thể hiện tương đối, mang tính minh họa (vị trí chính xác thể hiện tại quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) đối với diện tích đất giao theo hồ sơ pháp lý đã có của các dự án theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định giao đất, hợp đồng thuê đất.

Đất sử dụng hỗn hợp được định hướng chủ yếu ở trung tâm thành phố hiện tại để trở thành một trung tâm sôi động, sầm uất, với khu trung tâm CBD và phố tài chính mới; dọc theo các khu vực ven sông Hàn và bờ Đông và Vịnh Đà Nẵng, chủ yếu kết hợp các khu nghỉ dưỡng và phát triển ngành khách sạn, cũng như MICE, cửa hàng bán lẻ, dịch vụ ăn uống và các điểm tham quan cho khách du lịch; xung quanh các nút trung chuyển giao thông chính (TOD) như nhà ga đường sắt mới và bến du thuyền cảng Tiên Sa (năm 2045); khu phi thuế quan cuối đường Bà Nà – Suối Mơ; tại ba trung tâm phân tán là khu vực dịch vụ sầm uất cho các cụm việc làm quan trọng; là trung tâm dịch vụ của các khu vực công nghiệp dịch vụ, như tại cảng Liên Chiểu, Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Đến năm 2030, tổng diện tích đất cho đất sử dụng hỗn hợp là 2.560 ha.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Toàn văn thuyết minh Đồ án và phụ lục 

+ Thuyết minh

+ Phụ lục kèm theo