Quy hoạch công nghiệp – công nghệ cao
Đăng ngày 08-11-2021 10:30, Lượt xem: 21

Các khu công nghiệp được phân bố hợp lí trên khắp Đà Nẵng nhằm đảm bảo các khu việc làm được đặt gần các khu dân cư. Những ngành công nghiệp gây ô nhiễm sẽ được bố trí tại các khu vực xa hơn và có khoảng cách ly phù hợp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến khu dân cư và các khu vực có giá trị cao., cụ thể:

Khu Công nghệ cao (CNC) sẽ được dành để nghiên cứu, ươm tạo, phát triển, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao…phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao và các khu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cụm CNC được định hướng trong quy hoạch 2030 có quy mô diện tích khoảng 1.710 ha, bao gồm Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao mở rộng; Khu công nghệ thông tin tập trung số 1, số 2, Khu Công viên phần mềm số 1, số 2, số 3; ngoài ra, hình thành Cụm Đổi mới sáng tạo tại phía Nam Thành phố gắn liền với Khu đô thị đại học Đà Nẵng, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Công viên phần mềm.

Việc mở rộng Khu công nghệ cao Đà Nẵng nhằm tạo quỹ đất để phát triển công tác nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo nhân lực công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm. Qua đó thu hút các nguồn lực công nghệ cao trong và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghệ cao; gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; thúc đẩy đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; phát triển thị trường khoa học và công nghệ; hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của thành phố Đà Nẵng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Khu công nghiệp hỗ trợ phát triển Khu công nghệ cao được quy hoạch tại vị trí lân cận Khu công nghệ cao; không nằm trong ranh giới quy hoạch mở rộng Khu công nghệ cao.


Quy hoạch Công nghiệp định hướng (2030)

Về đất Công Nghiệp, nó bao gồm cả công nghiệp nhẹ và các ngành công nghiệp nói chung, diện tích khoảng 2.326 ha. Chỉ những ngành không gây ô nhiễm mới được cho phép bên trong thành phố, và các khu công nghiệp sẽ dần dần được nâng cấp thành các khu Công nghệ cao tập trung vào kỹ thuật và sản xuất giá trị cao. Điều này giúp bảo vệ môi trường tự nhiên của Đà Nẵng nhằm đảm bảo rằng công nghiệp không ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch.

Trong 6 KCN đang hoạt động, có 01 KCN sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất công nghiệp thành đất đô thị dịch vụ (KCN Đà Nẵng) và 01 KCN (KCN Dịch vụ thủy sản) sẽ chuyển đổi một phần diện tích đất sản xuất sang thương mại dịch vụ để hạn chế việc ô nhiễm môi trường, tăng khoảng cách ly giữa KCN với khu dân cư lân cận.

Đất công nghiệp chủ yếu nằm tại các vị trí có khoảng cách thích hợp với các khu đô thị lân cận, bao gồm: Khu Công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 1; khu công nghiệp Liên Chiểu; nâng cấp Khu công nghiệp Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng thành khu công nghiệp sinh thái; khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng; hình thành mới các khu công nghiệp: Khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh; hình thành mới các cụm công nghiệp, diện tích khoảng 83 ha: Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại thành phố; duy trì và phát triển Làng nghề truyền thống điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn; hình thành Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn.

Đối với các khu công nghiệp đã đi vào khai thác, sử dụng, rà soát vấn đề liên quan đến khoảng cách ly an toàn vệ sinh, ô nhiễm môi trường và xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ, di dời, điều chỉnh, bổ sung ngành nghề thu hút đầu tư theo định hướng áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, phát triển công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường, hạn chế việc suy thoái đa dạng sinh học khu vực xung quanh. Đối với các khu công nghiệp mới, thành phố định hướng đầu tư xây dựng theo hình thức khu công nghiệp sinh thái, ưu tiên áp dụng công nghệ sạch và thân thiện môi trường; qua đó đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững các khu công nghiệp trên cả 3 mặt: kinh tế - xã hội và môi trường.

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Toàn văn thuyết minh Đồ án và phụ lục 

+ Thuyết minh

+ Phụ lục kèm theo